Đến Sri Lanka xem ngư dân câu cá trên cọc

29/11/2016 | 09:02 GMT+7

Đi dọc theo bờ biển miền Nam Sri Lanka, du khách sẽ dễ dàng thấy hình ảnh những người ngồi trên cọc gỗ cheo leo để câu cá.

Những ngư dân ngồi trên cọc để câu cá dọc theo bờ biển ở Sri Lanka. Nguồn: GETTY IMAGES

Câu cá trên cọc là một hình thức đặc biệt ở Sri Lanka, xuất hiện ở các làng dọc bờ biển phía Nam thuộc thành phố Galle. Người câu cá ngồi trên một thanh gỗ (gọi là petta) cột vào chiếc cọc (ritipanna) được đóng sâu xuống đáy, đủ chắc để sóng biển không xô đổ. Mặc dù nhìn hình thức câu cá này có vẻ thô sơ nhưng nó chỉ mới xuất hiện từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Thiếu thực phẩm, không có tàu đánh cá, nhiều điểm câu cá mọc lên khắp nơi, một số người đã nghĩ ra cách này. Ban đầu họ dùng cọc sắt nhưng sau đó thay bằng cọc gỗ.

Những người câu cá ngồi trên cọc, trước mặt bao la biển rộng, dưới ánh bình mình hay hoàng hôn thường là hình ảnh đặc trưng của Sri Lanka mà du khách săn đón. Những tưởng đây là công việc khá nhàn hạ giữa khung cảnh nên thơ, nhưng câu cá trên cọc đòi hỏi sự kiên nhẫn và sức chịu đựng rất cao của người đi câu. Ngoài việc chú ý giữ thăng bằng trên thanh gỗ hẹp, tay bám lấy cọc để khỏi ngã mỗi khi có con sóng lớn, họ phải ngồi hàng giờ đồng hồ liền để chờ cá cắn câu. Cách này thường chỉ câu được những con cá nhỏ bơi gần bờ. Họ không dùng lưới bởi cho rằng môi trường bị nhiễu động nhiều hơn sẽ làm cá không quay lại một thời gian dài. Chiếc cọc và nghề câu cá đã tạo nguồn thu nhập cho khoảng 500 ngư dân ở Galle và được truyền lại từ đời này sang đời khác.

Năm 2004, trận sóng thần tàn phá bờ biển Sri Lanka và các nước khác thuộc vùng Ấn Độ Dương đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống ngư dân câu cá. Chính quyền có dự án tái định cư cho các ngư dân xa bờ biển, khi đó họ buộc phải chuyển đổi sang các nghề khác như làm nông, buôn bán, đánh bắt xa bờ… Việc câu cá cũng đối mặt với không ít khó khăn khi hoạt động du lịch và tàu thuyền nhiều hơn khiến lượng cá gần bờ ngày một giảm. Tưởng rằng truyền thống câu cá này sẽ mất đi nhưng vẫn còn một số người bám trụ với nghề, dù đã mất tất cả sau trận sóng thần. Lý do của họ đưa ra rất đơn giản, một người vốn là ngư dân thì sao có thể sống xa bờ biển, hơn nữa chi phí đi lại khá đắt so với thu nhập. Nhờ có họ mà hiện nay du khách đến đây vẫn có thể chiêm ngưỡng một hình ảnh đẹp và đặc trưng của đất nước Sri Lanka.

THIÊN NGỌC (tổng hợp từ The Wire, Amusing Planet)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>