Nỗi lo trước mùa mía mới

18/06/2018 | 08:15 GMT+7

Khoảng 2 tháng nữa, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu vào vụ thu hoạch mía 2018-2019. Tuy nhiên, vụ mía năm nay các địa phương, nông dân, nhà máy đường đều lo lắng.

Trăn trở của địa phương

Là huyện có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh, với hơn 7.505ha của niên vụ mía 2018-2019 này nên lãnh đạo huyện Phụng Hiệp rất quan tâm đến người dân trồng mía, do dự báo đợt thu hoạch mía sắp tới đây sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là giá bán vì bị ảnh hưởng chung của ngành mía đường. Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho rằng: Nguồn thu nhập của nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện phụ thuộc chính vào cây mía, do đó nếu giá mía năm nay thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ, nhất là đối với hộ nghèo, vì số lượng này tại các vùng mía trong huyện còn nhiều. Chính vì vậy, địa phương rất mong các nhà máy đường cần xem xét đưa ra mức giá thu mua mía hợp lý để người trồng mía không rơi vào cảnh khó khăn sau khi bán mía.

Cùng nỗi trăn trở trên, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, cho hay: Vụ mía năm trước, bà con nông dân trên địa bàn thị xã bán mía với giá bình quân từ 900-930 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất thì thu được lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng/ha. Riêng năm nay, tuy chưa biết giá mía tới đây như thế nào, nhưng qua tính toán sơ bộ thì giá thành sản xuất mía của người dân vụ này ở mức 700 đồng/kg. Do đó, nông dân mong muốn nhà máy đường sẽ thu mua mía cao hơn giá thành sản xuất để bà con kiếm được nguồn lợi nhuận sau gần một năm canh tác.

Ngành chức năng và người dân đang lo lắng về tình hình thu hoạch mía tới đây, nhất là giá bán. 

Song song với nỗi lo giá bán thì tình trạng thiếu nhân công lao động cũng đang đặt ra nhiều nan giải trước khi vụ thu hoạch mía bắt đầu. Bởi hiện nay, lực lượng lao động thanh niên tại địa phương không nhiều, do đa phần đi làm công nhân tại các thành phố lớn. Chính điều này thường gây thiếu hụt nhân công lao động mỗi khi vào đợt thu hoạch mía, nhất là lúc cao điểm, từ đó dẫn đến tiền thuê cao và kéo theo giá thành sản xuất tăng.

Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: Vụ mía đang sản xuất, nông dân thành phố xuống giống được 1.832ha, giảm 58ha so với cùng kỳ. Giống như các địa phương khác, người trồng mía của thành phố cũng rất lo lắng về việc giá thu mua mía tới đây do nhà máy đường chưa triển khai kế hoạch bao tiêu. Ngoài ra, vấn đề thiếu hụt nhân công lao động vào mỗi vụ sản xuất cũng thường xuyên xảy ra nên giải pháp thành phố đề ra là tới đây có thể vận động nông dân thành lập đội đốn mía để vừa thu hoạch qua lại giữa các thành viên và vừa đi đốn thuê nhằm giảm chi phí thuê mướn bên ngoài.

Gặp khó với đường lậu

Nếu như ngành chức năng các địa phương có những lo lắng trước khi nông dân vào vụ thu hoạch mía thì hiện các nhà máy đường trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình tiêu thụ đường, nhất là tình hình đường lậu giá thấp đang “tràn ngập” vào Việt Nam. Qua thống kê sơ bộ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến đầu tháng 6-2018, các nhà máy đường cả nước đã ép được 13,5 triệu tấn mía, sản xuất gần 1,3 triệu tấn đường. Do giá đường liên tục giảm và hiện ở mức từ 10.000-10.500 đồng/kg, thấp hơn 2.000-2.900 đồng/kg so với đầu vụ. Dù giá đường thấp nhưng việc tiêu thụ không dễ dàng, từ đó dẫn đến lượng đường tồn kho tại các nhà máy lên đến 670.000 tấn, tăng gần 200.000 tấn so với 2 tháng trước.

Về nguyên nhân đường tồn kho lớn, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng do đường lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng gia tăng và tinh vi. Việc nhập khẩu các loại đường khác thay thế đường mía để làm nguyên liệu công nghiệp chế biến thực phẩm nhất là nước giải khát có xu hướng gia tăng. Nổi lên là tình trạng đường nhập lậu thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu của các nhà máy, công ty đường trong nước. Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết: Các doanh nghiệp trong nước dùng đường cho sản xuất có tư tưởng đợi ý kiến của Chính phủ về việc gia hạn thời điểm xóa bỏ hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường của Hiệp định thương mại hàng hóa các nước ASEAN (ATIGA). Do đó, việc mua đường của các nhà thương mại chỉ mang tính cầm chừng nên không có tình trạng đường chất đầy trong kho chờ sản xuất như trước. Vì vậy, đường sản xuất ra chủ yếu tồn kho tại các nhà máy đường và Casuco cũng không ngoại lệ.

Đường nhập lậu trốn thuế đang hoành hành, trong khi các nhà máy trong nước phải chịu thuế, nghĩa vụ với an sinh xã hội, hỗ trợ người trồng mía… nên kéo theo chi phí cao hơn và khó cạnh tranh hơn là câu chuyện đang diễn ra. Chính điều này đã dẫn tới nhiều nhà máy đường phải đóng cửa do hoạt động bị thua lỗ. Đơn cử tại vùng ĐBSCL, hiện đã có 3/10 nhà máy đường phải ngưng hoạt động. Trong bối cảnh này, các nhà máy đường trong nước cho rằng cần có sự công bằng trong cạnh tranh thương mại, do đó đề nghị ngành chức năng các cấp phải quyết liệt hơn trong việc chống buôn lậu mặt hàng đường. Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho áp dụng mức thuế trong hạn ngạch 5% không chỉ trong khu vực ASEAN mà còn cho mặt hàng đường có nguồn gốc xuất xứ khác như: Brazil, Úc, Ấn Độ, nhằm tăng tính cạnh tranh của nguồn cung, tránh tạo ra độc quyền nguồn cung từ Thái Lan dẫn đến Việt Nam phải mua giá cao. Còn ngoài hạn ngạch vẫn áp dụng mức thuế như hiện hành. Thực hiện điều này sẽ có lợi cho việc nhập khẩu đường vào Việt Nam, vẫn giữ bảo hộ cho sản xuất trong nước như hiện nay và vẫn bảo đảm cam kết trong việc thực hiện khu vực mậu dịch tự do (AFTA) với các nước ASEAN.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho biết: Trước phản ánh của Casuco về tình hình đường lậu diễn ra gay gắt như hiện nay, tới đây UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành công thương và các đơn vị có liên quan của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với mặt hàng đường trên địa bàn tỉnh để kịp thời ngăn chặn và xử lý khi phát hiện vi phạm, qua đây hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp tiêu thụ đường tồn kho để chuẩn bị bắt đầu vào vụ ép mới.  

Khẩn trương bao tiêu mía

Dù còn nhiều khó khăn trong sản xuất, nhất là lượng đường tồn kho tại nhà máy nhiều, nhưng để chia sẻ cùng nông dân trồng mía và giúp họ an tâm canh tác, lãnh đạo Casuco đã thống nhất kế hoạch và đưa ra mức giá sàn bảo hiểm với nông dân cho niên vụ ép 2018-2019 tới đây. Theo đó, dự kiến trong vụ mía năm nay, Casuco sẽ tiến hành ký kết hợp đồng thu mua với sản lượng 1 triệu tấn mía (riêng địa bàn tỉnh Hậu Giang từ 600.000-650.000 tấn mía), giá sàn bảo hiểm là 800 đồng/kg mía 10 chữ đường cân tại cầu cảng nhà máy và xí nghiệp đường của Casuco, giảm 100 đồng/kg so với cùng kỳ. Hiện tại, Casuco đã gửi kế hoạch đến Sở NN&PTNT tỉnh, cùng chính quyền các địa phương có vùng mía nguyên liệu của Casuco. Ngoài ra, bộ phận khuyến nông và một số đơn vị liên quan của Casuco cũng đang tiến hành phổ biến kế hoạch, thông báo giá sàn bảo hiểm và tổ chức ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân trồng mía. Dự kiến, công việc này sẽ hoàn thành trong tháng 6.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco, thông tin: Sau khi tính toán chi phí sản xuất của nông dân trong vụ mía năm nay ở tầm 700 đồng/kg và dù còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ đường nhưng để chia sẻ với nông dân trồng mía, Casuco đã đưa ra mức giá sàn bảo hiểm trong vụ mía này là 800 đồng/kg. Với mức giá này, công ty đã bao lỗ cho bà con vì khi vào vụ ép, Casuco sẽ mua mía theo giá thị trường, trường hợp giá thấp thì những hộ được ký hợp đồng sẽ bán không thấp hơn mức giá sàn nên bà con cứ an tâm sản xuất. Ngoài ra, có một điểm mới trong công tác thu mua năm nay của Casuco là những hộ không có ký hợp đồng với Casuco thì khi gặp trường hợp dội mía thì Casuco sẽ không mua mía của những hộ này. Do đó, chính quyền các địa phương cần thông tin kỹ cho người dân biết để không bị thiệt thòi. Dự kiến, Casuco sẽ bắt đầu vụ ép vào đầu tháng 10 tới, trường hợp gặp bất lợi về mưa, bão thì có thể vào vụ sớm hơn.

Theo kế hoạch dự kiến của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ mía 2018-2019, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu thu hoạch từ tháng 8-2018 đến tháng 3-2019, trong đó tập trung cao điểm vào tháng 10, 11 và 12-2018. Dù thời gian vào vụ thu hoạch mía đã cận, nhưng hiện chỉ có 1/2 doanh nghiệp mía đường trong tỉnh là Casuco đã có kế hoạch, giá sàn thu mua cụ thể và chuẩn bị ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân, riêng Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát (Lusuco) vẫn chưa có tín hiệu gì. Điều này đang đặt ra nhiều lo lắng cho ngành chức năng và người dân tại các vùng mía do Lusuco phụ trách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho rằng: Biết trước sự khó khăn mà ngành mía đường và nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh sẽ đối mặt trong vụ thu hoạch tới đây nên năm nay UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với các nhà máy đường sớm hơn gần 2 tháng so với mọi năm để nghe báo cáo tình hình, từ đó sớm tìm ra giải pháp phù hợp để đợt thu hoạch mía tới đạt hiệu quả. Qua nghe báo cáo, đã phần nào an tâm trước sự chuẩn bị của Casuco, riêng Lusuco cần sớm có kế hoạch sản xuất và báo cáo về UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo kịp thời. Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp đường trên địa bàn tỉnh sớm tổ chức ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân để bà con an tâm sản xuất và công việc này cố gắng hoàn thành trước ngày 15-7 tới. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh cần phối hợp tốt với chính quyền các địa phương trong việc khoanh vùng thu hoạch mía vào từng thời điểm cho phù hợp, đảm bảo mía đạt năng suất, chất lượng tốt nhất khi đưa về nhà máy…

Niên vụ mía 2018-2019, nông dân trên địa bàn tỉnh trồng gần 10.600ha mía (giảm 153ha so với cùng ky), tập trung ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Hiện cây mía trong giai đoạn từ 5-8 tháng tuổi và phát triển tốt. Có 2 giống mía được nông dân trồng nhiều trong vụ này là ROC 16 chiếm 46,9% và K88-92 chiếm 32,1%. 

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>