Hướng tới sản xuất bền vững

12/12/2017 | 08:32 GMT+7

Năm 2017, Hậu Giang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, từng bước hướng tới sản xuất bền vững.

Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi là nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Mới đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức Diễn đàn “Giải pháp thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp bền vững” với sự tham gia của hơn 100 nông dân, các nhà khoa học, các sở, ngành, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Diễn đàn là cầu nối giúp nông dân tiếp cận với hướng dẫn của chuyên gia về sản xuất cây trồng theo hướng an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, quy trình trồng cây theo tiêu chuẩn GAP, giải pháp cải tiến kỹ thuật sản xuất theo hướng công nghệ cao từ khâu gieo trồng đến chăm sóc… Qua đây, nhiều nông dân trăn trở về vấn đề sản xuất gắn với yếu tố an toàn thực phẩm.

Còn nhiều băn khoăn

Nông dân Huỳnh Văn Hậu, ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, thắc mắc: “Vùng Châu Thành trồng cây ăn trái nhiều, đa số là cây có múi, nhưng gần đây bệnh vàng lá gây chết cây hàng loạt. Song song đó, có tồn tại vấn đề bơm chích cây cho tốt trở lại. Người dân chúng tôi băn khoăn không biết có gây ảnh hưởng tới chất lượng trái?”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, gần đây hiện tượng chích cây ở các địa phương rất nhiều. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều hội thảo, mời các viện, trường để trao đổi kinh nghiệm, các chuyên gia cũng khuyên rằng không nên chích thuốc vào cây. Đối với ngành nông nghiệp tỉnh thì cấm luôn vấn đề này. Về tác động với trái cây cam sành, vị chua sẽ nhiều hơn, tép cam trắng hơn. Giá trị trái cam sẽ nhạy cảm hơn so với những thị trường khác, chưa kể tác động thông tin sẽ ảnh hưởng lớn đến thương hiệu cam Hậu Giang. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con dừng lại giải pháp chích cây, bởi chắc chắn có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, theo đại diện cửa hàng chuỗi thực phẩm Phúc Lộc cho rằng nguồn cung ứng rau an toàn từ các hộ sản xuất trong chuỗi còn nhỏ lẻ, thiếu tính đồng bộ và liên tục. “Có khi, anh em cung ứng được một vài ngày thì ngưng. Hiện tôi có thuê đất để trồng rau phụ thêm việc cung ứng để đảm bảo tính liên tục cho thị trường. Do còn mới, chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất nên hiệu quả mang lại chưa cao. Tôi hy vọng ngành chức năng vào cuộc để giúp khâu liên kết chặt chẽ hơn nữa. Do tình trạng đứt hàng thường xảy ra nên đôi lúc phải tạm đóng cửa hàng”.

Qua tìm hiểu thực tế tình trạng nông sản thành phẩm được giám sát an toàn thực phẩm của 12 hộ dân trong chuỗi còn tiêu thụ lẫn với rau quả canh tác thông thường ở các chợ. Giá không cao, đầu ra chưa tương xứng, nhất là nhiều người tiêu dùng còn đặt nặng tiêu chí giá rẻ lên chất lượng an toàn… Những bất cập này cần được khắc phục sớm.

Nhiều giải pháp được đề ra

Các chuyên gia cho rằng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, canh tác cây trồng phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ là xu hướng tất yếu. Từ đó, góp phần tích cực giúp cây trồng chống chịu với môi trường bất lợi, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất và môi trường. Cách làm này sẽ nâng tầm nông nghiệp Việt Nam và từng bước xâm nhập thị trường thế giới.

Theo bà Trần Thị Ba, giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Trường Đại học Cần Thơ, cần có sự liên kết giữa 4 nhà để giúp sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm phát triển bền vững. Cụ thể, Nhà nước cần quản lý nghiêm đối với thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ vay vốn cho người dân; thu hút các nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Nhà khoa học xây dựng quy trình, tập huấn nông dân theo phương pháp IPM; chuyển giao tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Nhà doanh nghiệp cần có mức giá phù hợp cho sản phẩm VietGAP; có uy tín, tiềm lực. Nhà nông phải cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn; nâng cao trình độ sản xuất…

Một tín hiệu đáng mừng là ngoài chuỗi sản xuất do tỉnh hỗ trợ, qua vận động của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các địa phương đã xây dựng từng mô hình trồng rau theo quy chuẩn an toàn như ở thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp. Thời gian qua, với vai trò giám sát việc thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong cộng đồng dân cư, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã đồng hành với các ngành đã tạo chuyển biến rất tích cực trong cộng đồng dân cư. Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, đề nghị: Khi tổ chức thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm của ngành y tế, công thương, nông nghiệp thì gửi kết quả thanh, kiểm tra về UBMTTQ Việt Nam tỉnh. Như cơ sở nào vi phạm, lỗi vi phạm sản xuất không an toàn để Mặt trận công bố ra dân. Đây là cách để chúng ta bảo trợ thông tin cho những đơn vị đang làm tốt về an toàn thực phẩm.

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho rằng việc sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Để có những sản phẩm nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng, đòi hỏi sự tham gia đầy đủ của người sản xuất, kinh doanh và các cấp quản lý về an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến bàn ăn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cam kết tuân thủ đầy đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm. Trong sản xuất, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, có cách ly an toàn theo quy định.

“Đối với cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí lấy mẫu đất, nước, giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, hỗ trợ xây dựng các nhận diện sản phẩm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy trình sản xuất an toàn, tăng cường xử lý vi phạm…”, ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thông tin.

Bài, ảnh: NGUYÊN ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>