Về đâu thủy sản chủ lực Hậu Giang ?

30/11/2016 | 08:12 GMT+7

Hơn 1 tháng nay, tuy giá một số loài thủy sản chủ lực của tỉnh như cá tra, cá thát lát có chiều hướng tăng nhẹ, nhưng đâu đó người nuôi vẫn còn không ít lo âu, buồn bã vì đầu ra sản phẩm bấp bênh.

Không ít hộ nuôi cá tra ở thị xã Ngã Bảy chấp nhận xuất bán với mức giá 19.500 đồng/kg để “chạy nợ”.

Một ngày cuối tháng, theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Chín Ẩn (Trương Ngọc Ẩn), hộ nuôi cá tra có tiếng ở ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy. Đến nơi, ngồi bên chiếc bàn gỗ, cùng ly cà phê sữa nóng còn nghi ngút khói, ông Chín Ẩn bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện “thất sủng” của các loài thủy sản thế mạnh một thời ở vùng đất Hậu Giang.

Số là vào thời điểm khoảng năm 2010, giai đoạn được xem là “hoàng kim” của con cá tra. Bởi lúc đó, giá cá tra thương phẩm không dưới 25.000 đồng/kg, nhưng thương lái thu gom rất mạnh, còn người dân thì tha hồ hốt bạc. Vì vậy, ở địa phương bắt đầu nổi lên phong trào đào ao nuôi cá tra, có lúc diện tích lên đến 60ha. Đây là con số không nhỏ, vì sản lượng cá tra nguyên liệu cung ra thị trường rất lớn, ước khoảng 18.000 tấn cá/năm, nhanh chóng đưa Ngã Bảy trở thành vùng nuôi cá tra nguyên liệu lớn nhất tỉnh.

Thế nhưng, chẳng hiểu sao “đường bơi” của con cá tra trên thị trường trong và ngoài nước cứ thu hẹp dần, giá cá ngày càng lao dốc. Để rồi đến năm 2014, giá sụt giảm còn khoảng 18.000 đồng/kg, thậm chí thương lái chẳng để ý đến chuyện thu mua sản phẩm. Người nuôi bắt đầu thua lỗ, lâm nợ, dẫn đến treo ao gia tăng nhanh chóng. Hộ nào đam mê, tâm huyết lắm mới cố gắng thả nuôi cầm chừng để chờ thời cơ vực dậy, trong đó có gia đình ông Chín Ẩn.

“Sau thời gian dài trầm lắng, hiện giá cá nguyên liệu có sự khởi sắc lại. Thương lái vào mua ở mức giá 21.500 đồng/kg, tăng hơn 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nhưng trên thực tế đó là giá thu mua theo hình thức trả tiền sau, chứ thanh toán bằng tiền mặt ngay sau khi cân chỉ có khoảng 19.500 đồng/kg. Do vậy, người nuôi vẫn bị thua lỗ”, ông Chín Ẩn buồn rầu nói. Vì lẽ đó, ông luôn kỳ vọng rằng tới đây, nhất là đến thời điểm cuối năm, giá cá tra sẽ nhích lên thêm chút đỉnh để ao nuôi rộng 3.000m2 (hiện bình quân mỗi con cá bên dưới đạt trọng lượng khoảng 650gram) có thể xuất bán thuận lợi, giúp gia đình ông hưởng được cái tết cổ truyền dân tộc sung túc hơn.

Cùng nỗi lo trên, anh Nguyễn Ngọc Thảo, ở ấp 2, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, đang thả nuôi 10.000 con cá thát lát trên diện tích ao 500m2. Đến nay, cá đã đạt trọng lượng 3 con/kg, nhưng giá cá ngoài thị trường chỉ dao động ở mức 45.000-50.000 đồng/kg, bình quân sụt giảm hơn 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Với mức giá này, anh Thảo thủ huề còn khó, chứ không thể kiếm lời. “Tính sơ sơ khoản tiền đầu tư con giống, thức ăn và tỷ lệ hao hụt đã lên trên 50 triệu đồng, trong khi đó sản lượng cá dưới ao chẳng biết ra sao. Có lúc giá cá biến động khó lường, thậm chí trong một ngày mà lên xuống 4 lần. Cứ đà không ổn định như vậy hoài thì thử hỏi người nuôi ai mà chẳng ngao ngán”, anh Thảo than.

Theo lý giải của ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, nguyên nhân dẫn đến đầu ra thủy sản bấp bênh là do vấn đề liên kết 4 nhà còn khá lỏng lẻo, người nuôi tự ai nấy lo. Cụ thể là các doanh nghiệp, công ty thu mua và chế biến thủy sản lớn trong tỉnh, như: Công ty Cổ phần Thủy sản CAFATEX, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông hoàn toàn không đến “bắt” một con cá nào của người dân. Từ đó, thương lái mặc tình thao túng và ép giá, dẫn đến người dân vỡ nợ.

Ngoài ra, người nuôi có nhu cầu vay vốn để tái đầu tư sản xuất thì luôn gặp khó khăn. Vì vậy, hầu hết đều muốn quay lưng và bắt đầu bỏ nghề để chuyển sang làm kinh tế vườn, chăn nuôi gia cầm với hy vọng cải thiện cuộc sống gia đình. Bà Lê Kim Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, người dân cần có phương án đầu tư cụ thể, thường xuyên theo sát diễn biến thị trường để có hướng thả nuôi phù hợp. Đồng thời, phải tuân thủ, áp dụng đúng quy trình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp khẳng định chất lượng sản phẩm, chờ cơ hội phát triển trở lại.

Còn ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: Muốn có hướng đi mang tính chiến lược, lâu dài cho ngành thủy sản thì trước mắt phải tập trung vào quy hoạch chi tiết vùng nuôi, chế biến cá tra tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, lồng ghép với việc thiết lập phương án phát triển toàn diện, nhằm thu hút công ty, doanh nghiệp đến tham gia liên kết tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định, giúp người nuôi cá yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>