Khó khăn ở làng trầu

13/07/2021 | 08:47 GMT+7

Cây trầu bám rễ tại huyện Vị Thủy hơn 60 năm. Trải qua bao thăng trầm, nhưng chưa bao giờ người trồng trầu lại gặp khó như hiện nay.

Dù khó khăn trong việc tiêu thụ do dịch Covid-19 nhưng người dân trồng trầu vẫn bám trụ, tìm hướng đi mới bền vững hơn.

Giá trầu giảm mạnh, phân bón tăng cao

Gần đây, đại dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế khó khăn nên trầu cũng bị ảnh hưởng cả về giá và sản lượng thu mua. Hiện thương lái thu mua trầu lá tại vườn chỉ còn 3.000 đồng/ốp 40 lá đối với trầu vàng và 4.000 đồng/ốp 40 lá đối với trầu xanh. Thông thường, cứ 10-15 ngày là bà con tiến hành hái trầu, còn giờ phải đợi gần 1 tháng dẫn đến lá trầu bị hao hụt. Thêm vào đó, việc xuất ngoại cũng gặp cản trở, khiến sức mua giảm mạnh, thậm chí khó tiêu thụ do lệnh phong tỏa ở các địa phương.

Đang cột dây cho trầu, bà Lê Thị Thủy, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, cho hay: “Mấy năm trước người trồng trầu ăn nên làm ra nhờ giá cả ổn định, hiện dịch bùng phát nên ế, thất thu. Lúc trước trên 5.000 đồng/ốp, giờ còn phân nửa. Thường thì 10-12 ngày hái mà giờ 1 tháng mấy mới hái 1 lần. Phải chi đừng có dịch bệnh thì người trồng trầu sống khá”.

Không chỉ khó về đầu ra, mà người trồng trầu đang phải đối mặt với giá phân bón leo thang. Trong đó, phân hóa học có giá tăng cao nhất, riêng phân hữu cơ tăng nhẹ. Nếu như trước kia, ông Nguyễn Văn Nhanh, ở xã Vị Thủy, sử dụng phân hóa học bón cho dây trầu thì nay đã chuyển dần sang phân hữu cơ để tiết kiệm chi phí. Theo tính toán, với 2.000 nọc trầu, mỗi năm ông Nhanh sử dụng 30 bao phân hữu cơ, tương đương 6 triệu đồng, tiết kiệm phân nửa so với phân hóa học.

Ông Nhanh chia sẻ: “Với giá phân tăng vọt như hiện nay, nếu tính tiền phân với tiền nhân công hái, khi bán trầu ra sẽ không có lời. Rải phân ít thì sợ trầu không tốt nên chuyển sang phân hữu cho nhẹ chi phí”.

 Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng, xã Vị Thủy, cho biết đợt triều cường cuối tháng 10 năm ngoái làm thiệt hại 3-4ha trầu. Bởi đất trũng, thấp nên nước ngập tới gốc làm lá cháy khô, rễ thối. Bà con đã cải tạo, gia cố bờ bao vững chắc để trồng lại mới, đến nay đã được 2-7 tháng tuổi, đang phát triển tốt. Ngoài ra, có khoảng 2ha mới gây ra, do thiếu vốn nên bà con chuyển đổi sang cây trồng khác. Phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy cho biết sẽ phối hợp địa phương khảo sát, nghiên cứu thực hiện quy hoạch đê bao để bảo vệ thành quả của người dân trong phát triển cây trầu.

Nâng cao giá trị từ lá trầu

Đến ấp 5, xã Vị Thủy, cây trầu hiện diện khắp nơi. Nhà nào ít thì trồng vài trăm, nhiều hơn thì lên đến hàng ngàn nọc. Ở xã nông thôn mới này, trầu là cây trồng chủ lực chiếm khoảng 35ha, tập trung chủ yếu ở ấp 5, ấp 7 và ấp 8 với khoảng 200 hộ theo nghề. Nói về trồng trầu, tại xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, cũng còn 1 làng trầu lâu đời nhưng chỉ rộng khoảng 3ha. Còn làng trầu Vị Thủy xét về quy mô và lịch sử hiện chỉ đứng sau vườn trầu ở Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Những bậc cao niên kể lại, trầu đã có mặt ở đây hơn nửa thế kỷ, nuôi sống bao gia đình, có hộ buồn vui với dây trầu từ đời này đến đời khác. Bà Phan Thị Năm, mọi người thường gọi là bà Năm Đỉnh, ở ấp 5, người có công gây giống trầu trên vùng đất này. Trồng trầu từ thuở đôi mươi, nay đã sang hàng tám chục mà bà Năm vẫn một lòng thủy chung với loại cây này. Hơn 50 năm qua, cây trầu cũng có lúc thăng, lúc trầm, nhưng chưa bao giờ bà có ý định bỏ nghề, bởi nhờ trồng trầu mà bà nuôi con khôn lớn và cất được nhà tường. Chia sẻ về cơ duyên với lá trầu, bà Năm cho biết: “Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, tôi mua có 1 nọc trầu. Mua nọc trầu đầu tiên là 1 táu lúa, trồng ra được 3 nọc. Tới năm sau gây ra được 9 nọc, qua năm sau được 30 nọc, rồi lần lần trồng hoài, cuộc sống nhờ vào dây trầu”.

Cách đó vài chục mét, bà Lê Thị Chín, cũng là người cố cựu gắn bó với cây trầu. Bà Chín cho biết, trước đây mẹ của bà thấy người ta trồng trầu có tiền nên xin người ta đem về trồng. Từ những dây trầu ban đầu gầy dựng mà hôm nay có cả vườn trầu, vì ở đây ngoài ruộng ra thì trầu là cây chủ lực.

Trầu Vị Thủy là giống trầu vàng, lá to, đều, hương vị cay nồng. Sau khi xuống giống sau 3-4 tháng, nếu đủ phân, nước, trầu sẽ cho thu hoạch. Cứ 10 bữa, nửa tháng lại hái một lần. Để lá trầu xanh và ngon, người trồng trầu chỉ chọn phân hữu cơ, đậy rơm ở gốc và làm giàn che chắn để lá trầu giữ được màu xanh, bán được giá.

Gia đình bà Nguyễn Thị Phương Hồng, ở xã Vị Thủy, gắn bó với nghề này hơn 40 năm. Sau khi thu hoạch, trầu được phân loại ra trầu vàng - trầu xanh trước khi giao cho thương lái.

Theo tính toán của người trồng trầu, với giá thu mua từ 2.500-3.500 đồng/ốp, trung bình 1.000m2 trồng trầu cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần so với trồng lúa và góp phần giải quyết lượng lao động tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng, cho biết: Nhằm đa dạng thị trường đầu ra cho lá trầu, trong thời gian tới, HTX Trầu Vàng Vị Thủy phối hợp với Công ty dược nghiên cứu chiết xuất tinh dầu từ trầu, làm thuốc trị bệnh hay dùng làm thuốc phòng trị sâu bệnh trên rau màu... Ngoài ra, kết hợp phát triển vườn trầu trở thành điểm du lịch hấp dẫn của địa phương. Đây được xem là hướng đi chủ lực của làng nghề trong thời gian tới, cũng là hướng để bà con phát triển kinh tế địa phương bền vững, vì cây trầu được xem là loại cây độc đáo mang bản sắc văn hóa dân tộc. Kỳ vọng dịch Covid-19 sớm qua đi để bà con an tâm sản xuất, đầu ra sản phẩm được ổn định.

Nghề trồng trầu tại xã Vị Thủy hình thành và phát triển gắn liền với tên gọi của địa phương (ấp 5 Vườn trầu). Vào khoảng năm 1960, chỉ vài hộ tham gia trồng, phục vụ nhu cầu của gia đình và làm lễ vật trong lễ cưới, hỏi... Về sau cây trầu bắt đầu mang lại thu nhập cao nên nhiều hộ dân tham gia trồng, từ đó diện tích được mở rộng. Hiện huyện Vị Thủy có 40ha, trong đó xã Vị Thủy có khoảng 35ha/200 hộ tham gia trồng trầu. Làng nghề truyền thống trồng trầu được UBND tỉnh Hậu Giang công nhận năm 2019.

 

Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>