Nỗi lo mùa hoa tết

02/12/2016 | 08:29 GMT+7

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Đinh Dậu 2017, đây cũng là lúc mà nhiều hộ trồng hoa kiểng tết ở ĐBSCL khẩn trương chăm sóc nhằm tạo ra những sản phẩm đẹp, bắt mắt... phục vụ nhu cầu tiêu thụ tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi khiến việc sản xuất hoa kiểng tết năm nay gặp nhiều khó khăn.

Người dân Sa Đéc chăm sóc mai tết.

Nhộn nhịp làm… hàng tết

Làng hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) là một trong những nơi trồng hoa kiểng lâu năm và nổi tiếng nhất ở ĐBSCL. Những ngày này đi dọc các xã Tân Khánh Đông, phường 3, phường Tân Qui Đông… đâu đâu cũng thấy hoa kiểng bạt ngàn, tất cả đang khẩn trương cho vụ tết. Ông Trần Văn Năm, hộ trồng hoa lâu năm ở xã Tân Khánh Đông, cho biết: “Trước đây, khu vực này trồng lúa và rau màu nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Thấy bà con ở Tân Qui Đông sản xuất hoa kiểng làm giàu nên tụi tôi đến học hỏi kinh nghiệm, sau đó chuyển hướng sang trồng hoa cũng được 5 năm rồi. Vụ hoa tết năm 2017, gia đình tôi đang trồng hơn 3.000 chậu cúc mâm xôi, cúc Tiger, vạn thọ… Do đó ngày nào cũng bám miết ngoài đồng để chăm sóc hoa cho đẹp nhằm hy vọng bán được giá cao”.

Ở ấp Sa Nhiên, phường Tân Qui Đông, không khí sản xuất hoa tết rất nhộn nhịp. Tại đây, nhiều loại hoa kiểng được người dân chất đầy xung quanh nhà và tràn cả ra mé lộ nông thôn. Anh Nguyễn Nhật Trường, ở ấp Sa Nhiên, cho hay: “Hoa kiểng ở đây được trồng quanh năm nhưng tết vẫn là “mùa” làm ăn chủ lực. Riêng gia đình tôi mỗi năm sản xuất từ 20.000-25.000 chậu hoa các loại, trong đó khoảng 60-70% tập trung cho vụ tết. Hiện tại cả nhà đang o bế các loại hoa như vạn thọ, sứ, cúc, mười giờ, bông chan… để bán vào dịp tết 2017”.

Tại “vương quốc hoa kiểng” Chợ Lách (Bến Tre), rất nhiều hộ cũng đang dồn sức cho vụ hoa tết. Bà Lê Thị Thắm, ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, bộc bạch: “Cũng nhờ nghề trồng hoa mà mấy năm nay gia đình tôi có cuộc sống ổn định, con cái được ăn học đàng hoàng… Chính vì vậy mà hoa kiểng tết được người dân quan tâm đầu tư, trong đó không ngừng tìm tòi những giống mới vừa đẹp, chất lượng… nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu người dân trang trí, vui tết”. Theo ông Trần Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành, toàn xã có hơn 500ha hoa kiểng với sản lượng dao động khoảng 4 triệu chậu sản phẩm mỗi năm. Trên thực tế khoảng 3-4 tháng nay, bà con đã vào vụ làm hoa tết và từ nay đến tết là giai đoạn cao điểm để chăm sóc, tìm thị trường tiêu thụ…

Còn nhiều nỗi lo

Có thể nói, hoa kiểng là một trong những sản phẩm không thể thiếu trong ngày tết. Dù giàu hay nghèo thì người dân cũng có nhu cầu mua sắm hoa kiểng để trang trí, làm đẹp trong những ngày vui xuân. Ý thức việc này nên các làng hoa kiểng ở ĐBSCL luôn chuẩn bị đầy đủ hoa kiểng các loại cung ứng tết.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, trăn trở: So với các năm trước thì vụ hoa tết năm nay gặp nhiều khó khăn bởi thời tiết không thuận, mưa liên tục kéo dài làm cho độ ẩm cao, bộ rễ của hoa kiểng sẽ khó hấp thu dinh dưỡng, các mầm bệnh cũng dễ phát sinh, nhất là các loại như cúc mâm xôi nếu không cẩn trọng sẽ dễ bị hư thối rễ. Từ những bất lợi trên nên người sản xuất sẽ tốn kém thêm chi phí điều trị bệnh và tốn nhiều công chăm sóc. Bà Nguyễn Thị Lùn, ngụ xã Long Thới, huyện Chợ Lách, than thở: “Cách nay khoảng 3 tháng, tôi xuống giống hơn 1.500 chậu cúc mâm xôi và cúc Hà Lan. Tuy nhiên, do gặp đợt mưa dầm liên tục đã làm cho cúc bị ngập úng, hư hại. Để kịp vụ hoa bán tết nên tôi quyết định nhổ bỏ cúc để chuyển sang trồng hoa vạn thọ, chấp nhận tốn kém chi phí”.

Kéo chúng tôi ra khu vực sản xuất hoa kiểng tết của gia đình mình, ông Nguyễn Văn Thảnh, ở xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, nói: “Tôi chuẩn bị khoảng 3.000 chậu tắc kiểng từ rất sớm để phục vụ thị trường tết 2017. Tuy nhiên, đợt hạn hán và xâm nhập mặn năm nay đã khiến khoảng 50% số tắc bị thiệt hại. Nhiều ngày nay, tôi cố gắng khôi phục trở lại nhưng đến lúc này tắc vẫn phát triển chậm và cây không được tươi tốt như mọi năm”. Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, cho biết đợt hạn, mặn đầu năm 2016 vừa qua, toàn huyện có hơn 3.000ha hoa kiểng, cây giống và cây ăn trái bị chết, khiến người dân mất trắng hơn 101 tỉ đồng. Đây là thiệt hại rất lớn trong nhiều năm qua. Để đầu tư cho vụ hoa kiểng tết năm 2017, nhiều hộ phải đi vay vốn để sản xuất với hy vọng trúng mùa - trúng giá nhằm gỡ lại những thiệt hại vừa qua. Tuy nhiên, người trồng hoa tết vẫn phập phồng bởi thời tiết không thuận.

Ngoài những khó khăn trên thì mới đây có 12 hộ trồng hoa cúc ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách gặp tình trạng bị cháy lá, thối rễ, cây không phát triển… sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật có nhãn hiệu Ali33. Theo Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, đến nay đã có hơn 17.000 chậu hoa cúc các loại của người dân xã Long Thới bị thiệt hại, với số tiền đã đầu tư hơn 400 triệu đồng, xem như mất trắng. Nguyên nhân mà cúc bị cháy lá có thể do người dân phun thuốc hiệu Ali33 do một đơn vị ở Hà Nội sản xuất. Đây là loại thuốc chuyên trị cho cây vải, còn các loại cây khác thì họ ghi dùng “thử nghiệm” mập mờ, gây hiểu lầm cho người trồng hoa…

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>