Chủ động trước đợt xuống giống

15/11/2018 | 08:40 GMT+7

Theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp tỉnh, còn khoảng 10 ngày nữa, nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu xuống giống vụ lúa chính trong năm (Đông xuân 2018-2019). Do đó, những ngày này nông dân và chính quyền địa phương đang tích cực thực hiện các công việc.

Nông dân cần làm tốt các khâu vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống.

Khẩn trương chuẩn bị

Theo nhận định của Cơ quan Khí tượng Thủy văn Trung ương và khu vực Nam bộ thì thời tiết những tháng còn lại của năm 2018 này tại các tỉnh vùng ĐBSCL (có tỉnh Hậu Giang) sẽ diễn biến phức tạp, trong đó cần chủ động đề phòng các hiện tượng mưa lớn kéo dài, triều cường dâng cao gây ảnh hưởng đến giai đoạn đầu của vụ lúa Đông xuân, đặc biệt là khả năng năm nay nước mặn có thể về sớm hơn cùng kỳ. Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT, cho biết: Trong mùa khô tới đây, mực nước trên sông Cửu Long sẽ xuống dần ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,3m. Do đó, nước mặn có thể xâm nhập sớm hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, các vùng cách Biển Đông từ 30-40km có khả năng bị nước mặn với nồng độ 4‰ xâm nhập vào từ cuối tháng 12-2018 đến tháng 4-2019. Riêng tại Hậu Giang thì hai địa phương có thể bị ảnh hưởng nước mặn khi lúa Đông xuân đang ở giai đoạn trổ - chín là huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Trước tình hình diễn biến của thời tiết như trên, để vụ lúa Đông xuân năm nay trên địa bàn tỉnh đạt thắng lợi trên các mặt, hiện ngành nông nghiệp tỉnh, huyện và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực thực hiện nhiều công tác chuẩn bị. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất lúa Đông xuân và triển khai xuống các địa phương để thực hiện. Dự kiến vụ Đông xuân 2018-2019 này, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ xuống giống gần 77.315ha, trong đó huyện Phụng Hiệp là địa phương có diện tích xuống giống nhiều nhất của tỉnh với 20.000ha, kế tiếp là huyện Long Mỹ 17.757ha, huyện Vị Thủy 16.435ha, thị xã Long Mỹ 10.000ha, huyện Châu Thành A 8.698ha, thành phố Vị Thanh 3.773ha. 

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thông tin: Năm nay, Hậu Giang chia làm hai đợt xuống giống lúa Đông xuân. Cụ thể, đợt một từ ngày 24 đến 30-11 (nhằm ngày 18 đến 24-10 âm lịch) và đợt hai từ ngày 22-12-2018 đến trước ngày 5-1-2019 (nhằm ngày 16 đến 30-11 âm lịch). Từ khung lịch này thì tùy vào điều kiện mực nước, thời tiết và rầy nâu di trú vào bẫy đèn mà các địa phương xây dựng lịch thời vụ riêng cho từng vùng của mình để khuyến cáo nông dân xuống giống hợp lý.

Cũng theo ông Đời, năm nay các địa phương đặc biệt lưu ý là hạn chế tối đa tình trạng nông dân xé rào xuống giống không theo lịch thời vụ. Bởi, trong năm 2018 này, tình hình rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL) lại xuất hiện và gây hại nhiều trên địa bàn tỉnh. Theo đó, qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh thì trong năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận có gần 10.000ha lúa bị nhiễm rầy nâu, với mật số cao nhất lên đến 10.000 con/m2; riêng bệnh VL-LXL cũng ghi nhận có 2.333ha bị nhiễm, tỷ lệ bị ảnh hưởng cao nhất đến 80%. Hiện hai đối tượng dịch hại này vẫn còn nhiều tiềm ẩn về nguy cơ sẽ phát sinh trong vụ lúa Đông xuân sắp xuống giống nên ngành nông nghiệp các địa phương và người dân trong tỉnh cần hết sức cảnh giác.

Cơ sở và người dân đang tích cực chuẩn bị nguồn lúa giống để gieo sạ vụ lúa Đông xuân.

Cùng với kế hoạch sản xuất thì ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang yêu cầu các địa phương tiến hành hoàn thiện các hệ thống thủy lợi khép kín, đồng thời tổ chức rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, dầu và có kế hoạch nạo vét các tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng nhằm trữ nước ngọt phục vụ sản xuất lúa Đông xuân và đời sống sinh hoạt của người dân trước dự báo năm nay tình hình hạn và xâm nhập mặn về sớm, nhất là tại hai địa phương là huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. 

Đảm bảo đủ nguồn lúa giống

Ngoài những công tác chuẩn bị trên thì xác định giống lúa là một trong những yếu tố quan trọng và quyết định đến năng suất lúa về sau, đặc biệt là trong vụ lúa chính của năm, do đó ngành nông nghiệp tỉnh, chính quyền địa phương và người dân rất quan tâm đến vấn đề này. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thông tin thêm: Hiện ngành đã cho cán bộ chuyên môn tại các địa phương tiến hành rà soát về tình hình nguồn cung lúa giống thực tế của tỉnh và sự liên kết của các cơ sở kinh doanh lúa giống với các viện, trường và công ty bên ngoài. Điều đáng mừng là qua rà soát thì khả năng đảm bảo đủ nguồn lúa giống cấp xác nhận và nguyên chủng để cung ứng cho bà con xuống giống trong vụ lúa Đông xuân này. Bên cạnh đó, sau khi nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu gạo tới đây thì ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên canh tác một số loại giống chủ lực, như: OM 5451, OM 4900, OM 2517, OM 4218, Jasmine 85, RVT, Đài thơm 8… Đồng thời, phải sử dụng nguồn lúa giống cấp xác nhận trở lên để hạn chế sâu bệnh tấn công và đạt năng suất cao khi thu hoạch.

Do thời gian xuống giống đã cận kề, nhưng qua ghi nhận thì các đơn vị kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực nhập nguồn lúa giống về để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, nông dân cảm thấy an tâm là giá lúa giống năm nay không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ. Bà Lê Đào Minh Tâm, Trưởng phòng Kinh doanh Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh (trung tâm), cho hay: Qua nắm bắt nhu cầu của người dân thì được biết tỷ lệ bà con muốn sử dụng giống lúa cấp xác nhận ngày càng nhiều nên trong vụ lúa Đông xuân này trung tâm đã chuẩn bị 150 tấn lúa giống để phục vụ nhu cầu bà con, tăng 50 tấn so với cùng kỳ và với nhiều chủng loại giống khác nhau. Về giá bán không có gì thay đổi so với năm trước khi giống lúa cấp xác nhận ở mức từ 11.000-12.500 đồng/kg (tùy giống), còn giống nguyên chủng dao động từ 15.000-16.000 đồng/kg. Do chưa đến ngày xuống giống nên hiện sức mua lúa giống của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít, chủ yếu bán cho bà con ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang… Dự kiến gần cuối tháng 11 này thì sức mua sẽ tăng mạnh.

Ông Trần Văn Dũng, Trưởng Văn phòng Khuyến nông phía Nam, khuyến cáo: Giống như các địa phương khác của vùng ĐBSCL, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cần vận động nông dân thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật trước và trong sản xuất để vụ lúa chính trong năm đạt thắng lợi trên các mặt. Cụ thể, sau khi rút nước trên đồng ra cạn thì nông dân cần vệ sinh đồng ruộng, cày vùi rơm rạ, cỏ, lúa chét thật kỹ trước khi gieo sạ; đồng thời áp dụng biện pháp sạ thưa, sạ hàng với lượng giống từ 80-100 kg/ha, còn cấy máy thì lượng giống từ 30-50 kg/ha. Bên cạnh đó, thực hiện việc đánh rãnh thoát nước để hạn chế ngập úng khi có mưa dầm và cũng thuận tiện trong việc quản lý ốc bươu vàng, bù lạch gây hại đối với những ruộng lúa sạ muộn. Đặc biệt, nông dân cần xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp để hạn chế dịch hại tấn công, nhất là bệnh VL-LXL còn nhiều tiềm ẩn phát sinh…

Qua rà soát của ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có 23 đơn vị sản xuất lúa giống, trong đó có một Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, 13 hợp tác xã và 9 tổ hợp tác. Khả năng cung ứng lúa giống của 23 đơn vị trên được khoảng 30% nhu cầu người dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hiện còn có nhiều cơ sở kinh doanh lúa giống trên địa bàn tỉnh liên kết với các viện, trường và doanh nghiệp để lấy lúa giống bán cho bà con và đáp ứng được 70% nhu cầu còn lại.           

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>