Tiến tới nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại

02/03/2012 | 11:31 GMT+7

Đây là mục tiêu của Chương trình Cải cách hành chính (CCHC) trong 5 năm (2011-2015) mà UBND tỉnh đề ra. Giai đoạn này, Chương trình CCHC còn hướng đến nền hành chính hoạt động có hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng và phát triển bền vững của tỉnh Hậu Giang…

 

* Từ những hạn chế, khó khăn

 

Khi nói đến cải cách thủ tục hành chính (TTHC), người ta lại nói nhiều đến “một cửa”, “một cửa liên thông”- một mô hình có thể xem là ưu việt nhất, đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn nên việc bố trí diện tích cho bộ phận một cửa chưa được như mong muốn, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu; cán bộ, công chức có sự chuyển đổi liên tục nên cải cách chưa đi vào chiều sâu… Đối với “một cửa liên thông”, vì khá mới nên trong triển khai thực hiện còn lúng túng, bỡ ngỡ, gặp nhiều vướng mắc do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau. Đó là chưa nói đến phong cách làm việc của những cán bộ ở hai bộ phận này vẫn chưa được đánh giá cao về sự chuyên nghiệp.
 

 

Người dân đến liên hệ công việc tại bộ phận một cửa tại UBND xã Hiệp Lợi, TX.Ngã Bảy.

 

 

Công tác hiện đại hóa nền hành chính nhà nước cũng là chuyện đáng bàn. Tuy đạt được những kết quả khá tốt, nhưng nhìn chung vẫn còn những hạn chế, hiện còn một số cơ quan thuộc UBND tỉnh chưa có trang tin điện tử; vẫn còn một số xã, phường, thị trấn có trụ sở tạm bợ, trên 50% trụ sở các xã, phường, thị trấn đã xuống cấp… Đó chính là những rào cản ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động cải cách. Mặt khác, cải cách tài chính công, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách thể chế hành chính còn không ít vướng mắc…

 

* Đến mục tiêu lớn

 

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, đồng thời thực hiện Chương trình CCHC đến năm 2015 đạt hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình CCHC đến năm 2015 với nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể, tiến tới một nền hành chính vững mạnh.

 

Trong đó, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành việc xây dựng và nâng cấp trụ sở xã, bố trí phòng tiếp nhận và trả kết quả tối thiểu 40m2, cấp huyện 80m2; trang bị đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức 1 máy vi tính, mỗi xã có từ 10-15 máy vi tính, gắn với công tác tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ; tổ chức 35 lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp ứng xử trong thực thi công vụ và kỹ năng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

 

Đến năm 2015, sẽ ban hành xong và áp dụng các quy định mới về phân cấp giữa các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện và một số xã. Sẽ giảm đến 20-30% các cuộc hội, họp; lồng ghép nhiều nội dung vào một cuộc họp, tăng cường làm việc tại cơ sở. Triển khai và đưa vào vận hành hệ thống họp trực tuyến, thực hiện mục tiêu đối thoại, giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp, có 30% UBND cấp xã áp dụng thí điểm mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008.

 

Tuy nhiên, giữa mục tiêu đề ra và kết quả thực hiện vẫn còn là dấu hỏi lớn. Trong cuộc họp tổng kết về công tác CCHC, ông Trần Thành Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, CCHC là vấn đề rất khó, muốn thành công trong hoạt động CCHC thì các cấp lãnh đạo phải có quyết tâm chính trị cao, đòi hỏi phải có sự đổi mới sâu sắc trong tư duy, nhận thức về tổ chức thực hiện cải cách; sự chỉ đạo CCHC phải gắn chặt với sự chỉ đạo đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị…
 

Có thể thấy rằng, CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng là chuyện lâu dài, muốn đạt kết quả tốt nhất, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, đòi hỏi cần thiết có sự phản biện, giám sát đầy đủ và nghiêm túc từ các cơ quan hữu quan và người dân.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>