Chăm lo “một cửa”

06/07/2012 | 07:18 GMT+7

Với những hoạt động hỗ trợ nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho những xã được tỉnh đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, Dự án Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ “một cửa” và  tăng sự hài lòng của người dân.

 

* Hỗ trợ kịp thời

 

Ông Lê Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Tân, TP.Vị Thanh, cho biết: “Với sự hỗ trợ nâng cấp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ), lại được mua sắm trang thiết bị nên người dân đến liên hệ thuận tiện nhiều hơn trước. Nhờ vậy chúng tôi cũng đỡ ngại với dân hơn. Nếu không có nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án, chúng tôi cũng không biết đến khi nào mới có căn phòng tiện nghi như thế này”.

 

Trước đây, Bộ phận TN&TKQ-Văn phòng UBND xã Vị Tân khá nhỏ hẹp, diện tích chưa đầy 20m2. Cán bộ của bộ phận này chia ra làm hai, ba nơi, khiến cho người dân gặp khó khi đến liên hệ công việc. Còn bây giờ nơi đây đã đúng nghĩa “một cửa”.
 

 

Bộ phận TN&TKQ-Văn phòng UBND xã Vị Tân, TP.Vị Thanh, đã rộng rãi và đẹp hơn xưa.

 

 

Bộ phận TN&TKQ-Văn phòng UBND xã Vị Tân “thay da đổi thịt” kể từ cuối năm 2011, khi xã được hỗ trợ nâng cấp nhà làm việc của bộ phận này. Hiện, Bộ phận TN&TKQ nơi đây có diện tích trên 40m2, đạt đúng chuẩn theo quy định.

 

Ông Vũ cho biết, chỉ riêng kinh phí nâng cấp phòng làm việc Bộ phận TN&TKQ, xã đã nhận được sự hỗ trợ gần 120 triệu đồng từ Dự án CCHC tỉnh.

 

Bà Nguyễn Thị Năm, ở ấp 6, xã Vị Tân, nói: “Tôi đến đây làm giấy tờ cũng thường xuyên lắm, lúc thì giấy khai sinh, khi thì chứng giấy tờ cho con đi làm… Căn phòng có chỗ ngồi, có quạt, có nước uống luôn. Bữa hổm, tôi đi chứng giấy mà photo sót chứng minh nhân dân, liền được mấy cán bộ ở đây photo giùm luôn, không phải chạy ra ngoài mất thời gian”.

 

Còn trước đây, khi đến liên hệ công việc, người dân phải ngồi ngoài hành lang.

 


Bộ phận TN&TKQ của xã Tân Tiến, TP.Vị Thanh giờ đã khang trang, tiện nghi hơn xưa rất nhiều. Ông Nguyễn Tấn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, chia sẻ: “Với kinh phí hạn hẹp của xã thì khó mà đóng quầy, mua bàn ghế, sửa sang cho Bộ phận TN&TKQ được… “ngon lành”, nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời của Dự án CCHC tỉnh, chúng tôi có thêm cơ hội phục vụ đắc lực cho người dân, giúp thực hiện “chuẩn” hơn các tiêu chí về xã nông thôn mới”.

 

Xã Tân Tiến là 1 trong 8 xã nhận hỗ trợ đóng quầy đúng chuẩn từ Dự án CCHC tỉnh. Kinh phí dự án hỗ trợ để đóng quầy ở các địa phương là gần 300 triệu đồng.

 

Dự án hiện ưu tiên đầu tư cho 11 xã điểm được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu đề ra là nâng cao hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp của các địa phương.

 

* Nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

 

Từ năm 2011, Dự án CCHC tỉnh bắt đầu hỗ trợ nâng cấp nhà làm việc Bộ phận TN&TKQ cho các xã: Vị Tân (TP.Vị Thanh); Vị Thanh, Vị Thủy (huyện Vị Thủy); Trường Long Tây, Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A); Đông Thạnh (huyện Châu Thành) và Đại Thành (TX.Ngã Bảy). Với hình thức hỗ trợ chủ yếu là giúp các xã nâng nền, sơn phết, mở rộng diện tích cho Bộ phận TN&TKQ, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 385 triệu đồng.

 

Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ mua sắm mới nhiều trang thiết bị hiện đại, thiết yếu cho Bộ phận TN&TKQ ở các xã như máy photocoppy, máy fax, máy in, máy vi tính cho các xã, với tổng kinh phí gần 380 triệu đồng.

 

Như vậy, chỉ tính riêng kinh phí hỗ trợ nâng cấp nhà làm việc, mua sắm trang thiết bị cho các xã là trên 1 tỉ đồng.

 

Song song với hỗ trợ cơ sở vật chất, thời gian qua, Dự án CCHC tỉnh còn phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh, Phòng Kiểm soát Thủ tục hành chính-Văn phòng UBND tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng công vụ cho cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, để phục vụ nhân dân tốt hơn.

 

Thời gian qua, với nguồn kinh phí tài trợ của Vương quốc Bỉ và Chính phủ Việt Nam, Dự án CCHC tỉnh đã hỗ trợ đắc lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vì người nghèo, xóa đói giảm nghèo thông qua CCHC từ tỉnh đến cơ sở. Nếu giai đoạn 2005-2010, chỉ có 6 xã điểm thuộc huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ và TX.Ngã Bảy nhận được sự hỗ trợ từ dự án, thì sang năm 2011, đã có 15 xã thuộc 7 huyện, thị, thành phố nhận được sự hỗ trợ và trong năm 2012 này dự kiến có trên 40 xã sẽ có nhiều sự hỗ trợ của dự án thông qua các chương trình bồi dưỡng cán bộ, nâng cấp Bộ phận TN&TKQ, mua sắm một số trang thiết bị cần thiết. Những chương trình của dự án đã góp phần nâng cao năng lực, cơ cấu tổ chức và hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong lĩnh vực lập kế hoạch phát triển, lập ngân sách và cung cấp dịch vụ công.

 

Qua sự hỗ trợ của dự án, phòng làm việc tại các địa phương đã có nhiều thay đổi. Chính điều này làm cho người dân rất hài lòng. Ông Nguyễn Văn Ron, ở ấp Trường Thuận, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, nói: “Bây giờ tới xã được ngồi trong nhà đàng hoàng, hồi đó chỉ ngồi ở hành lang thôi, nhìn cũng kỳ. Giờ thấy bảnh hơn trước dữ lắm”.

 

Hiện Dự án CCHC tỉnh đã đến xem xét 12 xã, phường, thị trấn của TX.Ngã Bảy, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, để lên kế hoạch hỗ trợ trong thời gian tới. Tuy nhiên, định hướng của dự án chỉ dừng ở mức hỗ trợ, nâng cấp, không xây mới và không có chủ trương mua sắm mới.

 

“Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực, tính hiệu quả của chính quyền địa phương trong cung cấp dịch vụ công. Việc sửa chữa nhà làm việc, mua sắm trang thiết bị chỉ là phương tiện để hướng đến mục tiêu trên, đó không phải là điểm đến của dự án. Mô hình “một cửa” và sắp tới là “một cửa liên thông” phát triển toàn diện hay không, hiệu quả tới đâu thì yếu tố con người mới là quyết định chính” - bà Đặng Trần Thị Trang Nhã, Quản lý Văn phòng Dự án CCHC tỉnh, nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích