“Truy tìm” bất cập

08/06/2012 | 13:35 GMT+7

Từ cuộc thi “Chung tay cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC)”, nhiều ý kiến hay mang tính phát hiện những điều còn bất cập liên quan đến các TTHC được nêu lên.

 

Bà Phạm Thị Thu Vân, Trưởng phòng Tổ chức - hành chính, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, cho biết trong một lần làm thủ tục đề nghị đăng ký biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), mới phát hiện những điều còn bất cập về thủ tục này.

 

Vì chứng minh nhân dân (CMND) cũ bị hư hỏng nên cách đây vài năm bà Vân có xin cấp mới, nhưng một số thông tin trong CMND mới lại không trùng với thông tin ghi trong GCN. Khi đi sửa những thông tin về CMND mới trong GCN, bà Vân đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) - Văn phòng UBND TP.Vị Thanh, thì được bán một bộ hồ sơ giá 5.000 đồng, gồm cả phong bì to đùng và 3 mẫu đơn gồm: Đơn đề nghị đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; biên bản mô tả ranh giới thửa đất và giấy đề nghị đo đạc, lập hồ sơ kỹ thuật đất.
 

 

Dù chỉ sử dụng một mẫu đơn, nhưng bà Vân (ảnh) phải nhận một túi hồ sơ và thêm 2 loại đơn khác không hề liên quan.

 

 

“Ban đầu tôi cảm thấy lúng túng và lo lắng khi nhận cả một bộ hồ sơ với nhiều giấy tờ như thế, không biết phải ghi hết cả 3 tờ giấy đó hay thế nào. Thế là lại phải hỏi cán bộ. Cuối cùng thì được biết mình chỉ phải điền đầy đủ thông tin vào một mẫu đơn là xong. Lúc đầu ghi sai, nên tôi có liên hệ xin lại mẫu đơn đăng ký biến động thôi, nhưng cán bộ tại đó nói rằng không có mẫu đơn lẻ và tiếp tục bán cho tôi một bộ hồ sơ 5.000 đồng nữa”- bà Vân nhớ lại.

 

Bà Vân cho rằng, đối với thủ tục này, cán bộ tại Bộ phận TN&TKQ chỉ cần phát cho người dân mẫu đơn đăng ký biến động là đủ. Vừa dễ cho dân, vừa tiện cho cán bộ khỏi phải trả lời, giải thích dông dài. Bà Vân ước tính sẽ tiết kiệm một khoản không nhỏ về thời gian và tiền bạc khi bỏ được các loại giấy tờ không cần thiết nêu trên. “Ít nhất sẽ tiết kiệm được 30 phút dành cho việc photo 2 loại đơn không cần thiết và làm 1 cái phong bì, tính ra tiền là khoảng 4.500 đồng. Nếu tính mức lương bình quân của người lao động là 3,1 triệu đồng/tháng, tức là tương đương 17.600 đồng/giờ, thì khoản tiền tiết kiệm từ 30 phút lãng phí (tương đương 8.800 đồng), cộng với tiền photo, làm phong bì, sẽ “bỏ ống” ít nhất 13.300 đồng/mỗi trường hợp khi đến làm thủ tục này”- bà Vân tính.

 

Từ trường hợp bà Vân mới thấy rằng, nếu mỗi năm số trường hợp đề nghị đăng ký biến động trên GCN quyền sử dụng đất khoảng vài nghìn trường hợp, thì số tiền tiết kiệm được sẽ không nhỏ.

 

“Nhờ cuộc thi, tôi mới có thể trình bày cụ thể, thẳng thắn những bất cập liên quan đến thủ tục này. Mong muốn lớn nhất của tôi là nếu các cấp chính quyền thấy ý kiến này phù hợp thì có thể xem đó là cơ sở để điều chỉnh đăng ký biến động trên GCN”- bà Vân bộc bạch.

 

Đây cũng là sáng kiến giúp bà Vân được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh trao giải cao nhất ở vòng sơ khảo cuộc thi “Chung tay CCTTHC” do sở này phát động.

 

Sáng kiến của bà Vân chỉ là một trong số 21 sáng kiến nổi bật của cán bộ, giáo viên ngành giáo dục, được Sở GD&ĐT tỉnh tuyển chọn từ hơn 100 bài dự thi “Chung tay CCTTHC” từ các đơn vị trực thuộc sở. Sở GD&ĐT tỉnh cũng là đơn vị duy nhất của tỉnh tổ chức chấm sơ tuyển những bài dự thi của ngành mình. Sau đó, chọn những bài hay nhất để dự thi toàn quốc.

 

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, cho rằng: “Cuộc thi là cơ hội để cán bộ, giáo viên của ngành tìm hiểu các TTHC, đề xuất những sáng kiến thiết thực để hạn chế tình trạng rườm rà trong TTHC liên quan đến ngành giáo dục và nhiều lĩnh vực khác, có liên quan đến đời sống người dân. Đặc biệt, qua cuộc thi này, đã giúp chúng tôi thu thập thêm nhiều thông tin từ cán bộ, giáo viên phản ánh những quy định chuyên môn không cần thiết, không phù hợp, tốn nhiều thời gian, nhưng không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả thấp”.

 

Cuộc thi “Chung tay CCTTHC” do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Hội đồng tư vấn CCTTHC tổ chức, nhằm tìm ra các sáng kiến, giải pháp cải cách thiết thực, giúp cắt giảm gánh nặng và chi phí tuân thủ TTHC không phù hợp, không cần thiết cho các cá nhân, tổ chức. Cuộc thi đã kết thúc nhận bài vào cuối tháng 4-2012, dự kiến trong tháng 6 này sẽ công bố kết quả.

Cô Trần Thị Cưởng, giáo viên dạy ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TX.Ngã Bảy:

Mong muốn ý kiến nhỏ của mình được chú ý

“Tham gia cuộc thi này, tôi mong muốn ý kiến nhỏ của mình nói về những vấn đề bất cập của thủ tục đăng ký dự thi đại học, cao đẳng. Tôi thấy việc đăng ký hiện tại quá phức tạp, qua nhiều trung gian. Tại sao chúng ta lại không cho học sinh đăng ký dự thi trực tuyến? Nếu thấy sáng kiến này phù hợp thì Bộ GD&ĐT nên có sự điều chỉnh, xem xét. Tôi nghĩ rằng, TTHC chất lượng thấp sẽ là rào cản lớn đối với đời sống người dân, còn TTHC đạt chất lượng tốt sẽ là động lực quan trọng phát huy tính sáng tạo, giải quyết tốt việc làm, góp phần đưa kinh tế tăng trưởng theo hướng bền vững”.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>