Hướng đến thành phố văn minh

21/09/2017 | 08:09 GMT+7

Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thành phố Vị Thanh đã thực hiện nhiều chỉ tiêu, trong đó quan tâm nâng chất giữ vững phường văn minh đô thị và xã nông thôn mới, góp phần đưa Vị Thanh trở thành đô thị loại II trong tương lai.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, gia đình ông Trần Văn Cum, ở ấp Thạnh Hòa 1, đã có căn nhà mới, cuộc sống ổn định hơn.

Giữ vững phường văn minh đô thị

Xác định việc nâng chất các tiêu chí phường văn minh đô thị (VMĐT) có ý nghĩa quan trọng không những nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mà còn góp phần nâng chất các tiêu chuẩn phường VMĐT, tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh. Do đó, năm 2017, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) của thành phố, Ban chỉ đạo phường, xã và Ban vận động các khu vực, ấp kịp thời xây dựng kế hoạch củng cố, nâng chất các thiết chế văn hóa đảm bảo thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH thành phố đạt kết quả.

Với vị trí là phường trung tâm của thành phố Vị Thanh nên công tác củng cố, nâng chất các danh hiệu trong phong trào TDĐKXDĐSVH luôn được phường I, thành phố Vị Thanh tích cực thực hiện. Do đặc thù là khu đô thị nên phường tập trung lượng lớn tiểu thương kinh doanh. Cũng chính vì nhu cầu mua bán nên tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ để kinh doanh trên địa bàn phường luôn diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề đáng lo ngại, ẩn chứa nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông.

Trước thực trạng trên, phường I đã tập trung chỉ đạo các đoàn thể, tổ dân phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Song song đó, còn tiến hành kẻ vạch trên vỉa hè quy định nơi mua bán cho các hộ tiểu thương kinh doanh. Chính nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nên đến nay công tác lập lại trật tự trên các tuyến đường chính và khu vực công cộng trên địa bàn phường có sự chuyển biến rõ nét. Vì thế, nhiều hộ kinh doanh đã trả lại vỉa hè, lòng đường thông thoáng, bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đường phố, góp phần tạo bộ mặt đô thị văn minh, sạch đẹp. Ông Ngô Văn Hùng, ở khu vực 2, phường I, bộc bạch: “Địa phương cũng thường xuyên sự vận động, tuyên truyền nhắc nhở nên gia đình luôn chấp hành quy định trong kinh doanh, hạn chế việc lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán”.

Ông Trang Ích Hoa, Chủ tịch UBND phường I, cho biết: Từ khi được công nhận đạt chuẩn VMĐT, bộ mặt của phường đã thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, tình trạng mua bán lấn chiếm vỉa hè vẫn còn, ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng của một số ít người dân còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, thường xuyên xuống cơ sở khảo sát tình hình và lắng nghe ý kiến của bà con về việc thực hiện các tiêu chí phường VMĐT để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần giữ vững danh hiệu phường VMĐT.

Nâng chất xã nông thôn mới

Năm 2014, xã Tân Tiến được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Khi hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo nông thôn nơi đây có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng lên. Ông Trần Việt Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: Xã luôn xác định đạt chuẩn NTM không có nghĩa là dừng lại, bởi vẫn còn một số tiêu chí phải được đánh giá lại hàng năm. Với quan điểm đó, từ đầu năm đến nay, xã đã tập trung rà soát lại tất cả các tiêu chí NTM và xây dựng kế hoạch, giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí với quyết tâm không để tiêu chí nào rớt chuẩn, đặc biệt là những tiêu chí có khả năng biến động như: tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, môi trường...

Theo quyết định của Chính phủ thì giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tối đa chỉ 4%. Như vậy, nếu xét theo tỷ lệ này thì hộ nghèo xã năm 2016 là 131 hộ nghèo, chiếm 6,81%, cao gấp 2 lần so với thời điểm công nhận. Do đó, để thực hiện được tiêu chí này, ngay từ đầu năm 2017, xã Tân Tiến đã tiến hành rà soát thực trạng hộ nghèo để xây dựng phương án hỗ trợ, cùng với triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất cho người dân, phấn đấu cuối năm tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm dưới 4%.

Trong căn nhà mới xây, ông Trần Văn Cum, ở ấp Thạnh Hòa 1, xã Tân Tiến, chia sẻ: “Do không có đất nên vợ chồng chủ yếu thuê đất để sản xuất, từ đó thu nhập chỉ đủ chi tiêu cho cả nhà. Nếu không có số tiền 50 triệu đồng được hỗ trợ, chắc chắn vợ chồng tôi cũng không quyết tâm vay thêm tiền để xây dựng căn nhà. Căn nhà mới khang trang, kiên cố hơn là giấc mơ mà tôi chưa từng dám nghĩ đến. Bây giờ, gia đình sẽ cố gắng làm để thoát nghèo như đã đăng ký”. Theo ông Cum, căn nhà cũ của gia đình ông trước đây đã xuống cấp trầm trọng. Thấy được khó khăn của gia đình, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây dựng lại nên ông đã yên tâm tiếp tục sản xuất, vợ ông mua bán nhỏ, cuộc sống gia đình dần ổn định hơn.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cho biết thêm: Để bảo đảm giảm nghèo bền vững, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của xã là trao “cần câu” chứ không trao “con cá”, vì thế ngay những tháng đầu năm 2017, xã tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp với từng hộ nghèo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó có những biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Hơn nữa, bản thân các hộ nghèo cũng nhận thức rõ về trách nhiệm của mình trong việc tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: Thực tế cho thấy đạt chuẩn NTM đã khó nhưng giữ chuẩn NTM lại càng khó hơn. Do đó, các xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí để tránh tình trạng rớt tiêu chí, mất chuẩn. Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các xã tiếp tục củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt NTM, đồng thời lồng ghép nhiều giải pháp để giữ vững các xã đạt chuẩn NTM.

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>