Còn đó những nỗi đau

14/11/2016 | 07:40 GMT+7

Tai nạn giao thông (TNGT) không chỉ làm chết người, tàn tật, thiệt hại tài sản, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều gia đình nạn nhân và gánh nặng cho xã hội. 

Sau khi bị tai nạn, anh Nguyễn Hoàng Anh sống cuộc đời thực vật.

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, ẩm thấp nằm nép mình phía sau Trường THCS Châu Văn Liêm, phường IV, thành phố Vị Thanh, bà Nguyễn Thị Ngờ, không kiềm được nước mắt mỗi khi nhắc lại vụ TNGT dẫn đến cái chết của con trai duy nhất là anh Nguyễn Trung Hiếu.

Cố nén nước mắt, bà Ngờ cho biết, cách đây 3 năm, cuộc sống gia đình bà cũng tạm bợ, anh Hiếu cùng cha đi làm thuê để lo cho cuộc sống. Thấy nhà xuống cấp, anh tâm sự với gia đình ráng làm dành dụm tiền để tết sửa lại cho tươm tất.

Rồi một ngày tháng 8-2013, anh Hiếu chạy xe ra ngoài uống nước với mấy người bạn, trên đường đi thì đụng vào xe ôtô đi ngược chiều. Dù được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng anh không qua khỏi. “Đau lòng hơn là lúc đó con của nó mới 6 tháng tuổi. Hay tin, vợ nó ngất lịm. Ý định của nó chưa thực hiện được mà đã ra đi…”, bà Ngờ nghẹn ngào.

Từ khi anh Hiếu mất, gia đình bà Ngờ lâm vào cảnh khốn đốn. Trước đó, để chữa trị cho anh, bà Ngờ vay “nóng” bên ngoài trên 100 triệu đồng. Đến nay, số tiền ấy chưa trả hết. Bây giờ, hàng ngày chồng bà làm đủ thứ nghề, còn bà thì đi nhổ lông vịt mướn… Bà Ngờ tâm sự: “Thiếu nợ không biết chừng nào tôi mới trả xong”.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thạo, ở ấp Trường Phước, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cũng hết sức khó khăn kể từ ngày anh Nguyễn Hoàng Anh bị TNGT. Gia đình ông Thạo có 4 người con, Hoàng Anh là con lớn và là trụ cột trong gia đình. Gần 10 công ruộng do một tay anh gánh vác. Cách đây hơn 1 năm, lúc đó khoảng 18 giờ, sau khi đi đám, trên đường về nhà thì anh bị xe gắn máy đi ngược chiều đụng, hậu quả làm anh chấn thương sọ não phải chở đến Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Để có tiền chữa trị, gia đình ông Thạo phải vay ngân hàng gần 200 triệu đồng, thế nhưng anh Hoàng Anh cũng không khỏi. Hiện tại, anh sống cuộc đời thực vật, mọi sinh hoạt không thể chủ động, trong khi đó, hai đứa con của anh đang tuổi ăn tuổi học.

Đang chăm sóc cho chồng, chị Lê Thị Hằng xúc động: “Mong có một phép màu nào đó để anh khỏi bệnh cùng chăm lo cho hai con ăn học nên người”.

Những hoàn cảnh gia đình có nạn nhân tử vong, tàn tật kể trên chỉ là số ít trong số hàng trăm, hàng ngàn gia đình đang gánh chịu nỗi đau mất mát do TNGT. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, nhưng chủ yếu vẫn do ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông khi tham gia giao thông chưa tốt. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hầu hết các vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường; nhiều trường hợp đã sử dụng rượu, bia quá mức cho phép khi tham gia giao thông…

An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà, là niềm vui của mọi gia đình. Vì vậy, mỗi chúng ta trước khi ra đường, trước khi cầm lái phải luôn ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, vì đằng sau mình là người thân đang dõi theo. Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết: “TNGT luôn gay ra nỗi đau khôn nguôi cho người ở lại và họ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể vượt qua. Hàng năm, chúng tôi đều phối hợp với các tổ chức đoàn thể, địa phương đi thăm, động viên các gia đình có nạn nhân bị tai nạn để góp một phần nhỏ xoa dịu nỗi đau do TNGT. Chủ đề Năm An toàn giao thông năm 2016 mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát động nhấn mạnh: Tính mạng con người là trên hết. Mong rằng mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy tự chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>