Đánh giá học sinh tiểu học ở Thông tư 22: Có giảm áp lực với giáo viên ?

02/12/2016 | 08:18 GMT+7

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 22, bổ sung sửa đổi một số điều về đánh giá học sinh tiểu học. Với thông tư mới này, liệu có khắc phục được hạn chế của Thông tư 30 !?

Giảm áp lực về sổ sách, giáo viên có nhiều thời gian hỗ trợ học sinh hơn.

Hết ghi hàng ngàn lời nhận xét

Thở phào nhẹ nhõm khi bắt tay vào thực hiện thông tư mới này, thầy Nguyễn Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Lương Tâm 1, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Thay vì ghi nhận xét vào sổ theo dõi hàng tháng ở các môn học như 2 năm trước (Thông tư 30), thì nay với Thông tư 22, chúng tôi chỉ ghi nhận xét vào vở học sinh khi cần thiết. Giảm bớt áp lực sổ sách, tránh những lời nhận xét chung chung, trùng lắp đối với nhiều học sinh. Giáo viên có nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ các em học sinh còn yếu”.

Thực tế, trong 2 năm thực hiện Thông tư 30, nhiều giáo viên bị áp lực vì sổ sách quá nhiều, vừa vất vả, vừa ảnh hưởng thời gian giảng dạy. Nhất là đối với giáo viên dạy những môn đặc thù như nhạc, mỹ thuật, thể dục… giáo viên phải ghi hàng ngàn lời nhận xét. Cô Trần Thị Xuân Hương, giáo viên dạy âm nhạc Trường Tiểu học Ngô Hữu Hạnh 1, huyện Châu Thành, cho biết: “Thông tư 30 yêu cầu mỗi tháng giáo viên phải nhận xét học sinh một lần. Với 23 lớp phụ trách, tháng nào tôi cũng phải nhận xét hơn 800 học sinh. Mà mỗi em học sinh phải nhận xét theo 3 tiêu chí của thông tư, thời gian trên lớp chỉ có 45 phút cho 1 tiết học, chúng tôi không có nhiều thời gian nhận xét hết các em. Không chỉ nhận xét trong sổ theo dõi chất lượng học sinh, giáo viên còn phải ghi nhận xét vào học bạ, sổ giáo viên chủ nhiệm, vào phần mềm… công việc quá nhiều nên đành phải ôm một đống sổ sách về nhà làm tiếp. Còn hiện tại, áp dụng thông tư mới, chúng tôi rất mừng vì không còn áp lực sổ sách như trước nữa. Với tôi, việc chọn và ghi vào một cuốn sổ tay những điểm cần lưu ý với các em học sinh sẽ giúp tôi nhớ và nắm tình hình học sinh được tốt hơn”.

Ưu điểm của Thông tư 22 là quy định thay sổ theo dõi chất lượng giáo dục bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh. Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin, sử dụng khi cần. Nếu như trước đây giáo viên cần phải ghi chép 5 quyển hồ sơ, sổ sách thì nay chỉ còn 2 quyển gồm học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục.

Giảm áp lực và đánh giá học sinh “chuẩn” hơn

Thay đổi cách đánh giá nặng về định tính ở 2 mức “Hoàn thành” và “Chưa hoàn thành” như Thông tư 30, Thông tư 22 đã đưa ra 3 mức đánh giá học sinh là “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành” và “Chưa hoàn thành”. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Tây 1, huyện Vị Thủy, cho biết: “Xét về tâm lý tiếp nhận, 3 mức đánh giá này giúp giáo viên nhìn nhận rõ hơn kết quả phấn đấu của học sinh, giải quyết những lo ngại của phụ huynh. Với 3 mức đánh giá trên sẽ nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình. Cách đánh giá này cũng giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu bài học để cả giáo viên, phụ huynh và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động, phương pháp tiếp cận kiến thức”.

Theo quy định trong Thông tư  22, học sinh lớp 4, lớp 5 sẽ có thêm bài kiểm tra giữa học kỳ môn toán và tiếng Việt. Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh đánh giá học sinh này với học sinh khác. Bà Nguyễn Thị Loan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Ngô Hữu Hạnh 1, huyện Châu Thành, tỏ ra phấn khởi vì cách thay đổi mới này: “Hai năm học qua, phụ huynh chúng tôi rất lo lắng vì việc xếp loại chỉ ở 2 mức “Hoàn thành” và “Chưa hoàn thành” của con mình. Không biết điểm của con mình được mấy để hỗ trợ tiếp con. Nay, nghe nói sẽ có thêm bài thi giữa mỗi học kỳ, như vậy ít ra cũng biết được điểm số của con 4 bài thi tôi an tâm hơn”.

Nói về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Mộng Thu, Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 2, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Việc có thêm bài kiểm tra sẽ không làm tăng thêm áp lực học hành cho học sinh. Trái lại đó còn là động lực, động viên học sinh học tập tốt hơn, giáo viên có thể định lượng rõ hơn về năng lực học sinh. Đồng thời giúp học sinh cuối cấp dần quen với cách đánh giá theo điểm ở cấp 2”.

“Thông tư 22 ra đời trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30, được kỳ vọng sẽ tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học, khi mà các hình thức đánh giá học sinh được điều chỉnh phù hợp hơn theo hướng tăng động lực phấn đấu cho học sinh, gánh nặng sổ sách vốn gây nhiều áp lực cho giáo viên cũng được giảm đi đáng kể. Hoạt động sẽ góp phần tăng niềm tin của xã hội vào những chủ trương đổi mới của ngành giáo dục”, ông Bùi Đức Quang, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>