Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, bức xúc

24/08/2012 | 08:49 GMT+7

Tại phiên họp thứ 10 trực tuyến do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) vừa tổ chức, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh, Thanh tra Chính phủ hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, không có chuyện dung dưỡng, bao che, bị ảnh hưởng theo kiểu “nắn dòng, chuyển hướng kết luận thanh tra”.

 

* Hậu Giang giải quyết 83% đơn thuộc thẩm quyền

 

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, từ giữa tháng 2-2012 đến tháng 5-2012, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân gia tăng về số lượt người, số đoàn đông người và tính chất mức độ gay gắt hơn. Trong đó, có gần 70% vụ việc khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai.

 

Qua rà soát, đến cuối năm 2009, cả nước còn trên 1.900 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài. Có những vụ việc kéo dài đến 20 năm. Đến cuối năm 2011, còn 528 vụ việc, đa số thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương và theo báo cáo của các địa phương thì số vụ khiếu nại tồn đọng còn gần 400 vụ.

 

Tại điểm cầu Hậu Giang có sự tham gia của Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Minh Chắc.

 


Thông tin từ Thanh tra tỉnh Hậu Giang, đến cuối tháng 7, các cấp đã tiến hành 21 cuộc thanh tra hành chính và trên 200 cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua đó, phát hiện hơn 620 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền trên 1,2 tỉ đồng. Toàn tỉnh cũng đã tiếp gần 1.900 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị (trong đó có 6 đoàn đông người). Tổng số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết (kể cả năm trước chuyển sang) là gần 1.050 đơn (1.031 đơn khiếu nại và 16 đơn tố cáo), đã giải quyết 858/1.031 vụ khiếu nại thuộc thẩm quyền (đạt trên 83%). Trên địa bàn tỉnh hiện còn 30 trường hợp khiếu nại tồn đọng (khoảng 80% liên quan đến lĩnh vực đất đai). Trong đó, có 21 trường hợp có quyết định giải quyết lần 2 của Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng người dân vẫn chưa đồng tình, tiếp tục khiếu nại.

 

Để khắc phục tình trạng vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương đã thành lập và cử 25 tổ công tác về 51 tỉnh, thành trong cả nước để kiểm tra tình hình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài và khẳng định đến cuối năm sẽ có sự chuyển biến tích cực. Hiện tại, các tổ đã xem xét 300 vụ trong số các vụ việc tồn đọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương.

 

* Phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu

 

Từ năm 2008 đến hết năm 2011, ngành thanh tra tiến hành hơn 41.500 cuộc thanh tra hành chính; hơn 211.200 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành. Phát hiện trên 603.000 tổ chức, cá nhân sai phạm, với tổng giá trị vi phạm về kinh tế phát hiện được là trên 64.300 tỉ đồng, gần 330.000ha đất, kiến nghị thu hồi hơn 23.500 tỉ đồng, gần 34.000ha đất. Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý gần 29.000 tỉ đồng, xử phạt hành chính trên 9.200 tỉ đồng.

 

Nhiều đại biểu bức xúc cho rằng vi phạm như thế là có dấu hiệu của tham nhũng “chìm”, nhưng cuối cùng Thanh tra Chính phủ chỉ kiến nghị và chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 306 vụ với 443 người. Còn kiến nghị kiểm điểm, xử lý hành chính trên 13.000 cá nhân và tập thể.

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nói: Nghe có hàng trăm vụ thanh tra nhưng chẳng phát hiện được gì dù thực tế nạn tham nhũng đang rất nặng. Càng ngày số vụ việc tham nhũng phát hiện càng ít, nhưng khi phát hiện thì lại gây ra những hậu quả quá nặng nề…

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa nhận, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Muốn đạt kết quả tốt đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và nhân dân từ Trung ương đến địa phương. Ông Huỳnh Phong Tranh cũng nhìn nhận tình trạng thanh tra viên nhũng nhiễu, thiếu trung thực trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra là có thật. 6 tháng đầu năm 2012, đã xử lý 6 cán bộ của ngành vì không minh bạch, thiếu trung thực trong công tác thanh tra.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý Thanh tra Chính phủ phải thúc đẩy và có kế hoạch giải quyết những vụ khiếu nại tồn đọng thuộc trách nhiệm của Trung ương. Tập trung giải quyết những vụ việc cũ, nhưng phải hạn chế phát sinh vụ việc mới. Nâng cao năng lực, hiệu quả và chất lượng công tác thanh tra trong phòng, chống tham nhũng. Trong quá trình thanh tra nếu phát hiện liên quan đến tham nhũng phải chuyển ngay đến cơ quan điều tra, không chờ kết luận thanh tra. Tiếp tục thanh tra các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước để ngăn chặn những thất thoát, tiêu cực để tiến tới việc tái cơ cấu tập đoàn, công ty nhà nước.

HOÀNG NGUYÊN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>