Nhân rộng mô hình cánh đồng lớn

19/03/2019 | 09:35 GMT+7

Thời gian qua, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, không ngừng quan tâm nhân rộng mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa để nông dân tăng nguồn thu nhập trên cùng diện tích canh tác. 

Nông dân trong cánh đồng lớn xã Trường Long A đang canh tác lúa rất hiệu quả. 

Đang rảo quanh thăm ruộng lúa của gia đình nằm phía sau nhà vừa gieo sạ vụ Hè thu được hơn 15 ngày tuổi, ông Dương Văn Nhỏ, ở ấp Trường Bình A, xã Trường Long A, cho biết: “Toàn bộ hơn 5ha lúa của gia đình tôi đều nằm trong mô hình cánh đồng lớn của địa phương. Từ khi tham gia mô hình này, việc canh tác lúa của tôi và bà con được nhẹ công hơn rất nhiều. Bởi, xung quanh có hệ thống đê bao khép kín và có gắn trạm bơm điện nên chủ động được nguồn nước trong sản xuất. Mặt khác, bà con trong mô hình thường xuống giống đồng loạt, canh tác cùng một loại giống và thường xuyên có cán bộ khuyến nông của xã, huyện đến thăm đồng, kết hợp hướng dẫn bà con phòng trừ dịch hại. Nhờ vậy, chi phí đầu tư cho cây lúa được giảm, năng suất thì ổn định ở mức cao nên hầu hết nông dân trong mô hình đều đạt lợi nhuận hơn 30% sau khi trừ chi phí đầu tư ở mỗi vụ lúa”.

Theo nhiều nông dân canh tác lúa ở mô hình cánh đồng lớn ấp Trường Bình A, vụ lúa Đông xuân vừa thu hoạch xong dù gặp thời tiết bất lợi, lúa trổ bông sớm nhưng do bà con chủ động trong phòng trừ sinh vật gây hại nên năng suất lúa ở đây vẫn dao động từ 850-900kg/công (công 1.3000m2), có hộ đạt gần 1 tấn/công. Trong khi, nhiều bà con bên ngoài mô hình cánh đồng lớn chỉ đạt năng suất phổ biến từ 700-800 kg/công.

Ông Nguyễn Văn Đáng, ở cùng ấp Trường Bình A, thông tin: “Vụ lúa Đông xuân vừa qua, do tôi canh tác giống lúa Đài Thơm 8 nên ít bị rầy nâu tấn công, nhờ vậy gần 2ha lúa của gia đình đạt năng suất gần 1 tấn/công và đây được xem là năng suất lúa cao nhất tại cánh đồng này. Với giá bán 4.700 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình tôi có nguồn lợi nhuận hơn 1,7 triệu đồng/công. Hiện gia đình đã xuống giống lại vụ Hè thu theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp huyện và lúa đã được hơn 10 ngày tuổi, tình hình rầy nâu và các đối tượng dịch hại khác ở đầu vụ không có nên cây lúa phát triển tốt”.

Xã Trường Long A là một trong những địa phương có diện tích đất tự nhiên lớn của huyện Châu Thành A, với hơn 4.000ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm phần lớn và lúa đang là cây trồng chủ lực của xã với diện tích 2.071ha. Do đó, nhằm giúp người trồng lúa cải thiện về năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng nguồn thu nhập trên cùng diện tích canh tác, lãnh đạo xã Trường Long A đã phối hợp với ngành nông nghiệp của huyện, tỉnh đầu tư mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa. Đi kèm với việc hình thành các cánh đồng lớn là nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao đến nông dân, trong đó hướng bà con canh tác theo mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất như: Mô hình “một phải năm giảm”, “ba giảm ba tăng”… Đặc biệt, lãnh đạo xã còn tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ để hoàn thiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng về đê bao khép kín, cống, đập, trạm bơm điện, kết hợp với nạo vét thủy lợi nội đồng khi mỗi cánh đồng lớn được ra mắt. Nhờ sự đầu tư trên đã giúp nông dân trồng lúa trong cánh đồng lớn đạt mức lợi nhuận cao hơn khoảng 15% so với hộ canh tác bên ngoài. Chính vì vậy, mô hình cánh đồng lớn ở Trường Long A được bà con đồng tình ủng hộ và diện tích ngày càng mở rộng.

Ông Huỳnh Văn Nhịn, Chủ tịch UBND xã Trường Long A, cho biết: Chỉ tính riêng trong vụ lúa Đông xuân 2018-2019 vừa qua, diện tích lúa của bà con tham gia vào mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn xã lên đến 250ha, trong khi tổng diện tích lúa của mô hình này trước đó chỉ 178ha. Vì vậy, tổng số diện tích lúa thực hiện cánh đồng lớn của xã đến nay là 428ha. Hiện các cánh đồng lớn đã thu hoạch lúa xong và điều đáng phấn khởi là hầu hết nông dân đều đạt lợi nhuận trên 30% sau khi bán lúa cho thương lái. Qua đây, tiếp tục tạo động lực cho nông dân để mô hình ngày càng phát triển bền vững.

Bên cạnh các mặt thuận lợi trong sản xuất thì theo bà con khi tham gia vào mô hình cánh đồng lớn, nông dân được an tâm về đầu ra sản phẩm khi có 5 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn xã đứng ra bao tiêu lúa. Đặc biệt, giá bán được thương lượng vào từng thời điểm của thị trường nên cả người bán và người mua đều hài lòng, từ đó tạo sự liên kết chặt chẽ. Ông Võ Thành Phước, đại diện HTX Hiếu Lực, ở ấp Trường Hiệp A, xã Trường Long A, cho hay: “Vụ lúa Đông xuân vừa rồi, HTX ký kết thu mua hơn 300ha lúa cho bà con địa phương. Ban đầu, HTX ký hợp đồng giá sàn chung là 5.400 đồng/kg, nhưng khi vào vụ thu hoạch, do giá lúa trên thị trường chỉ còn 5.000 đồng/kg nên hai bên đã ngồi lại thương thảo và vui vẻ quyết định giá thu mua là 5.200 đồng/kg. Chính sự hài lòng trong mua bán nên lúa của bà con được thu mua thuận lợi, không bị ùn ứ”.

Ông Huỳnh Văn Nhịn, Chủ tịch UBND xã Trường Long A, cho biết thêm: Không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế cho nông dân, mà khi xây dựng các cánh đồng lớn trong sản xuất lúa còn góp phần đưa công tác tuyên truyền các chủ trương trong sản xuất lúa được nông dân thực hiện tích cực, qua đây tạo điểm sáng để bà con ngoài mô hình cùng làm theo. Điển hình là trong vụ lúa Hè thu đang xuống giống, nông dân trong cánh đồng lớn và bà con xung quanh tuân thủ rất nghiêm lịch thời vụ của ngành nông nghiệp huyện và áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật vào đầu vụ xuống giống. Tới đây, địa phương tiếp tục xem xét nhân rộng mô hình cánh đồng lớn ở những nơi hội tựu những yếu tố theo quy định để giúp người trồng lúa canh tác hiệu quả và góp phần xây dựng quê hương nông thôn mới Trường Long A ngày thêm giàu đẹp.              

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>