Nông nghiệp phát triển

06/05/2021 | 07:57 GMT+7

Trong thời buổi công nghệ 4.0 đang phát triển, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh cũng dần bắt nhịp, cộng với sự đầu tư và dần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng nông nghiệp đã, đang mang lại nhiều hiệu quả sản xuất cho người dân.

Mô hình ứng dụng máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật đang là bước tiến mới trong canh tác lúa của tỉnh.

Nhiều đột phá

Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó xác định lúa và cây ăn trái là hai cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nên trong thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp, chính sách đầu tư cho hai loại cây trồng trên. Đặc biệt, trong thời buổi công nghệ 4.0 đang phát triển thì vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đang được phát triển mạnh và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực. Trên cây lúa, một trong những mô hình đặt nhiều kỳ vọng và mang lại hiệu quả thiết thực là việc ứng dụng mạ khay, máy cấy kết hợp với bón phân vùi một lần trong đất.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, cho biết: Thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc nâng tỷ lệ người dân sử dụng máy cấy trong gieo sạ để tăng hiệu quả sản xuất, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với nhiều cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, người dân trong tỉnh triển khai thử nghiệm và tổ chức nhân rộng mô hình mạ khay, máy cấy trong canh tác lúa. Cụ thể trong vụ lúa Thu đông 2020, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện mô hình mạ khay, máy cấy được 90ha, với 43 hộ dân tham gia. Điều phấn khởi là kết quả thu được của mô hình đều làm hài lòng người dân. Cụ thể là khi áp dụng mô hình, nông dân đã giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 180kg/công (1.300m2) xuống còn 80kg/công. Trong năm nay, đơn vị tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhân rộng mô hình. Sau thời gian thực hiện và nhân rộng cách làm trên, hiện tỷ lệ nông dân sử dụng cơ giới hóa trong gieo sạ lúa trên địa bàn tỉnh tăng từ 2% lên 10% trên tổng diện tích lúa của tỉnh (khoảng 77.600ha), tập trung nhiều ở huyện Vị Thủy và Long Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, hộ dân có 1ha lúa đã áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy, ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, thông tin: “Khi áp dụng mô hình, ngoài giảm lượng lúa giống thì nông dân còn đỡ tốn tiền mua thuốc bảo vệ thực vật và công phun xịt thuốc diệt cỏ dại vào đầu vụ. Ngoài ra, do sạ thưa nên sâu bệnh ít tấn công, đồng thời cây lúa nở bụi, cứng cây, từ đó hạn chế đổ ngã khi thu hoạch so với hộ ngoài mô hình”.

Bên cạnh mô hình trên thì một bước đột phá đáng ghi nhận khác trong sản xuất lúa của tỉnh là việc ngành chức năng đang đẩy mạnh ứng dụng thiết bị máy bay không người lái (MBKNL) để phun thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả thực tế của mô hình được triển khai thử nghiệm trên diện tích 30ha lúa Đông xuân vừa qua của người dân ở ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho thấy khi áp dụng mô hình đã giúp nông dân giảm 5% lượng thuốc đầu vào, việc kiểm soát dịch bệnh trên cây lúa đạt hiệu quả nhờ dập dịch nhanh và tiết kiệm được thời gian quản lý dịch hại; đồng thời giảm tổn thất sản lượng lúa từ 1-2%/ha so với phun thuốc thông thường do lúa không bị giẫm đạp trong quá trình phun thuốc.

“Điều tôi tâm đắc nhất của việc ứng dụng MBKNL trong phun thuốc bảo vệ thực vật là bảo vệ tốt sức khỏe người sản xuất do hạn chế tiếp xúc với thuốc, không tốn công đi phun mà chỉ cần đứng trên bờ mẫu điều khiển cho máy bay hoạt động. Hiện tại, Sở NN&PTNT tỉnh có đội chuyên đi phun thuốc với hình thức như trên khi bà con có nhu cầu, do đó đây là tín hiệu đáng mừng để nông dân dễ dàng tiếp cận với tiến bộ khoa học trong sản xuất lúa”, ông Nguyễn Văn Phó, nông dân ở ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, chia sẻ.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến nay việc cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh đạt 100%, chỉ còn khâu gieo sạ và phun thuốc đang được tỉnh tiếp tục nhân rộng. Bên cạnh sự đột phá về lĩnh vực trên thì năng suất lúa của tỉnh cũng đang xếp vào tốp dẫn đầu của vùng ĐBSCL nhờ người dân được chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và việc thay đổi từ giống lúa có phẩm chất gạo thấp sang chất lượng cao, đồng thời sử dụng giống cấp xác nhận trong gieo sạ. Ngoài ra, Hậu Giang cũng hình thành được nhiều vùng cánh đồng lớn trong sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp tác xã (HTX). Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020, năng suất lúa bình quân năm của tỉnh đạt 6,37 tấn/ha, chỉ thấp hơn Đồng Tháp (6,39 tấn/ha), nhưng cao hơn Vĩnh Long (5,99 tấn/ha), Sóc Trăng (6,06 tấn/ha), Cần Thơ (6,01 tấn/ha), Kiên Giang (5,85 tấn/ha) và mặt bằng chung của vùng  ĐBSCL là 5,95 tấn/ha.

Cùng với sự đột phá trong sản xuất lúa thì lĩnh vực cây ăn trái cũng có sự thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhất là từ khi ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, 2 loại cây trồng được xác định có bước phát triển mạnh hiện nay và góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nhờ giá bán và thị trường đầu ra thuận lợi là cây mít và chanh không hạt. Theo đó, hiện diện tích trồng mít trên địa bàn tỉnh là hơn 6.000ha, nhưng chỉ tính riêng huyện Châu Thành thì có diện tích chiếm khoảng 80% khi đạt hơn 5.000ha và địa phương kế tiếp là thành phố Ngã Bảy. Cùng với phát triển diện tích trồng, hiện ngành chức năng tỉnh cũng tiến hành đăng ký mã số vùng trồng mít được 2.000ha nhằm phục vụ yêu cầu xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Ông Dương Văn Thuận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) trồng mít, ở ấp Đông Bình, xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy, cho hay: “Hiện toàn HTX có hơn 18ha mít và tất cả đều đang trong giai đoạn cho trái. Trong quá trình canh tác, hầu hết các nhà vườn đều áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong phòng trị dịch bệnh, nhất là bao trái để phòng ngừa sâu đục trái và bệnh sơ đen trên trái mít. Nhờ giá mít trong những năm gần đây ở mức cao, bình quân từ 18.000-25.000 đồng/kg nên tạo nguồn thu nhập cao và cuộc sống ổn định cho các thành viên”.

 Đối với cây chanh không hạt, đang là cây ăn trái mang lại nhiều lợi nhuận cho địa phương và là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Hiện tại, diện tích trồng chanh không hạt của tỉnh đạt hơn 700ha, trong đó tập trung nhiều ở huyện Châu Thành, với 207ha. Sản lượng thu hoạch hàng năm từ chanh không hạt đạt 7.700 tấn. Sản phẩm chanh không hạt đang được tiêu thụ lâu dài ở hệ thống siêu thị Co.opMart và bán cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang một số nước Trung Đông, châu Âu với giá từ 10.000-30.000 đồng/kg tùy mùa. Từ trồng chanh không hạt, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn.

Thường xuyên nạo vét thủy lợi nội đồng đã giúp người dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Cơ sở hạ tầng thủy lợi dần hoàn thiện

Do tiếp giáp sông Hậu và sông Cái Lớn, đồng thời hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt đã cung cấp lượng nước mặt dồi dào, góp phần phát triển nông nghiệp của địa phương. Bên cạnh đó, chất lượng nước sông Hậu sạch và giàu chất dinh dưỡng đã tạo nên nguồn nước quan trọng trong sản xuất lúa, đặc biệt các mô hình canh tác xen canh lúa - cá hoặc lúa - tôm và trồng cây ăn trái. Vì vậy, để giúp người dân chủ động nguồn nước trong tưới tiêu và ứng phó hiệu quả với lũ, thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực đầu tư, phát triển hệ thống thủy lợi và trạm bơm. Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 915 vùng thủy lợi khép kín. Diện tích của mỗi vùng thủy lợi khép kín đạt từ 30-100ha, đáp ứng phục vụ cho khoảng 73.300ha, chiếm 54,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh, trong đó chủ yếu là cây lúa, cây ăn trái, mía, khóm và rau màu. Mặt khác, hệ thống thủy lợi nội đồng cũng luôn được các địa phương trong tỉnh đào đắp, nạo vét hàng năm với kinh phí hỗ trợ từ chính quyền địa phương và sự đóng góp của Nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Thơm, nông dân trồng hơn 2ha lúa ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho rằng: “Với việc quan tâm nạo vét tuyến kênh nội đồng thường xuyên đã cung cấp đủ lượng nước cho người dân bơm tưới ở các vụ lúa trong năm. Ngoài ra, lòng kênh sâu, thông thoáng còn tạo điều kiện cho ghe lúa vào tận ruộng để cân lúa cho bà con, nhờ vậy mà nông dân ít bị ép giá và đỡ tốn chi phí vận chuyển lúa từ trong đồng ra sông lớn để cân cho thương lái”.

Một điểm đáng ghi nhận khác trong đầu tư cơ sở hạ tầng là việc có nhiều công trình thủy lợi ứng phó với xâm nhập mặn được triển khai kịp thời đã góp phần làm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất do mặn gây ra cho người dân; trong đó trọng tâm là hệ thống đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh. Ngoài ra hàng năm, ngành chức năng tỉnh và địa phương còn hỗ trợ và khuyến khích người dân gia cố đê bao, nạo vét kênh mương và xây dựng thủy lợi nhỏ để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất hiệu quả. Mặt khác, cuối năm 2019 và đầu năm 2020, tỉnh đã xây dựng hoàn thành 10 trạm đo mặn tự động để cung cấp thông tin nhanh chóng cho người dân. Hơn nữa, nhiều dự án cống, đập ngăn mặn ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng được đầu tư và hoàn thiện, điển hình là 3 cống ứng dụng vận hành bằng pít tông thủy lực vào năm 2018, bao gồm cống Năm Căn, Hậu Giang 3 và Hóc Hỏa. Những giải pháp công trình về hệ thống thủy lợi đã có hiệu quả nhất định trong phục vụ nguồn nước sản xuất và ngăn xâm nhập mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp Hậu Giang tập trung vào một số công việc trọng tâm như thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp theo 3 tiểu vùng là vùng ngọt, vùng chồng lấn ngọt - lợ và vùng lợ ngoài đê bao. Từng tiểu vùng sẽ xác định trồng và nuôi cây, con gì cho phù hợp. Mặt khác, sẽ thực hiện xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo; trong đó tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản và trái cây, giảm tỷ trọng lúa gạo thông qua hình thức tổ chức sản xuất là các HTX nông nghiệp. Đồng thời, phát triển các ngành hàng khác theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để đa dạng hóa hệ thống sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>