Đảm bảo đê bao kiên cố tại các vùng sản xuất lúa Thu đông

04/09/2019 | 08:19 GMT+7

Đây là khuyến cáo của ông Trần Thanh Toàn (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, khi trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về tình hình mưa, giông trên địa bàn tỉnh do đang bị ảnh hưởng của hoàn lưu 2 cơn áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) liên tiếp (song trùng áp thấp nhiệt đới) trong thời gian qua và dự báo tình hình trong thời gian tới. Ông Toàn cho biết:

- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện trên lãnh thổ Việt Nam đang chịu ảnh hưởng “song trùng” 2 cơn ATNĐ cùng một lúc. Trong đó, một cơn ATNĐ có tên quốc tế là Kajiki đã đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9. Ngoài ra, tại giữa Biển Đông còn xuất hiện một cơn ATNĐ khác, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8 và đang di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc vào Việt Nam. Điều lo lắng là cơn ATNĐ Kajiki, các đài dự báo cả quốc tế và nước ta dự báo sẽ vào bờ biển nước ta, thế nhưng sau đó quẩn lại và phát triển ra biển theo hướng Đông Bắc rồi góp với cơn ATNĐ mới giữa Biển Đông, từ đó tạo ra song trùng ATNĐ rất phức tạp. Hiện, hoàn lưu ATNĐ không theo một trục mà có đường đi khó đoán và có hoàn lưu ảnh hưởng trên diện rộng.

Xin ông cho biết cụ thể việc ảnh hưởng và thiệt hại của song trùng ATNĐ trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này như thế nào ?

- Do ảnh hưởng của hoàn lưu song trùng ATNĐ nên trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lớn và gió mạnh trên diện rộng vào ban ngày và ban đêm nên phần nào ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của người dân. Dự báo trong vài ngày tới, tình hình mưa, giông tiếp tục xảy ra, trong đó các địa phương và người dân cần chú ý trong cơn mưa có thể xảy ra lốc xoáy. 

Ngoài ra, dù lượng mưa nhiều nhưng theo báo cáo của các địa phương trong tỉnh thì đến ngày 3-9, trên địa bàn tỉnh không có xuất hiện tình trạng ngập cục bộ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa ghi nhận tình hình nhà sập, tốc mái do áp thấp nhiệt đới gây ra.

Vị trí và hướng di chuyển của 2 cơn áp thấp nhiệt đới.

Trước dự báo diễn biến của song trùng ATNĐ phức tạp, khó lường thì ông có khuyến cáo gì đối với các địa phương trong công tác ứng phó ?

- Trước tiên, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến tình hình di chuyển của ATNĐ để thông báo cho các đơn vị có liên quan và địa phương biết. Đồng thời, tham mưu cho Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh về các giải pháp để chỉ đạo ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, các địa phương căn cứ vào kế hoạch PCTT-TKCN của tỉnh và địa phương mình mà tiến hành triển khai các biện pháp thực hiện đạt hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài ra, các địa phương, nhất là những vùng thường xuyên xảy ra sạt lở cần tổ chức kiểm tra và cắm biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao để người dân biết phòng tránh. Đặc biệt, chủ động gia cố hệ thống đê bao, cống đập đã xuống cấp, cũng như nâng cấp những đoạn đê bao thấp để bảo vệ sản xuất và đời sống người dân, nhất là quan tâm những vùng đang canh tác lúa Thu đông phải có hệ thống đê bao đảm bảo kiên cố để sẵn sàng bơm thoát nước khi cần thiết nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân. Đồng thời, khuyến cáo người dân chằng chống nhà cửa, phát quang những tán cây to xung quanh nhà nhằm đề phòng giông lốc xuất hiện làm tốc mái, sập nhà, cũng như cây đổ ngã để bảo vệ tài sản và tính mạng…

Xin cảm ơn ông !

HỮU PHƯỚC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>