Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Văn Quân:

Coi trọng hoạt động giám sát của người dân

03/08/2012 | 10:42 GMT+7

Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã góp phần quan trọng đưa tiến trình cải cách hành chính (CCHC) của Hậu Giang đạt được những kết quả khả quan. Sau “một cửa”, Hậu Giang đang tiến tới việc thực hiện “một cửa hiện đại” nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Văn Quân về vấn đề này.

 

* Trước tiên, xin ông đánh giá về tình hình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông thời gian qua của tỉnh ?

 

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Văn Quân.

 

- Qua hơn 4 năm thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã giải quyết cơ bản những yêu cầu của người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực, như đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, các quyết định về đầu tư, các lĩnh vực về đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, chứng minh nhân dân, lĩnh vực thuế, công chứng, chứng thực, chính sách xã hội… Chất lượng giải quyết công việc được nâng lên, thời gian được rút ngắn.

 

Cán bộ, công chức được phân công làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) các cấp là những người có kinh nghiệm công tác, hiểu biết chính sách, pháp luật, có chuyên môn và năng lực. Thực hiện cơ chế một cửa đã làm cho bộ máy chính quyền các cấp năng động, gần gũi hơn, hoạt động rất tích cực. Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, các đơn vị, địa phương có liên quan ngày càng nhịp nhàng, hạn chế được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Chính quyền tham gia giải quyết công việc ngày càng công khai, minh bạch, rõ ràng.

 

Thông qua việc minh bạch các TTHC, thời gian giải quyết công việc, phí và lệ phí cũng như đặt hòm thư góp ý tại Bộ phận TN&TKQ đã phát huy được quyền giám sát của nhân dân đối với bộ máy chính quyền. Thời gian giải quyết công việc được rút ngắn, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính được tiết kiệm đáng kể cho xã hội. Thực hiện “một cửa”, “một cửa liên thông”, đã làm thay đổi phong cách làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn hóa.
 

 

Cán bộ Bộ phận TN&TKQ-UBND xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy hướng dẫn người dân đến liên hệ công việc. Ảnh: H.NGUYÊN.

 

 

* Theo ông, những yếu tố nào sẽ làm nên thành công cho cơ chế một cửa, một cửa liên thông ?

 

- Muốn thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ngoài các yếu tố như về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí đảm bảo cho “một cửa” hoạt động thì cần phải có sự quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Phải sắp xếp lại bộ máy làm việc, bố trí lại nhân sự, phân định lại thẩm quyền của từng cá nhân chứ không chỉ làm động tác bố trí lại phòng làm việc, chỗ ngồi, địa điểm tiếp công dân… Một yếu tố quan trọng nữa là quan tâm sự giám sát, đóng góp của người dân vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính và các yêu cầu của nội dung CCHC.

 

Thực hiện “một cửa” đòi hỏi phải xây dựng, thiết lập nền công nghệ hành chính tiên tiến, phù hợp với chủ trương hiện đại hóa công sở, đòi hỏi quản lý chất lượng công việc theo một quy trình khoa học, đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính.

 

* Hậu Giang đang tiến hành xây dựng “một cửa hiện đại”, vậy Sở Nội vụ sẽ tham mưu và thực hiện những gì trong công việc này ?

 

- Để đảm bảo việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt hiệu quả cao, trong năm 2012 và những năm tiếp theo, với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực CCHC, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án thực hiện CCHC theo cơ chế “một cửa hiện đại” áp dụng tại UBND cấp huyện. Thông qua “một cửa hiện đại” tại UBND cấp huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức và nhân dân khi đến giao dịch, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết công việc. Từng bước đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đồng thời qua đó đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảm bảo yêu cầu công chức được thạo việc, công tâm, có trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính, khả năng giao tiếp với tổ chức và công dân… Ngăn chặn tình trạng hách dịch, cửa quyền khi giao dịch, giải quyết công việc với tổ chức và công dân.

 

* Xin cảm ơn ông !

HOÀNG NGUYÊN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>