Nông dân tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

15/07/2020 | 05:54 GMT+7

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Long Mỹ được các cấp hội nông dân triển khai sâu rộng. Nhờ đó, nông dân ngày càng phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Mô hình nuôi cầy hương đem thu nhập ổn định cho gia đình ông Tạo.

Nhà cách xa trung tâm xã, giao thông chưa thuận tiện nhưng mấy năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tạo, ở ấp 6, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ thường xuyên tiếp đón nhiều vị khách lạ ở mọi miền.

Ông Tạo cho biết: “Nhờ nuôi cầy hương (chồn hương, chồn mướp - PV) mà tôi được nhiều người biết đến. Không chỉ người dân địa phương mình mà thỉnh thoảng còn có khách ở tỉnh bạn tìm đến tham quan, đặt mua con giống”.

Năm 2015, ông Tạo mua được một cặp cầy hương về nuôi cho vui. Sau vài tháng nuôi, ông nhận thấy loài vật này phát triển tốt, có khả năng nuôi để phát triển kinh tế. Từ đó, ông mạnh dạn tìm mua thêm 4 con cầy nái và 3 cặp cầy con về chăm sóc, tổng chi phí đầu tư con giống 70 triệu đồng.

Là động vật hoang dã nên cầy hương khá dễ nuôi, ít bệnh tật và không kén thức ăn. Trái lại, giá cầy bán ra rất cao, cầy thương phẩm dao động từ 1,2-1,5 triệu đồng/kg, cầy con có giá 6 triệu đồng một cặp. Bình quân mỗi con cầy sau 6 tháng nuôi sẽ đạt trọng lượng từ 2kg. Đối với cầy sinh sản thì sau khi nuôi khoảng 1 năm sẽ sinh lứa đầu tiên. Con cầy nái mỗi năm có thể sinh sản từ 1-3 lứa, mỗi lứa đẻ từ 1-5 con.

“Qua gần 5 năm nhân đàn, hiện tôi nuôi 18 con nái đẻ, 23 cầy tơ chuẩn bị sinh sản và trên 20 cầy con. Bình quân mỗi năm chỉ tính riêng nguồn thu từ bán con giống cũng từ 180-200 triệu đồng”, ông Tạo phấn khởi cho biết.

Sau thành công với mô hình nuôi cầy hương, ông Tạo đang tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất của gia đình bằng mô hình nuôi lươn không bùn. Hiện tại, ông đầu tư nuôi đàn lươn 20.000 con. Dự kiến, ngoài nuôi lươn thịt ông sẽ tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất lươn giống. Ngoài ra, gia đình ông còn đang canh tác 20 công lúa. Để tạo thêm nguồn thu cho ruộng lúa, ông đang triển khai mô hình đa canh lúa - cá.

Với sự năng động, siêng năng, dám nghĩ dám làm của ông Tạo đã giúp cho kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển, cuộc sống gia đình sung túc. Hơn hết, với thành công của việc nuôi cầy hương, trên địa bàn xã hiện có gần 10 hộ nhân rộng. Với mô hình nuôi lươn, ông đã cùng 11 hộ dân khác trên địa bàn thành lập tổ hợp tác để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn liếng phát triển.

Không những làm kinh tế giỏi, ông Tạo còn luôn đi đầu trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu đi đầu trong các phong trào địa phương; đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất.

“Để kinh tế ổn định như hiện nay, gia đình tôi không ngại khó nhọc, không ngừng lao động, học hỏi ứng dụng nhiều cách làm hay, sáng tạo trong chăn nuôi, trồng trọt để mở rộng thêm nhiều loại hình sản xuất. Từ kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, tôi cũng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những hộ dân có nhu cầu để cùng nhau phát triển”, ông Tạo bộc bạch.

Theo Hội Nông dân huyện Long Mỹ, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát động hội viên, nông dân tham gia phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và bền vững (phong trào NDSXKDG) nên hàng năm tỷ lệ hộ dân đăng ký thi đua NDSXKDG đều tăng. Phong trào đã có sức lan tỏa, tạo động lực khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Toàn huyện Long Mỹ hiện có 6.185 hộ dân đạt danh hiệu hộ NDSXKDG các cấp, chiếm tỷ lệ 40% tổng số hộ nông dân toàn huyện. Trong đó, cấp Trung ương 30 hộ, cấp tỉnh 480 hộ, còn lại cấp cơ sở.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Mỹ, cho biết: “Để thúc đẩy phong trào NDSXKDG phát triển, các cấp hội nông dân trên địa bàn đẩy mạnh việc tuyên truyền cho hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua. Hội triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Hàng năm, tổ chức cho khoảng 80-100 lượt nông dân tham quan mô hình làm kinh tế hiệu quả cao. Phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện giúp vốn cho nông dân phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh. Nông dân thường xuyên được học nghề, tập chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới…”.

Thời gian gần đây, phong trào NDSXKDG ở địa phương ngày càng phát huy hiệu quả. Phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức như: giúp vốn, giống, công lao động, khoa học kỹ thuật… Các cấp hội nông dân trong huyện đã vận động hộ NDSXKDG tạo việc làm tại chỗ cho 1.123 lao động; giúp đỡ vốn, giống cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất cho 350 hộ nông dân, giúp 1.616 hộ dân thoát nghèo. Trong đó có 94/172 hộ thoát nghèo theo kế hoạch ấp thoát nghèo toàn diện giai đoạn 2018-2023.

Qua hiệu quả của phong trào NDSXKDG đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy cơ cấu kinh tế huyện nhà phát triển. Phong trào góp phần quan trọng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, giữ vững chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn, xây dựng Hội Nông dân ngày càng vững mạnh.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Long Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khích lệ hội viên, nông dân thi đua SXKDG. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, làm giàu...

Tổng kết phong trào thi đua NDSXKDG giai đoạn 2016-2020, toàn huyện Long Mỹ có 3 tập thể và 24 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thi đua, giai đoạn 2016-2020, được UBND huyện khen thưởng.

 

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>