Chờ ngày ra mắt xã nông thôn mới

03/12/2019 | 19:13 GMT+7

Việc hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) và có 99% người dân hài lòng về kết quả xây dựng NTM nên Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, đang chờ đón nhận bằng công nhận xã NTM của UBND tỉnh.

Mô hình trồng mít Thái siêu sớm đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân xã Đông Phước A.

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Đông Phước A được biết đến là một xã thuần nông của huyện Châu Thành khi đa phần người dân nơi đây sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp và là địa phương không có doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn. Do đặc điểm tự nhiên, thổ nhưỡng vùng đất nên nơi đây rất thích hợp cho cây ăn trái phát triển. Xác định yếu tố trên, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể xã đã tập trung vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thế mạnh của vùng đất nội tại nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua công tác vận động, hiện người dân xã Đông Phước A đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế cho nguồn thu nhập cao. Trong đó, một trong những mô hình khi nhắc đến xã Đông Phước A là nhiều người nghĩ ngay tới đó chính là cây mít Thái siêu sớm. Từ loại cây trồng này đã và đang giúp nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

Đang cùng cán bộ kỹ thuật của xã chia sẻ về kỹ thuật bao trái để chống ruồi đục trái cho 1ha mít siêu sớm của gia đình, ông Nguyễn Văn Dân, ở ấp Phước Tân, xã Đông Phước A, cho biết: “Hiện vườn mít của tôi có tuổi đời từ 3-5 năm. Cứ cách nhau vài ngày là tôi thu hoạch được vài trăm ký mít để giao cho thương lái. Với giá bán dao động từ 25.000-70.000 đồng/kg (tùy theo thời điểm và trọng lượng trái mít), bình quân từ 1ha mít này, mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu nhập không dưới 500 triệu đồng”.

Do mít Thái siêu sớm là cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít chi phí đầu tư và sau một năm trồng là có thể cho trái; đặc biệt là giá mít trong những năm gần đây ổn định ở mức cao nên về các vùng nông thôn trên địa bàn xã Đông Phước A trong lúc này, đi đâu cũng gặp cây mít xuất hiện vì hầu như nhà nào cũng tận dụng đất trống xung quanh nhà hay cặp lộ để trồng mít. Qua thống kê của ngành chức năng xã, hiện diện tích mít Thái của toàn xã Đông Phước A khoảng 310ha. Điều phấn khởi là xung quanh những vườn mít trĩu trái là nhiều ngôi nhà tường kiên cố được mọc lên từ nguồn thu nhập của trái mít.

Ngoài cây trồng chủ lực trên, người dân Đông Phước A còn phát triển nhiều mô hình chăn nuôi cho thu nhập hấp dẫn. Điển hình là mô hình nuôi cá thát lát theo liên kết chuỗi của ông Nguyễn Văn Đức, ở ấp Phước Hòa. Hiện gia đình ông có khoảng 8.000m2 mặt nước và được chia ra thành nhiều ao để nuôi cá thát lát giống, bố mẹ và cá thịt. Ông Đức chia sẻ: “Bình quân mỗi ngày, gia đình tôi giao theo hợp đồng cho Siêu thị Metro ở thành phố Cần Thơ hơn 200kg cá thát lát, gồm: chả cá và cá thát lát thịt. Với giá hợp đồng được ký kết trong nhiều năm qua là 83.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí thì còn lợi nhuận khoảng 20.000 đồng/kg. Hiện tôi đã xây dựng được thương hiệu chả cá thát lát Phước Hòa và được nhiều người biết đến nên đầu ra rất thuận lợi. Ngoài cá thát lát, tôi còn sản xuất lươn và cá chạch giống để cung ứng cho thị trường”.

Hiện tại, toàn xã Đông Phước A có khoảng 58 mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, ngoài 2 mô hình nổi bật trên thì còn có thể kể đến là mô hình trồng chanh không hạt, cam sành, xoài, rau màu tập trung... “Với việc xây dựng được nhiều mô hình kinh tế theo hướng thế mạnh của địa phương đã góp phần nâng cao nguồn thu nhập và giảm nghèo hiệu quả cho người dân địa phương qua từng năm. Cụ thể, đến cuối năm 2019 này, thu nhập bình quân đầu người của xã Đông Phước A đạt gần 47 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,92%”, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phước A, thông tin.

Hiệu quả công tác tuyên truyền

Để hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM như hôm nay thì theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Đông Phước A, một trong những yếu tố góp phần quan trọng làm nên thành công là địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức thiết thực về ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng NTM từ trong hệ thống chính trị ra sâu rộng quần chúng nhân dân. Qua đây, người dân đã phát huy tốt vai trò chủ thể của mình trong việc tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM. Điển hình là bà con đã tự nguyện hiến đất, hoa màu, cây trồng và ngày công lao động để thực hiện hoàn thành nhiều công trình cơ sở hạ tầng nông thôn đạt theo quy định của tiêu chí như: đường, cầu, nhà văn hóa ấp, trường học... Bên cạnh đó, người dân còn tích cực tạo cảnh quan môi trường bằng việc trồng hàng rào cây xanh, trồng hoa, cây kiểng trước và xung quanh nhà, đồng thời xử lý rác thải trong sinh hoạt gia đình đúng quy định.

Chỉ tay ra con lộ bê tông trước nhà vừa được đầu tư và đưa vào sử dụng cách nay không lâu, ông Trần Văn Trọng, ở ấp Phước Hưng, xã Đông Phước A, bộc bạch: “Từ khi có con lộ mới thay thế cho lộ cũ bị xuống cấp thì việc đi lại của người dân trong và ngoài ấp này rất dễ dàng, nhất là các cháu học sinh không còn cảnh sình lầy vào mùa mưa. Ngoài ra, khi có lộ mới, bà con còn trồng nhiều loại hoa, cây kiểng trước nhà trông rất đẹp mắt; đồng thời gắn đèn trước ngõ nên ban đêm đi lại cũng thuận tiện và đảm bảo an ninh trật tự. Không chỉ có lộ khang trang mà Nhà nước còn bắc những cây cầu bê tông mới kiêng cố để nối nhịp hai bờ”.

Đến nay, Đông Phước A có 100% đường xã và đường từ trung tâm xã ra huyện được nhựa hóa, hơn 75% đường trục ấp và liên ấp được nhựa và bê tông hóa, 100% đường ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa; 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và thoát nước chủ động; có 3/7 trường học đạt chuẩn quốc gia; có 10/10 nhà văn hóa ấp được xây dựng đạt chuẩn theo quy định; gần 99% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên và an toàn; trạm y tế xã được công nhận 10 tiêu chí quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia các loại hình bảo hiểm y tế đạt 91%... Từ những đổi thay lớn về vật chất và tinh thần sau khi chương trình xây dựng NTM được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đông Phước A thực hiện quyết liệt bằng nhiều giải pháp trong thời gian qua nên qua lấy ý kiến thì có 99% người dân hài lòng về kết quả xây dựng NTM tại địa phương mình.

Ông Lê Công Lý, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, cho biết: Hiện tại, Châu Thành đã có 3/7 xã đạt chuẩn NTM, nếu Đông Phước A được UBND tỉnh xem xét công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2019 này theo đề nghị của địa phương thì huyện sẽ có xã NTM thứ 4. Việc UBND tỉnh công nhận Đông Phước A đạt chuẩn NTM không chỉ là niềm vinh dự cho xã mà còn góp phần giúp huyện đạt chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020 là có 50% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trước mắt, huyện đề nghị xã Đông Phước A khẩn trương hoàn chỉnh lại bộ hồ sơ theo góp ý từ các ngành liên quan của tỉnh để sớm có văn bản công nhận 2 tiêu chí còn lại là cơ sở vật chất văn hóa và văn hóa; sau đó trình bộ hồ sơ về Văn phòng điều phối NTM tỉnh để xem xét và tổ chức lấy ý kiến của hội đồng thẩm định NTM tỉnh trước khi trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, lãnh đạo xã Đông Phước A sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng chất tiêu chí về môi trường, quan tâm tình hình an ninh trật tự, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả gắn với đầu ra sản phẩm… Qua đây, tạo lộ trình trong việc giữ vững danh hiệu xã NTM khi được công nhận, cũng như hướng đến xã NTM nâng cao trong thời gian tới…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>