Tăng cường phòng, chống dịch bệnh Zika

30/11/2016 | 08:16 GMT+7

Những ngày qua, tình hình dịch bệnh do vi-rút Zika diễn biến phức tạp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, việc đi lại, giao thương giữa tỉnh ta và TP.HCM thuận tiện nên có khả năng dịch bệnh này xảy ra trên địa bàn. Ths, bs Trương Tỷ (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết ngành y tế đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát hiện sớm cas bệnh và phòng bệnh lây lan nhanh nếu có.

Trước tình hình dịch bệnh do vi-rút Zika đang lan nhanh trên địa bàn TP.HCM, ông dự báo như thế nào về khả năng dịch bệnh có thể xảy ra tại tỉnh ?

- Tính đến ngày 28-11, TP.HCM ghi nhận 83 trường hợp nhiễm vi-rút Zika tại 17/24 quận, huyện, trong đó có 9 thai phụ đang theo dõi thai kỳ. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, 4 ngày qua thành phố liên tiếp phát hiện 14 cas bệnh mới. TP.HCM là trung tâm kinh tế, du lịch của cả nước, chiếm 40-60% khách quốc tế đến Việt Nam, cũng như khách các khu vực khác trong cả nước, nên vi-rút Zika dễ dàng xâm nhập và lây lan hơn trong cộng đồng. Hậu Giang cũng có nguy cơ lây nhiễm, lan rộng từ các trường hợp nhiễm vi-rút Zika từ địa phương này là rất lớn, do việc đi lại, giao thương thuận tiện.

Vậy ngành y tế đã có những giải pháp gì để phát hiện sớm cas bệnh đầu tiên (nếu có), thưa ông ?

- Ngành y tế tỉnh đã thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế, tích cực tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện cas bệnh do vi-rút Zika. Trong năm 2016, ngành y tế tỉnh đã triển khai 3 đợt chiến dịch phòng, chống bệnh Zika, sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng và đang triển khai chiến dịch phòng, chống dịch đợt IV trên toàn tỉnh.

Sở Y tế sẽ tổ chức các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương có ghi nhận sự lưu hành bệnh sốt xuất huyết. Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo địa phương thực hiện việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh do vi-rút Zika, sốt xuất huyết.

Song song đó, tăng cường công tác giám sát bệnh nhân, giám sát đối với các phụ nữ mang thai có các triệu chứng nghi ngờ để tư vấn và khuyến cáo kịp thời. Điều tra ổ dịch bao gồm cả véc tơ truyền, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm và lấy mẫu chẩn đoán xác định. Triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch và các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Theo dự báo của ngành, nếu dịch bệnh xuất hiện tại tỉnh, khả năng dịch có lây lan nhanh như TP.HCM không, thưa ông ?

- Khu vực phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều... nên môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển khiến cho bệnh do vi-rút Zika, sốt xuất huyết luôn có nguy cơ gia tăng. Hiện nay, tại tỉnh vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm vi-rút Zika có thể là do quần thể muỗi vằn trên địa bàn Hậu Giang chưa nhiễm vi-rút này. Tuy nhiên, trong thời gian tới có thể bệnh sẽ xuất hiện trên địa bàn tỉnh, do mở rộng giao lưu đi lại giữa các địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực.

Nếu tỉnh không chủ động phòng, chống dịch bệnh sớm, đúng phương pháp ngay từ đầu thì cũng có khả năng dịch bệnh lây lan nhanh. Hậu Giang là địa bàn lưu hành muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, hàng năm vẫn ghi nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn. Muỗi này cũng đồng thời là trung gian truyền vi-rút Zika từ người nhiễm sang người lành. Do đó nếu không tổ chức phòng bệnh tốt thì có khả năng gây thành dịch. 

Công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông ?

- Chúng tôi đã và sẽ đẩy mạnh việc thông tin tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân không hoang mang lo lắng. Tình hình dịch bệnh do vi-rút Zika trên thế giới, trong nước sẽ được cập nhật thường xuyên và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Phổ biến các thông điệp hướng dẫn cho cộng đồng và riêng cho phụ nữ mang thai, người dự định có thai, tư vấn người bệnh xét nghiệm khi cần thiết. Duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, hướng dẫn người dân về phòng, chống dịch do vi-rút Zika.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kết họp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng và bệnh do vi-rút Zika ở các trường học và trong cộng đồng.

Ông có khuyến cáo gì đối với người dân để phòng bệnh do vi-rút Zika ?     

- Bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết đều có các biểu hiện sốt, phát ban, đau cơ, đau khớp và nhiều bệnh khác cũng có biểu hiện tương tự như sốt phát ban, sởi, rubella và Chikungunya. Có một số triệu chứng khác biệt giữa bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết như nhiễm vi-rút Zika có biểu hiện phát ban, viêm kết mạc mắt rõ hơn, trong khi sốt xuất huyết thường có biểu hiện là sốt cao, xuất huyết. Những khác biệt này cũng như kết quả xét nghiệm hiện nay cũng khó sử dụng để chẩn đoán phân biệt mà còn cần phải căn cứ trên tình hình dịch tễ, thời gian phơi nhiễm, lịch sử đi lại của người bệnh.

Mặc dù mọi người mắc với biểu hiện lâm sàng nhẹ, nhưng có thể để lại di chứng về thần kinh ở trẻ sinh ra từ mẹ mắc Zika trong thai kỳ và nhiều dị tật khác về tai, mắt, xương. Bệnh này có đường lây truyền chủ yếu qua muỗi truyền. Chúng tôi khuyến cáo người dân cùng chung tay kiểm soát lăng quăng/bọ gậy triệt để. Bằng mọi biện pháp không cho muỗi đốt để hạn chế thấp nhất tác động của căn bệnh này.

Tỉnh đã triển khai 3 điểm xét nghiệm máu phát hiện người nhiễm vi-rút Zika tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy và Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ. Tất cả những người có triệu chứng nghi ngờ sẽ được giới thiệu đến 3 điểm trên để khám, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện bệnh Zika.

 

Xin cảm ơn ông !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>