Niềm vui lúa Đông xuân cuối vụ

13/04/2018 | 07:53 GMT+7

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2018 có nhiều thuận lợi đã kéo theo việc mua, bán lúa Đông xuân giữa thương lái và nông dân trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động.

Nông dân thu hoạch lúa Đông xuân cuối vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục có niềm vui trúng mùa, bán được giá.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ước tính quý I/2018, xuất khẩu gạo cả nước đạt hơn 1,36 triệu tấn, với giá trị khoảng 669 triệu USD, tăng 9,4% về sản lượng và tăng tới 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, điều đáng mừng là việc chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu gạo từ phân khúc chất lượng thấp và trung bình sang phân khúc chất lượng cao, đây được xem là điều bắt buộc để phù hợp với xu hướng tiêu dùng trên thế giới.

Cùng chiều tăng của gạo xuất khẩu, trong quý đầu năm, giá lúa Đông xuân tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng từ 300-500 đồng/kg so với cùng kỳ do thị trường đầu ra thuận lợi. Do đó, nhằm có nguồn hàng như mong muốn, khi lúa Đông xuân 2017-2018 vừa bắt đầu vào vụ thu hoạch thì cũng là lúc các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu tập trung gom đủ hàng để giao cho các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết với những thị trường truyền thống và chuẩn bị đơn hàng vào nhiều thị trường mới, từ đó giá lúa được ổn định ở mức cao trong thời gian qua.

Điển hình tại Hậu Giang, vào thời điểm đầu vụ (đầu tháng 3) khi nông dân ở nhiều cánh đồng gieo sạ sớm vụ lúa Đông xuân bắt đầu thu hoạch lúa với niềm vui “kép” là trúng mùa, bán được giá thì cũng kể từ đó niềm vui này cứ nối tiếp đến thời điểm hiện tại khi bà con đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa cuối vụ. Theo nhiều nông dân, đã có trường hợp thương lái đề nghị mua lúa với giá cao hơn từ 700-800 đồng/kg đối với giống lúa RVT so với giá đã đặt tiền cọc trước đó khi nông dân trả lại tiền cho “cò lúa”, nhưng nhiều người không đồng ý bán với hình thức này vì giữ chữ tín.

Ghi nhận tại cánh đồng lúa đang chín vàng rực ở ấp 1, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp vào thời điểm này, những chiếc máy gặt đập liên hợp đang hoạt động rền vang. Gần đó, những người lao động cũng đang cật lực rinh từng bao lúa no tròn để chở về điểm tập kết cân cho thương lái và lấy tiền tại ruộng, một không khí mùa vụ rất rộn ràng.

Vừa bán xong 2 công lúa (giống IR 50404), ông Vũ Thế Hòa, ở ấp 1, xã Hòa An, chia sẻ: “Lần đầu tiên sau hơn 10 năm tôi gắn bó với cây lúa, đây là lần tôi cắt lúa đạt năng suất hơn 1 tấn/công (1.300m2). Hiện không riêng gì gia đình tôi mà cả cánh đồng này ai cũng đều trúng mùa như vậy, có hộ gần 1,2 tấn/công. Còn những vụ Đông xuân trước, năng suất thường dao động từ 700-800 kg/công do vùng đất nơi đây không màu mỡ bằng những khu vực khác. Ngoài trúng mùa, tôi còn bán được giá 5.300 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so với cùng kỳ. Do đó, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình tôi có nguồn lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng/công”.

Cũng vừa cắt xong 8 công ruộng và đang chờ thương lái đến cân, ông Nguyễn Văn Mừng, ở cùng ấp 1, xã Hòa An, phấn khởi cho biết: “Lâu lắm rồi, nông dân chúng tôi mới có được niềm vui trọn vẹn thế này. Tuy chưa cân lúa nhưng tôi đoán năng suất phải trên 1 tấn/công, trong đó có 4 công giống IR 50404 đã ngã giá 5.300 đồng/kg, còn 4 công lúa giống OM 5451 thì bán giá 5.700 đồng/kg. Do đó, khả năng sẽ bỏ túi mức lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/công trong vụ này”.

Không riêng gì cánh đồng lúa tại ấp 1, xã Hòa An mà các ruộng lúa khác đang vào mùa thu hoạch trong lúc này cũng có niềm vui tương tự. Bà Mai Thị Mum, ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, thông tin: “Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên chi phí đầu tư thấp và năng suất 6 công lúa (giống OM 5451) của gia đình vừa cắt xong cũng đạt trên 1 tấn/công. Điều mừng nhất là giá lúa ổn định ở mức cao từ đầu vụ đến nay nên ai nấy đều có lời sau khi bán lúa”.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, hiện nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch hơn 67.000ha trong tổng số gần 78.000ha đã xuống giống, năng suất bình quân đạt hơn 7,7 tấn/ha. Diện tích lúa chưa thu hoạch chủ yếu còn ở huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Tuy Hậu Giang còn khoảng 10.000ha lúa Đông xuân chưa thu hoạch, nhưng đến thời điểm này có thể đánh giá rằng, vụ lúa đang cắt đã đạt thắng lợi trên nhiều mặt, gồm: diện tích xuống giống, năng suất, sản lượng, nguồn lợi nhuận cao cho nông dân.

Cũng theo phân tích của ông Đời, nguyên nhân có được kết quả trên là ngay từ đầu vụ xuống giống, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, mở nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công tác khuyến cáo người dân gieo sạ các giống lúa chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Trong đó, nhiều giống lúa chất lượng được nông dân Hậu Giang chọn canh tác là: OM 5451, Jasmine 85, RVT, Đài Thơm… Bên cạnh đó, một yếu tố khác không kém phần quan trọng là việc chủ động mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mở rộng diện tích hợp đồng bao tiêu với nông dân. Kết quả đã có 14 doanh nghiệp thực hiện bao tiêu, với diện tích 11.000ha, qua đây tạo hiệu ứng tích cực để thúc đẩy việc tiêu thụ lúa cho bà con được thuận lợi. 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>