Sự chủ động cần thiết

01/12/2016 | 09:01 GMT+7

Tình hình sản xuất nông nghiệp nói chung, vụ lúa Đông xuân 2016-2017 nói riêng của tỉnh được nhận định là sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bởi theo dự báo của ngành chuyên môn, mùa khô năm nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Hậu Giang tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ đến sớm hơn cùng kỳ.

Gieo sạ sớm để “né” hạn, mặn giúp người dân sẵn sàng tư thế ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã chủ động xây dựng lịch thời vụ và khuyến cáo bà con nông dân ở những địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng cao tranh thủ xuống giống lúa Đông xuân sớm. Tuy gặp thời tiết bất lợi, liên tục xuất hiện mưa dầm vào thời điểm đầu vụ nên quá trình xuống giống của người dân trong tỉnh nói chung đôi lúc bị đình trệ. Tiến độ gieo sạ có chậm so với kế hoạch đề ra, nhưng với việc ngành nông nghiệp Hậu Giang chủ động xây dựng lịch thời vụ hợp lý và kịp thời khuyến cáo người dân ở huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh tranh thủ gieo sạ sớm để “né” hạn, mặn là động thái hết sức cần thiết, góp phần cảnh báo người dân sẵn sàng tư thế ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Chắc hẳn đến nay, người dân sinh sống và canh tác nông nghiệp tại các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh vẫn chưa hết nguôi ngoai về những đợt xâm nhập mặn bất thường, đến nỗi Hậu Giang phải lần đầu tiên công bố thiên tai xâm nhập mặn cấp độ 1 xảy ra trong mùa khô của năm nay ở nhiều địa phương của tỉnh. Những cơn “bão mặn” đó không chỉ gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống, mà còn tác động nghiêm trọng đến quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân Hậu Giang.

Lúc ấy, con số thống kê tổng thiệt hại trước mắt đã hơn chục tỉ đồng tưởng chừng như thế là quá đủ, nhưng ít ai ngờ rằng “di chứng” mà nó để lại cho ngành nông nghiệp ngay sau đó còn nặng nề hơn gấp bội. Cụ thể là lần đầu tiên, mức tăng trưởng của khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) bị âm đến 4,65%. Mà nguyên nhân chủ yếu là do diện tích và sản lượng lúa Đông xuân 2015-2016 bị sụt giảm sâu. Ngoài cây lúa, hạn hán và xâm nhập mặn còn khiến cho diện tích nuôi trồng thủy sản giảm khoảng 2,07% so với cùng kỳ.

Ngay sau đó, ngành nông nghiệp tỉnh buộc phải quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp tăng thêm 10.000ha lúa Thu đông ở những nơi có điều kiện sản xuất (kế hoạch ban đầu là 42.000ha) để đảm bảo tổng sản lượng lương thực năm 2016 của tỉnh; cũng như vận động người dân tập trung xuống giống thủy sản đạt tổng diện tích 7.000ha và hiện nay đã được trên 7.089ha, sản lượng trên 62.250 tấn, đạt 100,82% kế hoạch và bằng 149% so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, tỉnh còn tiếp tục phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm đạt kế hoạch của năm nhằm cố gắng vực dậy mức tăng trưởng dương trở lại.

Kết quả 10 tháng đầu năm cho thấy, tăng trưởng khu vực I đang trở lại mốc dương 0,68%. Tuy nhiên, nếu so với nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra đối với khu vực I phải đạt mức tăng trưởng 2,08% thì con số dương hiện còn khá khiêm tốn, trong khi chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2016. Điều đó phần nào nói lên chuyện phục hồi tăng trưởng dương đã khó thì vấn đề duy trì ổn định sự tăng trưởng ở mức cao lại càng khó hơn, nhất là quá trình sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà đang chịu tác động khá nặng nề bởi biến đổi khí hậu. 

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, cho rằng trong đợt hạn, mặn sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng, chống hiệu quả hơn. Mục tiêu chính vẫn là phục vụ lợi ích cho người dân, đặc biệt là đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt theo tinh thần nếu nơi nào chưa đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân thì phải có phương án cụ thể, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng khó khăn. Hiện các giếng khoan tại thành phố Vị Thanh đủ sức cung cấp nước cho người dân thành phố, các trạm cấp nước mini cũng đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, cũng như đấu nối với các trạm cấp nước tập trung để phát huy hiệu quả cung cấp nước sạch cho người dân. Còn những vùng trọng điểm khác trong tỉnh thì đã chuẩn bị tư thế ứng phó cụ thể thông qua công tác kiểm tra, rà soát các đê bao, cống đập để có sự đầu tư, gia cố kịp thời. Ngoài ra, cũng trong mùa khô này, tỉnh sẽ phát huy sáng kiến đập thời vụ ngăn mặn đã mang lại hiệu quả trong đợt xâm nhập mặn vừa qua để có sự chủ động ứng phó phù hợp. Bên cạnh đó, công tác đo đạc, quan trắc, dự báo hạn, mặn tới đây cũng sẽ có nhiều điểm mới.

Đó là nhờ thiết bị đo độ mặn bằng phao có giá rẻ nên ngành nông nghiệp tỉnh sẽ mua hỗ trợ thiết bị này theo từng nhóm nông dân, để họ có thể theo dõi diễn biến của độ mặn, qua đó giúp giảm thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Như vậy, có thể thấy rằng Hậu Giang đã có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch và sẵn sàng tư thế ứng phó cần thiết để phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn trong những tháng mùa khô năm 2017 sắp tới đạt hiệu quả cao nhất.

Bài, ảnh: NGUYỄN HIỀN THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>