Rộn ràng ra đồng đầu năm

23/02/2018 | 07:58 GMT+7

Sau tết, cùng với dòng người đông đúc trên nhiều tuyến đường trở về các thành phố lớn để bắt đầu làm việc trở lại sau thời gian nghỉ tết thì ở các cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh bà con nông dân cũng đang tất bật với công việc thăm đồng, phun thuốc phòng trừ dịch hại cho vụ lúa quan trọng nhất trong năm.

Nhờ chủ động phòng trừ dịch hại trước, trong và sau tết nên ruộng lúa đài thơm 8 của anh Cao được bảo vệ tốt.

Những ngày qua, tuy là thời gian nghỉ để cùng gia đình, bạn bè vui xuân đón Tết cổ truyền nhưng nông dân vẫn tranh thủ thăm đồng để kiểm tra sinh vật gây hại nhằm phát hiện sớm, quản lý và phòng trừ kịp thời. Nhờ vậy mà hầu hết các ruộng lúa đều được bảo vệ tốt, ít bị dịch hại tấn công. Tuy nhiên, khoảng 3 ngày nay, tình hình rầy nâu xuất hiện trên đồng với mật số cao nên nông dân đang chủ động phòng trừ để tránh tình trạng lúa bị cháy rầy làm giảm năng suất khi thu hoạch.

Vừa phun thuốc trừ rầy nâu xong cho 8 công ruộng (giống IR 50404) của gia đình, ông Nguyễn Văn Lục, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Lúa còn hơn 10 ngày nữa sẽ thu hoạch nhưng thấy có rầy nâu nhiều và sợ bị cháy rầy nên phải xịt thuốc để an tâm hơn. Nhìn chung, thời tiết trong vụ lúa Đông xuân năm nay rất thuận lợi từ khi xuống giống cho đến trước tết nên hầu hết diện tích lúa nơi đây được dự báo là sẽ trúng mùa, riêng ruộng của tôi ước đạt khoảng 1,1 tấn/công (1.300m2).

Cách ruộng ông Lục không xa, ông Lê Văn Uôl, ở cùng ấp 12, xã Vị Trung, đang rảo quanh thăm 3 công ruộng đã phun thuốc trị rầy nâu từ 2 ngày trước. Ông Uôl chia sẻ: “Khi mới phát hiện có rầy là tôi phun thuốc ngay, sau đó nhiều hộ xung quanh cũng phun theo. Hiện thấy rầy đã chết và giảm mật số khá nhiều nên cũng mừng. Với giá lúa đã nhận tiền cọc trước từ “cò lúa” là 4.800 đồng/kg, cùng năng suất ước đạt khoảng 1 tấn/công, hy vọng 10 ngày tới gia đình sẽ hưởng niềm vui trúng mùa, trúng giá”.

Hiện rầy nâu không chỉ xuất hiện trên cánh đồng lúa ở ấp 12, xã Vị Trung mà còn có ở hầu hết các cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh, trong đó mật số rầy nhiều ở những giống lúa thơm, như: RVT, đài thơm 8, OM 4900 hay Jasmine 85. Cùng với rầy nâu, những ngày gần đây, thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều sương mù vào sáng sớm, trời se lạnh, ngày nắng yếu... nên bệnh bạc lá, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt cũng xuất hiện nhiều. Do đó, ngay những ngày đầu năm thế này, trên các cánh đồng lúa của tỉnh lại rôm rả tiếng máy phun thuốc của nông dân để phòng trừ dịch hại.

Đang xem nhân công phun thuốc phòng trị cho 1,9ha lúa của gia đình, anh Nguyễn Văn Cao, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, thông tin: “Năm nay là lần đầu tiên cánh đồng lúa nơi đây sạ giống đài thơm 8 với diện tích hơn 30ha trong tổng số khoảng 40ha, riêng tôi là toàn bộ diện tích. Hiện lúa đã gần đỏ đuôi và dự báo năng suất đạt không dưới 1,1 tấn/công. Vì vậy, khi thấy có dịch hại tấn công trong lúc này nên ai nấy đều khẩn trương phòng trị để bảo vệ năng suất lúa khi thu hoạch”.

Khi nông dân hối hả cần phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh trên lúa bao nhiêu thì những người làm nghề xịt thuốc mướn cũng tất bật với công việc này bấy nhiêu. Ông Nguyễn Văn Tân, trưởng nhóm xịt thuốc thuê ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cho hay: “Nhóm xịt thuốc thuê của tôi có 4 người và từ hôm mùng 3 tết đến nay ngày nào cũng xịt thuốc cả buổi sáng và chiều, đôi khi còn xịt luôn buổi trưa mới kịp. Bình quân mỗi ngày 4 thành viên xịt trên 60 bình thuốc, mỗi bình có giá 15.000 đồng, tính ra mỗi người cũng kiếm hơn 200.000 đồng/ngày. Từ đây cho đến 10 ngày tới là hôm nào cũng kín lịch”.

Cùng với tình hình dịch bệnh, do ảnh hưởng của cơn bão vừa qua, trong ngày mùng 3 tết, trên địa bàn tỉnh có xuất hiện mưa, có nơi mưa to làm cho một số diện tích lúa sắp thu hoạch của bà con bị đổ ngã. Do đó, ở những ruộng có lúa đổ ngã, nông dân đang khẩn trương khai nước cho mặt ruộng được khô, đồng thời buộc đứng những chỗ ngã thành chùm cho thuận tiện khi thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Sỹ, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, thông tin: “5/8 công lúa của tôi còn 4 ngày nữa sẽ cắt có sập loang lổ do mưa hôm mùng 3 vừa qua. Tuy vậy, điều mừng là hiện mặt ruộng đã khô và cũng cận ngày cắt nên khả năng ảnh hưởng đến năng suất lúa sẽ không đáng ngại. 3 công ruộng còn lại đã trổ bông cong trái me, tôi cũng vừa xịt thuốc phòng trừ dịch hại xong ngày hôm trước. Nhìn chung, hiện lúa của tôi và bà con nơi đây rất khả quan, chờ ngày thu hoạch”.

Mặc dù thời tiết trong và sau tết đang có những bất lợi nhất định, thế nhưng với sự khuyến cáo của ngành chức năng, cộng với sự chủ động của bà con nên các loại dịch hại đang được nông dân quản lý và phòng trừ có hiệu quả. Do đó, khi gặp người trồng lúa trên địa bàn tỉnh vào những ngày đầu năm, tuy họ có tất bật trong công việc đồng áng nhưng tất cả đều phấn khởi và kỳ vọng vào một vụ mùa thắng lợi sắp đến...

Vụ lúa Đông xuân 2017-2018, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống gần 78.000ha. Hiện tại, có hơn 20.000ha trong giai đoạn trổ - chín và sắp thu hoạch; hơn 40.000ha trong giai đoạn làm đòng; hơn 15.000ha ở giai đoạn đẻ nhánh; diện tích còn lại trong giai đoạn mạ. Theo ghi nhận của ngành chức năng tỉnh đến ngày 19-2, toàn tỉnh có gần 5.600ha lúa bị nhiễm sinh vật hại, trong đó, rầy nâu nhiễm 453ha, mật số 750-1.500 con/m2; đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông nhiễm gần 3.000ha; bệnh bạc lá 436ha… Vào thời điểm này, thương lái đặt tiền cọc mua lúa tươi với giá 6.800 đồng/kg (giống RVT); còn giống OM 5451 là 5.900-6.000 đồng/kg; giống IR 50404 là 4.800-5.000 đồng/kg.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>