Trang tin điện tử còn nhiều hạn chế

06/04/2012 | 10:36 GMT+7

Những trang tin điện tử (TTĐT) của tỉnh thời gian qua đã góp phần lớn trong công khai thủ tục hành chính, cung cấp thông tin… Tuy nhiên, so với nhu cầu và tình hình phát triển chung thì các trang tin này còn nhiều hạn chế. 

 

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), nhận định rằng: Theo Nghị định số 43/2011 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến  trên TTĐT hoặc Cổng thông tin điện tử thì các TTĐT đều chưa đạt yêu cầu.

 

TTĐT của Sở Kế hoạch và Đầu tư là ví dụ. Trên trang này cũng có mục đăng ký trực tuyến lĩnh vực Đăng ký kinh doanh (ĐKKD), nhưng khi vào mục này, chỉ thấy có hướng dẫn ở quy trình chung, còn ở mục thủ tục ĐKKD chi tiết thì… trống trơn, không hề có một biểu mẫu hay hướng dẫn gì liên quan đến những đề mục như: DNTN, công ty cổ phần, công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên. “Doanh nghiệp tư nhân thì “đặc đất”, nhưng thủ tục hành chính chưa thông thì cũng khó cho người dân và doanh nghiệp”- ông Nguyễn Văn Ba bày tỏ. Tình trạng này cũng khá phổ biến ở một số TTĐT của các sở, ngành, nhất là những đơn vị thường xuyên tiếp xúc với công dân như Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường…
 

 

TTĐT của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mục Đăng ký kinh doanh vẫn chưa cung cấp dịch vụ trực tuyến ở mức độ 3.

 

 

Về vấn đề cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, ngoài Cổng TTĐT của tỉnh được đánh giá cao về mức độ cung cấp dịch vụ trực tuyến, thì tình trạng “trống vắng” trong việc cung cấp dịch vụ này hầu như diễn ra ở nhiều sở, ngành của tỉnh. Nếu áp vào các quy định hiện hành thì những TTĐT, kể cả Cổng TTĐT của tỉnh, đều chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là cung cấp những dịch vụ công trực tuyến. Nghị định 43 chỉ rõ, Cổng TTĐT của cơ quan nhà nước phải cung cấp chức năng hướng dẫn sử dụng, theo dõi tần suất sử dụng, quá trình xử lý và số lượng hồ sơ đã được xử lý đối với từng dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 trở lên. Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải có mục “Dịch vụ công trực tuyến” thông báo danh mục các dịch vụ hành chính công và các dịch vụ công trực tuyến đang thực hiện và nêu rõ mức độ của dịch vụ. Các dịch vụ được tổ chức, phân loại theo ngành, lĩnh vực để thuận tiện cho việc khai thác sử dụng.

Thực tế, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nên những dịch vụ công trực tuyến chỉ đáp ứng cho số ít doanh nghiệp và người dân rành tin học. Bởi vậy, có xây dựng được một hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiện ích thì cũng không phát huy hết tài nguyên của nó. Điều này cũng phần nào lý giải chuyện “trống vắng” dịch vụ đăng ký trực tuyến.

 

Ông Võ Văn Thắng, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: Tới đây, huyện Châu Thành sẽ đưa vào vận hành “một cửa điện tử”, nhưng để phát huy được hiệu quả thì phải tuyên truyền cho người dân hiểu về chương trình và biết chút ít tin học. Bởi những chương trình này với mục đích cuối cùng là phục vụ cho dân một cách tốt nhất, do đó nếu dân không biết về “một cửa điện tử” thì coi như chương trình không thành công.

 

Ông Nguyễn Văn Ba cũng khẳng định: “Muốn có Chính phủ điện tử thì phải có công dân điện tử”. Và như vậy, Hậu Giang còn nhiều chuyện phải làm, trước tiên là khâu tuyên truyền và đào tạo.

Theo Nghị định số 43/2011 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước:

- DVCTT mức độ 1: Là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.

- DVCTT mức độ 2: Là dịch vụ mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

- DVCTT mức độ 3: Là dịch vụ mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

- DVCTT mức độ 4: Là dịch vụ mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

 

Bài, ảnh: H.NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>