Niềm vui về đích nông thôn mới

30/06/2020 | 18:39 GMT+7

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng cách làm hay, sáng tạo nên xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp đã từng bước vượt khó trong xây dựng nông thôn mới (NTM) để tạo nguồn lực phát triển kinh tế, đời sống người dân được nâng lên. Đặc biệt hôm nay (1-7), địa phương này long trọng tổ chức lễ công bố xã đạt chuẩn NTM trong niềm phấn khởi của người dân.

Hệ thống giao thông nông thôn và cảnh quan môi trường xã Phụng Hiệp hôm nay trở nên khang trang, sạch đẹp.

Vượt khó xây dựng nông thôn mới

Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, thông tin: Người dân xã Phụng Hiệp chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp nên vào những năm đầu xây dựng NTM (cuối năm 2010), địa phương có điểm xuất phát thấp, đời sống người dân và cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều khó khăn. Điển hình như đến năm 2016, qua rà soát thì xã chỉ mới đạt 11/19 tiêu chí NTM, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 17,76%, thu nhập bình quân của người dân ở mức 28 triệu đồng/người/năm. Từ những khó khăn đặt ra nên cũng vào năm 2016, xã Phụng Hiệp được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã đặc biệt khó khăn (xã loại III) nên hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, với quyết tâm là đưa đời sống người dân ngày một phát triển trên các mặt nên cả hệ thống chính trị của xã đã tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, cùng những cách làm hay và sáng tạo để vượt khó trong xây dựng NTM. Nhờ vậy, sau 3 năm đầy nỗ lực, cộng thêm sự phấn đấu trước đó, xã Phụng Hiệp đã cán đích NTM trong niềm phấn khởi của bà con địa phương.

Theo đó, một trong những giải pháp hiệu quả đầu tiên là ngành chức năng xã Phụng Hiệp đã tập trung vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế cao nhằm cải thiện nguồn thu nhập và giảm nghèo hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay xác định, cây mía không còn mang lại hiệu quả sản xuất cho người trồng do giá cả bấp bênh nên xã Phụng Hiệp đã vận động người dân chuyển sang cây trồng khác. Từ đó, nhiều mô hình chuyển đổi từ đất mía được bà con thực hiện và ngày càng nhân rộng khi mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn. Nổi bật là mô hình trồng cây ăn trái như: mít, sầu riêng, chanh không hạt; đặc biệt là mô hình trồng rẫy dây, rau màu rất được nông dân ưu chuộng vì nhanh có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.

Anh Phạm Văn Sơn, ở ấp Xẻo Môn, xã Phụng Hiệp, chia sẻ: “Sau khi được chính quyền địa phương vận động, gia đình tôi và nhiều bà con nơi đây quyết định bỏ mía để chuyển sang trồng rau màu hơn 2 năm nay, trong đó chủ lực là cây dưa hấu. Cụ thể, với 5 công đất của gia đình, sau gần 2 tháng trồng dưa hấu là tiến hành thu hoạch với năng suất bình quân 3,5 tấn/công, giá bán trung bình 5.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi kiếm được nguồn lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/công. Riêng vào những tháng mùa mưa như thế này thì tôi và bà con chuyển sang trồng ớt, bắp, cà,… Nhờ mau có nguồn thu nhập hấp dẫn và ổn định nên từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất đến nay, đời sống người dân nơi đây được cải thiện rất nhiều so với lúc canh tác cây mía”.

Cùng với mô hình trên, nhiều hộ dân trong xã Phụng Hiệp còn thành công với mô hình nuôi thủy sản như: cá tra, tai tượng, mè vinh,… Ngoài ra, nhiều hộ còn tận dụng mặt nước dưới sông để nuôi cá lóc trong vèo cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Thanh Bạc, có 3 ao nuôi cá với diện tích 6.000m2 mặt nước ở cùng ấp Xẻo Môn, xã Phụng Hiệp, cho biết: “Gia đình tôi chuyển từ đất mía sang đào ao nuôi cá được 5 năm nay và cứ sau 2 năm nuôi là thu hoạch một lần, với nguồn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/đợt. Hiện tại, tôi chuẩn bị bán khoảng 4-5 tấn cá mè vinh, giá cân xô được thương lái mua 20.000 đồng/kg; đồng thời cũng có 3-4 tấn cá tra và trên 100 con cá tai tượng (mỗi con đều hơn 1kg). Dự kiến đợt bán cá lần này, gia đình tôi có nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng”. Giống như ông Bạc, ông Trần Văn Mol, hộ có hơn 10 năm nuôi cá lóc và cũng là người tiên phong với mô hình này ở ấp Sậy Niếu B, chia sẻ: “Nuôi cá lóc trong vèo chiếm diện tích mặt nước ít, nhẹ công chăm sóc, nguồn thức ăn chủ yếu từ các loại cá vụn được người bán ngoài chợ. Cá lóc sau khi thả nuôi đến ngày thu hoạch chỉ mất 7 tháng, trọng lượng mỗi con đạt từ 1-1,5kg. Những vèo lưới lớn có thể thu hoạch hơn 2 tấn cá/vèo, còn vèo nhỏ thì số lượng là 1,2-1,5 tấn cá/vèo. Nếu giá cá lóc dao động ở mức 40.000-45.000 đồng/kg (cân tại vèo) thì sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể kiếm được 20 triệu đồng/tấn cá”.

Đồng hành cùng với người dân trong phát triển mô hình sản xuất, xã Phụng Hiệp luôn phối hợp với các ngành chức năng từ tỉnh đến huyện trong việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi nhằm tạo điều kiện cho bà con canh tác, nhất là những hộ gặp khó khăn về kinh tế; đồng thời tổ chức nhiều buổi tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật, cũng như thành lập các tổ hợp tác nhằm giúp bà con chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất để từng hộ gia đình đều thu được nguồn lợi nhập hấp dẫn với mô hình mình lựa chọn.

Song song với việc nhân rộng mô hình sản xuất thì việc tìm các giải pháp để giúp người dân thoát nghèo bền vững cũng được xã Phụng Hiệp quan tâm. Theo đó, ngay từ đầu mỗi năm, ngành chức năng xã đã thành lập nhiều đoàn công tác đi đến các ấp và từng hộ nghèo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sau đó tiến hành đề xuất với UBND huyện và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Phụng Hiệp xem xét phân bổ nguồn vốn để hộ nghèo vay với chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho bà con sản xuất, chăn nuôi, buôn bán… Ngoài ra, địa phương còn phối hợp với ngành chức năng của huyện và tỉnh tổ chức mở các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở và cây, con giống... Từ việc triển khai phù hợp, hiệu quả nhiều giải pháp trọng tâm như trên, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Phụng Hiệp đạt hơn 46 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,91%.     

Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện

Bên cạnh đời sống vật chất của người dân đang phát triển từng ngày thì về quê hương xã Phụng Hiệp hôm nay còn cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng nông thôn. Theo đó, tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí từ cấp trên và sự đóng góp của mạnh thường quân, người dân địa phương mà hiện có 100% tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện (9,7km) và 100% tuyến đường trục ấp, liên ấp (11,5km) được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đúng theo quy định; đồng thời 100% tuyến đường ngõ sớm (12,8km) không còn lầy lội vào mùa mưa. Cảm nhận về sự đổi thay của quê hương hôm nay, ông Trần Văn Hổ, ở ấp Mỹ Thuận 1, xã Phụng Hiệp, cho hay: “Nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM với nhiều chương trình, dự án được đầu tư đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn xã Phụng Hiệp hôm nay có nhiều khởi sắc. Trong đó, khoảng 5 năm trước địa phương đã xóa cầu khỉ và khoảng 3 năm nay không còn lộ bị sình lầy vào mùa mưa. Từ việc đầu tư cầu, lộ giao thông thông suốt đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và giao thương hàng hóa cho bà con, qua đây góp phần nâng cao mức sống cho vùng đất trước đây còn gặp nhiều khó khăn thì nay đã không còn khi trở thành xã NTM”.

Ngoài cầu và lộ, hiện xã Phụng Hiệp có 2/2 trường học và trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; hộ sử dụng điện thường xuyên và an toàn đạt hơn 98%; hộ dân có nhà ở đạt 3 cứng theo quy định chiếm gần 87%. Xã hiện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và 6/6 ấp đều có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định, đồng thời có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em, người cao tuổi. Ông Nguyễn Thanh Bạc, Bí thư, Trưởng ấp Xẻo Môn, xã Phụng Hiệp, thông tin: “Nhà văn hóa ấp vừa được xây dựng mới đạt chuẩn và được trang bị đầy đủ các công năng nên mỗi lần tổ chức hội họp đều thuận tiện. Đặc biệt, với việc mở rộng diện tích nhà văn hóa ấp đã tạo điều kiện cho bà con đến họp đông và thoải mái hơn trước rất nhiều”.

Đi liền với sự đổi thay về cơ sở hạ tầng nông thôn là cảnh quan môi trường luôn được người dân trên địa bàn xã Phụng Hiệp tích cực thực hiện. Nhờ vậy, hiện đi trên các con đường trục chính hay đường nông thôn của xã Phụng Hiệp thì đều nhìn thấy những hàng rào bằng cây xanh được bà con trồng trước nhà với nhiều loài hoa khoe sắc; từ đó góp phần tô điểm thêm cho bức tranh NTM của xã Phụng Hiệp đang giàu, đẹp. Mặt khác, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã trong nhiều năm qua luôn được đảm bảo bình yên nhờ ngành chức năng có liên quan của xã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó điển hình là mô hình cổng rào an ninh trật tự, Câu lạc bộ giáo dục vi phạm pháp luật, Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, camera an ninh,...

Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, thông tin thêm: Một trong những nguyên nhân chính tạo thành công lớn trong xây dựng NTM của xã Phụng Hiệp hôm nay chính là nhờ sự chung sức, đồng lòng của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp. Theo đó, khi mỗi chương trình hay phong trào được phát động thì đều có sự tự nguyện tham gia tích cực của bà con, nhất là việc làm cầu, đường giao thông và cảnh quan môi trường. Chính sự chung sức này đã thể hiện kết quả là có 99% người dân trong xã hài lòng với kết quả xây dựng NTM của địa phương và rất phấn khởi khi xã nhà được công nhận đạt chuẩn NTM.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Xã Phụng Hiệp không nằm trong kế hoạch chỉ đạo về đích NTM giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, đồng thời đây còn là xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp hữu hiệu trong chỉ đạo, điều hành và chọn hướng đi phù hợp đã giúp cho Phụng Hiệp cán đích NTM với sự thống nhất cao của các sở, ngành tỉnh và người dân địa phương. Kết quả này thật sự là một điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh để các xã khác phấn đấu làm theo. Thời gian tới, địa phương tiếp tục phát huy tốt những giải pháp và cách làm hay trong quá trình thực hiện để hướng đến thành tích cao hơn là xã NTM nâng cao...

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>