Khóm sạch của nông dân Phương Thạnh

29/08/2019 | 07:28 GMT+7

Muốn có nông sản sạch, an toàn và tạo lòng tin với khách hàng, nhiều năm nay, nông dân xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, ngày càng nâng cao ý thức trong sản xuất, tạo nguồn nông sản chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng.

Tổ viên Tổ hợp tác Nông nghiệp công nghệ cao Westfood Bửu Long chăm sóc rẫy khóm.

Từ khi cây mía không còn cho lợi nhuận cao, gia đình ông Nguyễn Văn Sĩ, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, đã thử nghiệm chuyển đổi nhiều loại cây trồng khác nhau, trong đó, ông cải tạo gần công đất thử nghiệm trồng khóm Queen.

“Sau đợt khóm Queen có hiệu quả, tôi bắt đầu liên kết với công ty cung ứng giống và thu mua khóm trái. Từ đó đến nay, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất mía sang trồng khóm”, ông Sĩ cho biết.

Theo ông Sĩ, có thời gian, người trồng khóm Queen ở đây khi bán trái phải chở xuống tận vựa ở Vị Thanh. Lúc có công ty đến ngõ ý hợp tác với nông dân trồng khóm nguyên liệu MD2 cho đơn vị xuất khẩu, ông khá băn khoăn. Sau vài lần người của công ty tới lui động viên, ông đã cùng các hộ dân trong ấp quyết định hợp đồng làm ăn với công ty (năm 2017 đến nay).

Hiện tại, gia đình ông Sĩ trồng 4,5ha khóm MD2 - giống khóm do công ty cung cấp. “Qua đợt thu hoạch trái đầu tiên, trừ chi phí, tôi lời hơn 10 triệu đồng/công. Từ nay đến cuối đợt, tôi còn thu hoạch thêm 2 lần trái và nhiều lần chồi con, tính ra lợi nhuận cao lắm”, ông Sĩ nói. 

Để có được hợp đồng làm ăn lâu dài với công ty, gia đình ông Sĩ phải cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm sạch, an toàn với người tiêu dùng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Trồng khóm này chúng tôi phải dùng màng phủ để hạn chế cỏ. Ngoài ra, nông dân tuyệt đối không được tự ý sử dụng bất kỳ loại phân, thuốc hóa học nào khác ngoài chỉ định của công ty. Thời điểm nào cần bón phân, phun thuốc, đều có cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn chi tiết về liều lượng, thời gian cách ly… Mục đích là để tạo ra trái khóm đạt chất lượng an toàn cho người tiêu dùng”, ông Sĩ tiết lộ.

Hiện nay, toàn ấp này có trên 30 hộ dân chuyển đổi trồng khóm MD2. Tại đây đã thành lập Tổ hợp tác Nông nghiệp công nghệ cao Westfood Bửu Long, do ông Sĩ làm tổ trưởng. Tổ hợp tác có 31 thành viên, tổng diện tích khóm của tổ trên 30ha.

Ông Trần Hoài Phương, cùng ở ấp Phương Thạnh, chia sẻ: “Trồng khóm này nông dân được ký hợp đồng bao tiêu nên khỏe lo đầu ra, lợi nhuận cầm chắc vài chục triệu/công/đợt trồng. Bên cạnh đó, để trái khóm được thu mua thì mình phải tuân thủ nghiêm quy định của công ty tiêu thụ; phải đảm bảo chất lượng trái khóm đạt chuẩn an toàn thực phẩm mới được mua”.

Theo ông Sĩ, từ khi trồng khóm đến nay đã giúp nông dân nơi đây thay đổi tập quán sản xuất cũ. Người dân từ bỏ thói quen bón phân, xịt thuốc tùy tiện khi chưa thực sự cần thiết. Thay vào đó, bà con ngày càng ý thức hơn trong sản xuất nông sản sạch, bảo vệ sức khỏe người dùng và quan trọng hơn đó là bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

Ngoài thu mua khóm trái, công ty còn thu mua luôn chồi khóm để cung ứng lại cho nông dân. Do đó trái, chồi khóm của Tổ hợp tác luôn đảm bảo chất lượng.

Có thể thấy, bên cạnh yếu tố lợi nhuận thì hiện nay, một bộ phận không nhỏ nông dân đã tự nâng cao ý thức sản xuất, kinh doanh. Nông dân đã chú trọng nhiều tới việc làm ra sản phẩm sạch, an toàn.

Với ý thức, hành động tích cực, không lâu nữa, tình trạng thực phẩm bẩn, nông sản thiếu an toàn sẽ được đẩy lùi, thay vào đó là những nông sản đạt chất lượng, ngon hơn và an toàn hơn cho xã hội.

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>