Dấu ấn 10 năm xây dựng nông thôn mới

16/09/2019 | 18:49 GMT+7

Với quyết tâm chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền, cùng sự chung sức của người dân, sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã gặt hái nhiều kết quả ấn tượng.

Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu tại Hậu Giang đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong xây dựng NTM.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố. Sau gần 9 năm xây dựng NTM, hiện toàn vùng ĐBSCL có 563/1.286 xã và 12 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Riêng tỉnh Hậu Giang có 29/53 xã và một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có một xã NTM nâng cao. Để có được kết quả trên, thời gian qua, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện.

Chuyển dịch sản xuất, tăng thu nhập

Nhờ có vị trí là vùng trọng điểm kinh tế và có vai trò đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Đề án chuyên đề nhằm hỗ trợ vùng ĐBSCL. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã nhanh chóng ban hành không ít cơ chế, chính sách và kế hoạch tổ chức triển khai để lồng ghép và gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM; qua đây, góp phần giúp cho toàn vùng đạt nhiều kết quả ấn tượng sau gần 10 năm xây dựng NTM. Theo đó, với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Tận dụng lợi thế này, các địa phương trong vùng đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo đúng tiềm năng là phát triển thủy sản, cây ăn trái và trồng lúa, đồng thời dần hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và chuyên canh nông sản chủ lực gắn với chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Tính từ năm 2010 đến năm 2018, các địa phương ở khu vực ĐBSCL đã giảm hơn 60.000ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả để chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái. Nhờ vậy, năm 2018 vừa qua, ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT, cho biết: Với 1,5 triệu héc-ta đất trồng lúa, vùng ĐBSCL luôn giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong đó tính riêng năm 2018, toàn vùng đóng góp sản lượng lúa là 24,5 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước. Ngoài cây lúa thì sản lượng tôm cũng đóng góp 0,623 triệu tấn, chiếm 70%; sản lượng cá tra 1,41 triệu tấn, chiếm 95% và sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%.

Cũng theo ông Tuấn, để có được mặt hàng nông sản chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thời gian qua, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với biến đổi khí hậu; trong đó chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn về VietGAP, GlobalGAP, ASC. Ngoài ra, công nghiệp chế biến nông sản, bảo quản sau thu hoạch cũng đạt được nhiều kết quả, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn và ổn định kinh tế - xã hội. Điển hình cho cách làm trên là mô hình nuôi cá tra theo hướng GlobalGAP tại thị xã Ngã Bảy và mô hình trồng khóm thích ứng với xâm nhập mặn tại thành phố Vị Thanh, thuộc tỉnh Hậu Giang.

Cùng với những kết quả từ chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nông thôn cũng phát triển mạnh, nhất là khi hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng khang trang đã thu hút một lượng lớn doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, từ đó tạo việc làm cho nhiều lao động khi vào làm việc ở các khu công nghiệp. Ngoài ra, vùng ĐBSCL đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch nông thôn như: du lịch miệt vườn cây ăn trái đặc sản ở Bến Tre, Tiền Giang; du lịch sông nước, chợ nổi ở Ngã Bảy, Hậu Giang hay Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang; du lịch các cồn trên sông, làng hoa Sa Đéc - Đồng Tháp; vùng trồng thốt nốt của An Giang...

Từ những kết quả nêu trên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đạt khoảng 36,7 triệu đồng (tăng 2,4 lần so với năm 2010 và tăng 1,1 lần so với năm 2016). Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo xét theo hướng đa chiều của toàn vùng còn khoảng 3,3% (giảm khoảng 3,4% so với năm 2016). Cùng với giải pháp tăng thu nhập, giảm nghèo thì nhiều địa phương còn tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ (chủ lực là nguồn thu từ xổ số kiến thiết) để đầu tư xây dựng mới trường học khang trang, đồng thời cải tạo các trạm y tế xã, củng cố và nâng cấp trụ sở UBND xã và nhà văn hóa ấp đạt chuẩn theo quy định.

Những cách làm hay

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng NTM tại địa phương mình, ông Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho rằng: Sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Bởi thực tiễn cho thấy, ở những nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì xây dựng NTM đạt được cả mục tiêu về số lượng và đi vào chiều sâu chất lượng.

Ngoài sự tham gia thực hiện quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy các địa phương thì từ thực tiễn triển khai một số tỉnh đã vận dụng sáng tạo và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế và phát huy được lợi thế của địa phương, từ đó đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM trên địa bàn.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng: Để người dân làm chủ thể trong xây dựng NTM đúng như tinh thần Nghị quyết số 26/NQ-TW của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì chúng tôi suy nghĩ không phải là dân góp bao nhiêu tiền và đất mà là người dân đứng lên làm chủ làng xóm của mình. Từ cách nghĩ trên, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai và nhân rộng mô hình “hội quán”. Theo đó, hội quán là nơi giúp nông dân liên kết mua chung bán chung, giảm chi phí, nâng cao giá trị hàng hóa, giúp địa phương làm du lịch nông thôn, đồng thời thực hiện tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Đến nay, Đồng Tháp có 80 hội quán với 4.300 thành viên và 17 hợp tác xã kiểu mới được thành lập trên nền tảng mô hình này.

Đánh giá cao mô hình hội quán của tỉnh Đồng Tháp, GS. TS Nguyễn Hay, Hiệu trưởng Trường Đai học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban Chủ nhiệm chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM, nêu quan điểm: “Chúng ta cần hướng tới vai trò chủ thể thực sự của nông dân, đảm bảo nông dân có đủ năng lực, cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả phát triển đất nước. Từ đó, xây dựng NTM thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống cho người dân”.

Nhiều mục tiêu lớn

Nhằm phát huy những kết quả đạt được sau gần 10 năm xây dựng NTM, bước sang giai đoạn 2021-2025, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia đề ra nhiệm vụ là toàn vùng ĐBSCL phấn đấu có ít nhất 4 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; ít nhất 50% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có khoảng 10 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; đồng thời có ít nhất 75% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các địa phương trong vùng tiếp tục nghiên cứu cho ý kiến thêm về các chỉ tiêu, cũng như mục tiêu thực hiện xây dựng NTM trong thời gian tới; đặc biệt là không được phép chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được. Bởi, xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, các địa phương phải đi vào thực chất chứ không phải đếm số xã đạt chuẩn mà tính. Bên cạnh đó, trong công tác quy hoạch NTM tới đây phải dựa trên yếu tố biến đổi khí hậu. Vì vậy, xây dựng NTM trên cơ sở phát triển nông nghiệp ĐBSCL bền vững theo hướng thuận thiên, dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai và đảm bảo tính kết nối vùng để phục vụ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần thu hút đầu tư vào nông thôn, nhất là các địa bàn khó khăn; đồng thời quan tâm chất lượng y tế, giáo dục và xây dựng, bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp...

Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ năm 2010-2019 của vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL là khoảng 932.498 tỉ đồng (chiếm khoảng 40% của vốn cả nước), bao gồm: Ngân sách trung ương bố trí được 9.226 tỉ đồng (chiếm 1%); trong đó 88,4% được bố trí cho các tỉnh vùng ĐBSCL. Từ nguồn vốn trên, các địa phương tập trung thực hiện giao thông nông thôn (69%), trường học (9,2%), cơ sở vật chất văn hóa (9,2%), công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (5,4%), thủy lợi (3,5%), đào tạo nghề cho lao động nông thôn (17,5%), phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết (15,5%), nâng cao năng lực, giám sát và truyền thông về xây dựng NTM (12%), phát triển giáo dục (9,7%), xử lý môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn (6,3%).

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>