Bảo vệ vựa lúa miền Tây

26/03/2020 | 18:09 GMT+7

Cuối tháng 3-2020, ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hạn hán và nước mặn xâm nhập. Nhiều diện tích lúa, cây ăn trái của nông dân các tỉnh ven biển bị thiệt hại. Song, nhìn trên diện rộng, cùng với những nỗ lực của địa phương và nông dân, ĐBSCL giành thắng lợi trong vụ sản xuất lúa Đông xuân với 1,5 triệu héc-ta, sản lượng trên 10 triệu tấn. Điều này cực kỳ có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-2019 lan rộng đe dọa nhiều quốc gia. Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực được đặt lên hàng đầu. 

Cánh đồng mẫu lớn mang lại nhiều lợi ích cho nông dân.

Tại Hậu Giang đến cuối tháng 3-2020, nông dân Hậu Giang đã thu hoạch hơn gần 60.000/77.820ha lúa Đông xuân. “Do chủ động các giải pháp chống hạn mặn nên trà lúa của nông dân rất trúng, năng suất lúa thu hoạch đạt từ 7,4-7,6 tấn/ha, cao hơn vụ Đông xuân năm ngoái từ 0,1-0,3 tấn/ha. Nông dân vui mừng khi bán lúa được giá”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết. Dự kiến nông dân Hậu Giang sẽ thu hoạch dứt điểm lúa Đông xuân trong tháng 3-2020. Điều đáng phấn khởi là hiện thương lái mua lúa tươi tại ruộng của nông dân Hậu Giang dao động từ 5.100-5.500 đồng/kg với gạo hạt dài, cao hơn đầu vụ từ 300-600 đồng/kg. Riêng giống lúa RVT có giá từ 6.000-6.400 đồng/kg; ST24 có giá bán 7.200-7.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ bình quân khoảng 500 đồng/kg.

Hơn lúc nào hết “vựa lúa miền Tây” đang là vùng đất dễ tổn thương: Nhiều nơi lúa của nông dân mất trắng do khô hạn, nước mặn xâm nhập, phải chắt chiu từng giọt nước ngọt sinh hoạt và tưới cho vườn cây. Sạt lở, sụp lún đường giao thông, đê biển ở khu vực bán đảo Cà Mau gây ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân. Các bộ, ngành và địa phương đang khẩn trương thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi cây trồng hiện nay là vô cùng cấp bách. Trong đó, cần hạn chế trồng lúa ở những vùng có nguy cơ rủi ro cao. Theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ): Tại khu vực bán đảo Cà Mau, nhiều nông dân áp dụng mô hình lúa - tôm mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, với 2ha đất, một số nông dân thu hoạch mỗi năm khoảng 6-7 tấn lúa/năm dùng để ăn trong nhà dư thì bán một ít, nuôi tôm lời xấp xỉ 60 triệu đồng/năm, tiền bán cá tự nhiên trong ruộng khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, trong mùa mưa, nông dân còn trồng được một số cây rau màu, dưa, bí trên bờ ruộng, vừa bán vừa ăn lai rai... Mô hình này cũng rất tự nhiên, hợp sinh thái, nông dân hạn chế phân bón và thuốc nông dược... Tại Sóc Trăng, mô hình lúa - tôm gắn liền với thương hiệu gạo ST25 và tên tuổi của kỹ sư Hồ Quang Cua (nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng) cũng là một minh chứng sinh động cho mô hình chuyển đổi sản xuất vùng ven biển.

Vừa thu hoạch xong lúa Đông xuân, nhiều nơi có nguồn nước ngọt phong phú nông dân ĐBSCL đã xuống giống lại Hè thu. Nói thế để thấy rằng: Hàng triệu nông dân miền Tây vẫn luôn cần cật làm ra hạt lúa dù hạn mặn vẫn rình rập, bủa vây khắp nơi. Hơn lúc nào hết, nông dân miền Tây cần những giải pháp hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ và các địa phương: Hoàn chỉnh các hệ thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho từng vùng sản xuất: Vùng trồng cây ăn trái; lúa, lúa tôm; chuyên canh tôm. Đối với nông dân trồng lúa là triển khai nhanh và rộng các mô hình sản xuất tiên tiến như trồng lúa thông minh (gắn thiết bị thông minh đo mực nước trên mặt ruộng, hệ thống điều khiển bơm nước tự động) mà nhiều nông dân Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang áp dụng; nhân rộng các giống lúa thích nghi, chống chịu mặn vùng ven biển. “Cần có một giải pháp dài hạn cứu nguy cho vùng châu thổ sông Cửu Long. Trong đó, quan trọng là tìm mọi cách lưu giữ và hấp thụ nguồn nước mùa mưa lũ, đặc biệt tập trung cho 2 vùng trũng lớn nhất ĐBSCL là vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười”, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu đề nghị. Một số địa phương vùng hạ nguồn cũng đề nghị: Bộ NN&PTNT và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, An Giang có quyết sách bớt mà tốt nhất là nên bỏ làm lúa vụ 3 (mùa mưa lũ): tháo khoán cho nước vào vùng đê bao để tích nước ngọt mùa mưa, điều tiết lại mùa khô. Đó là cách bảo vệ tốt nhất cho vựa lúa trong bối cảnh hạn - mặn luôn rình rập.

Bài, ảnh: VĨNH TƯỜNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>