Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Hậu Giang có thế mạnh, nhưng…

27/12/2016 | 07:53 GMT+7

Trong định hướng phát triển du lịch Hậu Giang từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, loại hình du lịch nông nghiệp sẽ được tỉnh tập trung khai thác.

Quang cảnh buổi Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn ở tỉnh Hậu Giang mới đây.

Thời gian gần đây, Hậu Giang đã có sự chuyển biến nhận thức về vai trò, vị trí của du lịch với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cần cả quá trình khai thác

Hậu Giang là một tỉnh nông nghiệp với mạng lưới sông rạch chằng chịt, có thế mạnh về cây lúa, mía, cây ăn trái và nguồn thủy sản phong phú. Một số thương hiệu nông sản cũng đã góp mặt trên thị trường khu vực và cả nước như bưởi Năm Roi, bưởi hồ lô, cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Trị, khóm Cầu Đúc, cá thát lát, cá rô đồng… Tỉnh cũng đã xác định sản phẩm du lịch chủ lực cần phát huy là du lịch nông nghiệp, nông thôn, kết hợp tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa. Trên địa bàn cũng đã và đang hình thành những điểm đến như: Khu du lịch sinh thái Việt Úc, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Khu du lịch Mùa Xuân… Cùng với đó là hệ thống nhà hàng, khách sạn, hệ thống đường giao thông được đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách, nên phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là chuyện cần làm.

Điểm dễ nhận thấy là đóng góp của ngành du lịch vào thu nhập của tỉnh không đáng kể, chủ yếu là cho thuê phòng nghỉ mà số ngày lưu trú của khách ngắn, chưa có sản phẩm mang tính đặc thù. Do hạn chế về kinh phí nên việc đầu tư hạ tầng du lịch vẫn chưa đồng bộ… Trong khi đó, xu hướng chung là du khách thích quay về với thiên nhiên, tìm hiểu những phong tục tập quán, ngành nghề truyền thống của địa phương, mà Hậu Giang lại có nhiều thế mạnh và tiềm năng. Tuy nhiên, để làm thế nào là cả một quá trình đòi hỏi công sức, thời gian và sự quan tâm đầu tư của các ngành, các cấp.

Bắt đầu từ loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng

Tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn ở tỉnh Hậu Giang, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, nhiều chia sẻ giúp Hậu Giang phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ông Lê Phú Dũng, Giám đốc Chi nhánh Tây Nam bộ Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist, nói: “Hậu Giang có nhiều điểm đến hấp dẫn như chợ nổi, Lung Ngọc Hoàng và nhiều vùng trái cây đặc sản, thiên nhiên vẫn còn hoang sơ, nhiều cánh đồng lúa trải dài trên các tuyến đường. Hậu Giang nên bắt đầu từ việc chọn loại hình, sản phẩm, dịch vụ có mức đầu tư phù hợp, dễ thực hiện, tạo điểm nhấn riêng, làm thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng. Cùng với đó là phải cải thiện hạ tầng giao thông, phương tiện đi lại, bảo vệ môi trường, tạo một không gian thoáng đãng để du khách được hít thở bầu không khí mát lành…”.

Còn khá nhiều ý kiến được chia sẻ khác, từ khái niệm làm du lịch nông nghiệp nông thôn, các loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn, tiềm năng, thế mạnh, nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn loại hình du lịch nông thôn của du khách; các nhóm giải pháp phát triển du lịch nông thôn… Từ đó có thể thấy, hạn chế của Hậu Giang hiện tại chính là kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhận thức của những người làm du lịch cộng đồng, chưa có sự đầu tư hợp lý và cũng chưa có sản phẩm du lịch tạo dấu ấn riêng.

Hậu Giang đã và đang từng bước tiến hành những điều trên và đặc biệt, đang xây dựng thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy... Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang, bày tỏ rằng, từ hội thảo, những ý kiến đóng góp đều là trách nhiệm và tâm huyết. Đây sẽ là những đóng góp quan trọng, để ngành du lịch Hậu Giang tiếp tục nghiên cứu, áp dụng để du lịch nông nghiệp, nông thôn Hậu Giang có sự phát triển đúng hướng, tạo ra sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời gian tới.

Du lịch nông thôn là sự trải nghiệm ở nông thôn. Loại hình này có không gian mở, gắn với thiên nhiên, các di sản, văn hóa, tập quán…, tạo cho du khách nhiều trải nghiệm. Có 3 loại hình du lịch nông thôn, gồm du lịch di sản (thưởng lãm cảnh vật, sự kiện trong quá khứ), du lịch thiên nhiên (thưởng thức cảnh vật, sinh thái tự nhiên) và du lịch nông nghiệp (thăm trang trại đang làm việc, cánh đồng đang cày cấy, vườn cây đang thu hoạch… để thưởng thức, học tập hay tham gia vào công việc)...

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích