Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có vai trò quyết định trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

04/01/2013 | 09:27 GMT+7

Trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có vai trò quan trọng đặc biệt. Để phát huy vai trò người thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp; trong đó, cần xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên dẫn đến làm sai lệch chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thậm chí làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa, dẫn đến làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một thách thức lớn rất nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Do đó, thủ trưởng, cơ quan, đơn vị phải xác định nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là lương tâm và trách nhiệm của mình trước Đảng bộ và nhân dân. Là người quản lý tình hình mọi mặt cơ quan, đơn vị, chịu trách nhiệm cao nhất việc tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, người thủ trưởng không thể đứng ngoài cuộc. Người thủ trưởng phải chịu trách nhiệm nếu trong cơ quan, đơn vị xảy ra tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trách nhiệm của người thủ trưởng không chỉ thể hiện ở chỗ có quyết tâm, thái độ kiên quyết, mà còn phải được thể hiện rõ ở việc có kế hoạch và biện pháp xử lý dứt khoát, thì cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới đạt kết quả mong muốn.

 

Phẩm chất và năng lực của người thủ trưởng, đặc biệt là sự mẫu mực nêu gương, cũng như thái độ kiên quyết đấu tranh của họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Thực tiễn đã chứng tỏ, nếu người thủ trưởng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực giáo dục, tuyên truyền tốt, thường xuyên, tích cực phê phán những quan điểm, tư tưởng sai trái, lệch lạc, thì chắc chắn hiện tượng suy thoái tư tưởng chính trị sẽ được khắc phục. Người thủ trưởng thật sự thanh liêm, hết lòng vì công việc, vì việc chung, lại có năng lực quản lý giỏi, kiên quyết đấu tranh, thì chắc chắn hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng cũng rất khó xảy ra, nếu có xảy ra cũng sớm được phát hiện và xử lý nghiêm khắc, triệt để. Người thủ trưởng có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, kiên quyết đấu tranh chống thói cá nhân, ích kỷ, vụ lợi, ham chơi, hưởng thụ, thì hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống trong cơ quan, đơn vị cũng khó có cơ hội tồn tại.

 

Thực tiễn cho thấy, ở không ít cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là do năng lực, trình độ của người thủ trưởng yếu kém, không quản lý được tình hình, khả năng phát hiện kém và không đưa ra được những giải pháp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, do vậy, các cấp phải rất quan tâm bồi dưỡng về chính trị, nâng cao trình độ quản lý, năng lực tổ chức thực tiễn cho người thủ trưởng. Trong đó, cần đặc biệt chú ý nâng cao năng lực quản lý trên những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực... Trình độ, năng lực không chỉ là một tiêu chí trong sắp xếp bổ nhiệm, mà còn là một tiêu chí cơ bản, quan trọng trong nhận xét đánh giá người thủ trưởng trong suốt quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo đó, việc sắp xếp, bổ nhiệm người thủ trưởng phải căn cứ vào trình độ đào tạo chuyên môn, vào kinh nghiệm thực tiễn và phẩm chất đạo đức, lối sống của họ. Đồng thời, việc bồi dưỡng trình độ, năng lực của người thủ trưởng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với những nội dung và hình thức phù hợp. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cấp trên trực tiếp và trách nhiệm của chính mỗi thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

 

Đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng; trong đó, phát huy vai trò của người thủ trưởng cơ quan, đơn vị có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Chỉ khi người thủ trưởng mỗi cơ quan, đơn vị nhận rõ nhiệm vụ và trọng trách của mình, có phẩm chất và năng lực tương xứng, có thái độ dũng cảm và kiên quyết, có chế tài cần thiết để phát huy vai trò của mình thì cuộc đấu tranh đầy cam go, phức tạp này mới có thể giành được thắng lợi trọn vẹn.

 

VÕ MINH TÂM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>