Biên đạo múa Trương Mỹ: Khơi nguồn đam mê

02/12/2016 | 08:23 GMT+7

Từ cấp 2, cô bé Trương Mỹ có gương mặt sáng, nụ cười duyên, vóc người nhỏ nhắn lại thích hát múa và chưa khi nào vắng mặt trong các buổi văn nghệ của trường. Còn giờ, cô bé ngày nào đã và đang truyền đam mê múa cho thế hệ kế cận.

Chị Trương Mỹ chăm chút cho các đạo cụ sân khấu...

10 năm nghỉ múa, ngỡ ước mơ đã hết…

Chị cười kể lại câu chuyện đến với múa của mình khi còn là cô bé ngây thơ. Từ hồi cấp 2, cô bé tên Trương Mỹ đó đã mạnh dạn dàn dựng các bài múa để mình và các bạn cùng biểu diễn… Dần dần, niềm đam mê càng lớn làm cho chị tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật này qua các cuộc thi, sách… Chị đã tự trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản và mày mò thử nghiệm. Học xong cấp 3, năm 1994 chị vào làm ở Trung tâm Văn hóa huyện Long Mỹ. Được 1 năm, chị lại được cơ quan tạo điều kiện đi học múa 3 năm tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. Cứ tưởng con đường nghệ thuật rộng mở trước mắt, nhưng sau khi được đào tạo bài bản, chị về cơ quan làm chưa bao lâu thì lấy chồng, rồi nghỉ ở nhà, bởi gia đình chồng cũng không thích chị làm nghệ thuật. Dù rất buồn, nhưng chị cũng đành gác lại niềm đam mê của mình để làm tròn phận dâu, con, thực hiện thiên chức làm mẹ. Ngót nghét mà chị bỏ nghề cũng 10 năm, nhưng chị vẫn ao ước có được một ngày trở lại nghề…

Năm 2010, chị quyết định thuyết phục người thân để được trở lại với nghề. Lúc này, hai đứa con của chị cũng đã lớn và tự chăm sóc cho mình được. Bằng sự đam mê và vạch ra kế hoạch rạch ròi cho công việc và gia đình, chị đã được ủng hộ. Khỏi phải diễn tả lại niềm vui lúc đó, chị như chim sổ lồng, được tiếp tục tung bay, nối lại niềm đam mê bị dang dở. Lúc đó, ở huyện Long Mỹ không có ai dạy múa, nên chị nghĩ mình phải làm chuyện gì lớn hơn là việc chỉ nhận show biên đạo cho các ngành. Vậy là chị mạnh dạn đầu tư mở một điểm dạy múa, thể dục thẩm mỹ, aerobic và múa dân gian dành cho nhiều lứa tuổi. Qua việc dàn dựng các chương trình văn nghệ, chị nhận thấy khâu phục trang khá quan trọng, mà ở đây chưa có ai kinh doanh nên chị mạnh dạn đầu tư. Chị mua dần từng món một, rồi sẵn khéo tay, chị tự cắt may những chiếc áo bà ba với sắc màu bắt mắt để phục vụ cho việc biểu diễn. Lúc đầu đơn giản vậy, nhưng số lượng phục trang, đạo cụ lớn lên từng năm và giờ, chị đã có một kho đồ khá lớn, đủ để đáp ứng nhu cầu của thị xã Long Mỹ trong những lần tổ chức hội thi, hội diễn. Chị nói, nhờ có internet mà tủ đồ của chị ngày càng nhiều!

Mang niềm tin cho nghệ thuật múa

Biên đạo múa Trương Mỹ kể con đường theo nghiệp múa của mình không hề bằng phẳng, dù khó khăn, nhưng giờ mọi thứ đã qua và chị đã được trở lại với niềm đam mê. Khi trở lại, chị đã thắp lên ngọn lửa đam mê cho nhiều người, tạo được sân chơi cho nhiều đối tượng. Để có được điều này, chị cũng phải học thêm rất nhiều, bởi lĩnh vực của chị chỉ là múa dân gian. Vậy là chị phải dành thời gian để học aerobic, yoga, thể dục thẩm mỹ... Để có thể nắm bắt thần thái của từng môn, có thể dạy được quả không hề đơn giản. Có lẽ chị có duyên với nghề, nên học rất nhanh và tìm tòi khám phá trên mạng, qua sách cũng lẹ...

Từ khi mở lớp, học viên của chị ngày càng nhiều và mấy năm qua, nơi đây không chỉ đơn thuần để học, mà còn là sân chơi để những tâm hồn đồng điệu được gặp gỡ, chia sẻ và thắp thêm niềm tin yêu cho nghệ thuật múa. Đặc biệt, chị dành khá nhiều công sức để dạy múa cho các em thiếu nhi, khơi gợi niềm đam mê, phát hiện những tài năng để chăm bồi, làm hạt nhân cho phong trào ở địa phương, cũng như những chương trình lớn của tỉnh. Chính sự nhiệt huyết mà chị đã, đang và sẽ thắp truyền niềm đam mê múa cho những học trò của mình. Học viên lớn lên, không còn theo múa, sẽ có lực lượng tiếp theo thay thế, là tâm huyết của chị để luôn có lực lượng kế thừa. Trong các hội thi, hội diễn, thị xã Long Mỹ không “ngán” một đơn vị nào, vì đã có người biên đạo nhiệt tâm dìu dắt, đã hỗ trợ hết mình và theo sát từng bước đi của học trò. Còn với học viên lớn tuổi, là những phụ nữ đủ mọi ngành nghề, tìm đến đây để rèn thể chất, cải thiện vóc dáng...

Giờ, điểm dạy múa đã trở thành CLB với tên gọi CLB Múa măng non và Thể dục thẩm mỹ. Mỗi tối, nơi đây rôm rả tiếng cười, nói, tiếng nhạc khi nhẹ nhàng, lúc dồn dập và những bước chân dặt dìu, những câu chuyện hàn huyên lại rôm rả. Chị nói, nhiều khi chồng đi làm về, tối là khoảng thời gian nghỉ ngơi, nhưng đây là lúc nhà chị náo nhiệt nhất, lúc đầu chồng cũng bực bội, nhưng dần cũng quen và đây chính là động lực để chị tiếp tục làm nghề...

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>