Nhật Bản xem xét triển khai THAAD

01/12/2016 | 08:03 GMT+7

Sau Hàn Quốc, Nhật Bản vừa tuyên bố sẽ xem xét khả năng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) giai đoạn cuối của Mỹ tại quốc gia này. Tuyên bố trên đã vấp phải sự chỉ trích của cả Trung Quốc và Nga.

Hệ thống tên lửa THAAD mà Nhật Bản dự định triển khai. Ảnh: WIKI

Theo đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch thiết lập một nhóm thảo luận các biện pháp củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Nhóm này do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kenji Wakamiya đứng đầu, dự kiến sẽ thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có xem xét việc Tokyo triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) giai đoạn cuối của Mỹ tại Nhật Bản. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cũng cho rằng, mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể triển khai THAAD tại quốc gia này, nhưng Nhật Bản đang xem xét lựa chọn để tăng cường năng lực quốc phòng. Bà Inada dự kiến thăm đảo Guam của Mỹ vào giữa tháng 12 để thị sát Hệ thống phòng thủ THAAD tại căn cứ của Mỹ. Chuyến thăm tới đảo Guam sẽ cung cấp các thông tin hữu ích để Tokyo quyết định có triển khai hệ thống phòng thủ tại quốc gia này hay không.

Thực tế, nhiều năm nay Nhật Bản đã tránh đề cập đến Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD vì lo ngại dư luận phản ứng. Tuy nhiên, định hướng chương trình quốc phòng quốc gia (NDPG) giai đoạn 2019-2023 có thể được chính phủ thảo luận và thông qua kế hoạch triển khai THAAD. Đặc biệt, sau khi Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo trong năm nay, cùng với vụ thử hạt nhân thứ 5, khiến khả năng triển khai THAAD sớm được đưa vào chương trình nghị sự. Một số quan chức Nhật Bản cho rằng, việc triển khai THAAD sẽ không dễ dàng vì ngân sách cần tiêu tốn ước tính có thể lên đến hàng trăm tỉ yên. Mặt khác, việc triển khai hệ thống THAAD này cũng cần được sự ủng hộ dư luận. 

Phản ứng trước vụ việc trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng: “Việc Mỹ triển khai THAAD sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân chiến lược trong khu vực cũng như lợi ích an ninh chiến lược đối với các nước liên quan, trong đó có Trung Quốc, đi ngược lại những nỗ lực hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của mình”. Liên quan đến vấn đề này, Nga cũng lên tiếng phản đối triển khai hệ thống THAAD tại châu Á, cho rằng kế hoạch này không giúp ích cho tiến trình hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á, cũng như tìm kiếm giải pháp cho vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. 

Thực tế, không phải đến lúc này Bắc Kinh và Matxcơva mới chỉ trích Tokyo mà quan hệ giữa Nhật Bản với Nga và Trung Quốc thời gian gần đây đã gia tăng căng thẳng bởi những tranh chấp chủ quyền biển đảo. Theo đó, giữa Nhật và Trung Quốc liên tục xảy ra tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) hiện Nhật Bản đang chiếm giữ; còn Nhật Bản và Nga cũng căng thẳng liên quan đến quần đảo tranh chấp mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây lên tiếng phản đối việc Nga triển khai các hệ thống tên lửa mới tại khu vực này bao gồm: 4 quần đảo phía Bắc thuộc lãnh thổ của Nhật Bản. Hiện Tokyo đã chuyển thông điệp này qua các kênh ngoại giao, đồng thời cho rằng việc triển khai tên lửa của Nga là đi ngược với lập trường của Nhật Bản và rất đáng tiếc.

Trong một diễn biến liên quan mới đây, giới chức các bộ ngoại giao và quốc phòng của Trung Quốc và Nhật Bản đã tiến hành cuộc đối thoại an ninh “2+2” ở thủ đô Bắc Kinh, do Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyền Hựu và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Akiba đồng chủ trì, cả hai phía đã nhất trí duy trì liên lạc và hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, cùng nhau giải quyết những bất đồng để cải thiện quan hệ song phương. Đây là tín hiệu khả quan được cho là góp phần xoa dịu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo. Tuy nhiên chắc chắn những mâu thuẫn giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Nga vẫn còn là đề tài “nóng” trên bàn nghị sự của các quốc gia này.

THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, nằm trong hệ thống phòng thủ toàn cầu của Mỹ. Theo giới quan sát, với việc THAAD đã được triển khai tại đảo Guam của Mỹ, sắp tới tại Hàn Quốc và tiếp theo có thể là Nhật Bản, sẽ củng cố sức mạnh của liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>