Lai tạo giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu: Nỗ lực và thách thức

23/05/2018 | 08:10 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là đe dọa đến vùng lúa lớn nhất của cả nước. Do đó, việc tạo ra giống lúa chất lượng để thích nghi với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế được xem là vấn đề cấp thiết trong lúc này. Thế nhưng, việc nhân rộng giống lúa mới cũng lắm cam ro.

Bài 1: Những tín hiệu tích cực

Xác định sản lượng lúa cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu là nhờ sự đóng góp của công tác nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất và nhân giống lúa mới. Do đó, việc tạo ra được giống lúa ưng ý và phấn đấu nâng tỷ lệ cung ứng giống lúa xác nhận cho người dân sử dụng luôn là mục tiêu được ngành chức năng tỉnh hướng đến.

Giống lúa OM464 của Viện lúa ĐBSCL đang được nhiều nông dân vùng phèn, mặn trên địa bàn tỉnh đánh giá cao.

Hậu Giang là tỉnh có nền nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương khi đời sống của người dân chủ yếu gắn liền với sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa được xem là cây trồng chủ lực khi chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp của địa phương, với tổng diện tích canh tác khoảng 200.000ha/năm. Trong canh tác lúa, giống được xem là khâu quan trọng bởi quyết định nhiều đến năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả cho nông dân.

Quan tâm lai tạo giống lúa chất lượng

Trong điều kiện hội nhập quốc tế như hiện nay thì tiêu chuẩn hàng đầu trong xuất khẩu là gạo phải chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi muốn cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Đồng thời, trước tình hình biến đổi khí hậu thì việc có được nhiều giống lúa chất lượng cao và ở cấp xác nhận hay nguyên chủng để đưa vào sản xuất nhằm thay thế sự độc canh của một vài giống lúa quen thuộc và thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng cũng là yêu cầu cấp thiết.

Xuất phát từ nhu cầu trên, những năm gần đây, các ngành liên quan của tỉnh, chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành nông nghiệp tỉnh luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, đơn vị sản xuất, lai tạo để cung ứng ra thị trường những giống lúa chất lượng, phục vụ nhu cầu sử dụng, góp phần mang lại hiệu quả sản xuất và nguồn thu nhập cho bà con. Ông Phan Quốc Thứ, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, đơn vị được xem là đầu tàu trong việc nghiên cứu, lai tạo giống của tỉnh, thông tin: Hàng năm, đơn vị đều dành một diện tích đất nhất định để phối hợp với Viện lúa ĐBSCL và một số ngành có liên quan đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới. Sau một thời gian trồng thử nghiệm nhiều loại giống thì khi đến lúc lúa chuẩn bị thu hoạch sẽ tiến hành tổ chức hội thảo và mời một số nhà khoa học, đặc biệt là nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh đến tham quan, đánh giá và lựa chọn loại giống nào cảm thấy ưng ý để trồng và nhân rộng tại địa phương mình.

Hiện nay, ngoài trung tâm giống thì trên địa bàn tỉnh còn có 15 cơ sở khác sản xuất giống lúa (chủ yếu là các HTX nông nghiệp), trong đó có 8/15 cơ sở đã qua chương trình đào tạo về kỹ thuật sản xuất giống lúa. Đồng thời, còn có 264 cơ sở, hộ gia đình kinh doanh giống lúa, có 9 cơ sở đã được cấp mã số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lúa. Vào thời điểm này, hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lúa đều hoạt động hiệu quả và mang lại nguồn thu nhập cao cho xã viên.

Ông Trương Phú Quốc, Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp và Thủy sản Thuận Tiến, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho hay: “Hiện HTX có 20 xã viên, với diện tích canh tác 36ha và đa phần là đất sản xuất lúa giống cung ứng cho trung tâm giống của tỉnh. Những năm qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về vốn mua máy cấy lúa và được tập huấn kỹ thuật nên việc sản xuất lúa giống của xã viên đều mang lại hiệu quả. Điển hình như vụ lúa Đông xuân vừa qua, năng suất lúa giống OM5451 đạt trung bình 1,1 tấn/công (1.300m2), giá bán 6.300 đồng/kg, cao hơn lúa hàng hóa 300 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí sản xuất thì thu được lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha”.       

Nhằm giúp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lúa hoạt động hiệu quả, trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu tổ chức triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi trong sản xuất, kinh doanh giống của Trung ương và vận dụng, cụ thể hóa các chính sách thành những chương trình, dự án, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Qua đây, giúp cho nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lúa trong tỉnh an tâm gắn bó với nghề. 

Nhiều giống lúa triển vọng

Chính nhờ thực hiện nhiều hoạt động trọng tâm trong việc nghiên cứu, lai tạo giống lúa mà hiện nay Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã giới thiệu đến người dân được nhiều giống lúa có tiềm năng phát triển và thích nghi tại nhiều vùng đất trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ năm 2008 đến năm 2017, trung tâm giống đã lai tạo được 80 tổ hợp, chọn được 360 lượt dòng phân ly, thu 8 dòng triển vọng và được đặt tên lần lượt là HG3, HG4, HG5, HG6, HG7, HG8. Đây đều là những giống có khả năng kháng sâu bệnh tốt, nhất là bệnh đạo ôn và rầy nâu; có thể canh tác cả 3 vụ trong năm và thích hợp cho vùng sinh thái ở ĐBSCL. Ngoài ra, trong vụ lúa Đông xuân vừa qua, Viện lúa ĐBSCL đã phối hợp với Trung tâm Giống tỉnh khảo nghiệm 4 loại giống mới, gồm: OM461, OM462, OM463 và OM464. Tại buổi hội thảo đánh giá kết quả khảo nghiệm do trung tâm giống tổ chức mới đây, nhiều nông dân tỏ ra ưng ý với những mặt ưu điểm mà những loại giống này mang lại.

Ông Lâm Văn Lập, ở ấp Mỹ Thạnh C, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Bà con xứ tôi nhiều năm qua thường canh tác giống lúa OM5451 là phổ biến, còn giống IR50404 thì trồng lai rai và mới vụ rồi có thêm giống RVT. Do vùng đất nơi đây là lung bàu và thường bị nhiễm phèn nên năng suất lúa chỉ đạt từ 700-800kg/công. Tuy nhiên, điều đáng mừng là sau khi tham quan một số giống lúa của Viện lúa ĐBSCL trồng khảo nghiệm tại trung tâm giống của tỉnh thì tôi rất ưng ý giống OM464. Đây là giống lúa chịu phèn, mặn tốt, năng suất cao, phẩm chất gạo ngon… Tới đây, tôi sẽ trồng thử nghiệm giống này trên một phần đất của gia đình, nếu thấy có kết quả sẽ nhân rộng và giới thiệu cho bà con xung quanh cùng làm nhằm thay thế giống lúa đã canh tác lâu đời là OM5451”.

Ông Trần Văn Huynh, Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp Hai Huynh, ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho rằng: “Do biến đổi khí hậu nên tình hình dịch hại xuất hiện trên lúa ngày càng nhiều, từ đó gây không ít khó khăn trong việc sản xuất lúa của bà con. Việc Trung tâm Giống và Viện lúa ĐBSCL đang giới thiệu một số giống lúa triển vọng, có khả năng kháng sâu bệnh, rầy nâu tốt và thích nghi với nhiều vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh là điều đáng mừng. Mong rằng, những giống lúa này sẽ được bà con chấp nhận và nhân rộng trong thời gian tới, riêng HTX của tôi, bước đầu sẽ chọn một vài xã viên trồng thử giống OM464 và HG8, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng ra toàn HTX”.

Theo lãnh đạo Viện lúa ĐBSCL, mỗi vụ lúa trong năm, đơn vị đều tiến hành trình diễn các giống lúa triển vọng trên diện tích từ 1.000-2.000ha tại một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL và tổ chức hội thảo đánh giá với mục tiêu giới thiệu những giống lúa mới có đặc tính vượt trội để bổ sung vào cơ cấu sản xuất lúa cho người dân vùng ĐBSCL và một số vùng lân cận. “Năm 2018, viện lúa sẽ giới thiệu 21 giống lúa mới, riêng tại Hậu Giang là 4 giống. Điều phấn khởi là cả 4 giống sau khi trồng khảo nghiệm đều cho năng suất tốt, phù hợp nhiều vùng sinh thái tại địa phương nên được nông dân đánh giá cao”, tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, chia sẻ. 

Việc có nhiều giống lúa triển vọng và thích nghi với tình hình mới đang là điều đáng mừng cho người dân Hậu Giang nói riêng và nông dân vùng ĐBSCL nói chung sau nhiều cố gắng trong việc lai tạo giống từ các ngành có liên quan của tỉnh và Viện lúa ĐBSCL. Đặc biệt, từ tín hiệu tích cực trên sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang 5 năm 2016-2020 trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chỉ tiêu nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng giống xác nhận, giống mới, giống chất lượng cao trong sản xuất đối với cây lúa đạt trên 70%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được thì việc lai tạo và khuyến khích người dân sử dụng giống lúa mới trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và dự kiến sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Bài 2: Nhiều khúc mắc

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>