Hiệu quả từ các đề án nông nghiệp

12/11/2019 | 06:39 GMT+7

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi sản xuất, trong đó nổi bật là 4 đề án liên quan đến nông nghiệp đã và đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực. 

Từ đề án giống đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về việc sản xuất lúa theo nhu cầu doanh nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất

Một trong những đề án được các địa phương thực hiện quyết liệt trong thời gian qua là Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (Đề án 1000). Theo đó, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có 2.492 hộ/1.953ha đăng ký thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho 3 hợp phần về cây trồng và chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và nuôi thủy sản; riêng hợp phần 4 về chuyển đổi chăn nuôi có 1.281 hộ. Ông Nguyễn Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Sau khi Đề án 1000 được HĐND tỉnh thông qua, địa phương đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch nhằm cụ thể hóa của địa phương, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung, mục đích của đề án để người dân biết thực hiện. Nhờ thực hiện tốt công tác trên nên Đề án 1000 được hộ dân đồng tình và thực hiện mạnh mẽ.

Minh chứng cho vấn đề trên, ông Nguyễn Chí Hùng cho biết Phụng Hiệp là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh, thế nhưng trong những năm gần đây do giá cả bấp bênh và đầu ra gặp không ít khó khăn nên người dân không còn thiết tha với cây mía. Do đó, khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Đề án 1000 thì không ít nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp đã mạnh dạn làm theo. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, toàn huyện có khoảng 3.105ha đất trồng mía kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn, như: xoài, mít, cam sành, bưởi da xanh, chanh không hạt. Ngoài đất mía, Phụng Hiệp còn chuyển đổi 120ha vườn tạp sang vườn cây ăn trái hiệu quả, chuyển 233ha lúa 3 vụ/năm sang nuôi trồng thủy sản và hỗ trợ 120 hộ chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung...

Thông qua Đề án 1000 đã góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân Hậu Giang.

“Bên cạnh khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng theo hướng phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện đất đai của từng vùng thì địa phương còn quan tâm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gắn với liên kết doanh nghiệp để tạo đầu ra sản phẩm cho nông dân. Cụ thể, trên cây chanh không hạt, hiện 22ha được nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và được Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ bao tiêu và thu mua sản phẩm. Ngoài ra, trên mãng cầu xiêm, hiện bà con của huyện được Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh ký hợp đồng bao tiêu hàng năm với sản lượng khoảng 500 tấn trái. Từ các mô hình chuyển đổi gắn với nơi tiêu thụ đã góp phần nâng cao nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, qua đây giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, ông Hùng cho biết thêm.

Giống như huyện Phụng Hiệp, thời gian qua, huyện Châu Thành A cũng đẩy mạnh việc thực hiện Đề án 1000. Là địa phương có thế mạnh về sản xuất lúa nên các ngành chức năng của huyện đã vận động người dân chuyển đổi dần từ canh tác giống lúa có phẩm chất gạo thấp (IR 50404) sang trồng các giống lúa có phẩm chất gạo cao (OM 5451, Jasmine 85) nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu và thích ứng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, địa phương còn vận động người dân chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Mặt khác, trong nuôi trồng thủy sản, nhờ bà con chuyển đổi giống và áp dụng khoa học kỹ thuật nên sản lượng vẫn ở mức cao.

Ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, thông tin: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần quan trọng trong việc tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện Châu Thành A. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2016 là 8,62% thì nay giảm còn 4,08%. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã tăng từ 33,9 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 46 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Đặc biệt, hiện nay toàn huyện có 802 mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng 176 mô hình so với năm 2016.

Giúp dân chủ động nguồn nước sản xuất

Là tỉnh có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt nên việc chủ động nguồn nước trong sản xuất của bà con đôi lúc còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, để phần nào tháo gỡ cho người dân, đồng thời ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, UBND tỉnh có chủ trương và được HĐND tỉnh thông qua Đề án trạm bơm điện trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2020. Khi đề án được triển khai, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương triển khai nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất cho người dân được tốt hơn. Điển hình là huyện Long Mỹ, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án trạm bơm điện, đến nay huyện đã xây dựng được 9/35 trạm bơm điện, khép kín 2.540ha đất trồng lúa cho người dân. Bên cạnh thực hiện theo đề án, các ngành chức năng của huyện Long Mỹ còn vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và đưa vào sử dụng 4 trạm điện theo đề án, với diện tích phục vụ 1.377ha. Ngoài ra, huyện Long Mỹ còn vận động các tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư thêm 36 trạm bơm dầu phục vụ 8.758ha, nâng diện tích bơm tưới tập trung của toàn huyện lên 12.675ha, đạt tỷ lệ 56,3%.

Ông Lê Văn Khởi, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, đánh giá: Việc đầu tư các trạm bơm theo đề án của tỉnh và ngoài đề án được địa phương thực hiện thời gian qua đã giúp nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp của huyện được khép kín, nhất là người dân canh tác lúa xuống giống được tập trung, đồng loạt nên hạn chế sâu bệnh và thuận tiện trong thu hoạch. Mặt khác, khi có trạm bơm khép kín thì rút ngắn được thời gian bơm hoặc tiêu thoát nước trên đồng; đồng thời đảm bảo phòng, chống lũ, ngập úng, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, chi phí bơm, tiêu thoát nước cho nông dân… Bên cạnh đó, đề án trạm bơm còn tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao nhận thức của người dân về thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hiện đại, phát triển và làm nền tảng để địa phương thu hút các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư và bao tiêu nông sản.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh, thực hiện Đề án trạm bơm điện, thời gian qua, cùng với các địa phương trong tỉnh thì UBND tỉnh ngoài chủ động tích cực triển khai theo các mục tiêu của đề án, còn đầu tư thêm các trạm bơm ngoài danh mục đề án với quy mô phù hợp theo từng vị trí, địa bàn để phục vụ bơm nước cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 123 trạm bơm điện, phục vụ sản xuất cho hơn 25.176ha. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, chia sẻ: Các trạm bơm điện sau khi đầu tư xong đều đạt được mục đích đề ra là đáp ứng nhu cầu sản xuất và đảm bảo phòng, chống lũ, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn nên luôn đón nhận sự đồng thuận cao của người dân. Mặt khác, khi có trạm bơm điện còn giúp cho quá trình quản lý thuận tiện, dễ dàng; giúp cho bà con đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các địa phương hình thành những vùng sản xuất lớn theo hướng hàng hóa tập trung để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu nhận định: Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các đề án trên địa bàn tỉnh cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, vấn đề nổi lên là cơ sở hạ tầng sản xuất được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa nông sản và tiêu dùng; đồng thời đê bao thủy lợi được đầu tư khép kín tạo điều kiện cho sản xuất phát triển và chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm, từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả sản xuất và nguồn thu nhập cho người dân. Từ những hiệu quả mang lại, tới đây các sở, ban, ngành tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt những công việc chưa làm trong giai đoạn còn lại của các đề án theo kế hoạch đề ra. UBND tỉnh sẽ xem xét cho kết thúc các đề án theo Nghị quyết đã được thông qua là đến hết năm 2020. Và từ thực tiễn đúc kết được trong thời gian qua cho phép xây dựng một đề án mới với những chính sách mới được tích hợp chung nhằm đủ sức hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.

Giai đoạn 2014-2020, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện 4 đề án nhằm phát triển ngành nông nghiệp, gồm: Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (Đề án 1000) giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020 có tổng số hộ dân đăng ký thực hiện 2.492 hộ/1.953ha; Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của Hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020 đã mời gọi 10 doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất với 6 HTX nông nghiệp, hỗ trợ 2 HTX đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và 31 HTX tham gia xúc tiến thương mại; Đề án phát triển trạm bơm điện ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, với 277 trạm bơm điện sẽ được xây dựng mới; Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao giai đoạn 2016-2020 đã đưa vào sản xuất giống với tổng diện tích 68ha.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>