Đồng bằng sông Cửu Long: Soán ngôi... cây lúa

28/10/2016 | 08:05 GMT+7

Năm nay mực nước lũ ở vùng ĐBSCL không cao, vì vậy việc sản xuất lúa Thu đông không bị ảnh hưởng, thế nhưng nông dân vẫn không vui bởi năng suất lúa vụ này thấp và giá cả cũng không cao. Như vậy, tính ra 3 vụ lúa là Đông xuân, Hè thu và Thu đông trong năm 2016 đều không mang lại hiệu quả cao cho nông dân làm lúa. Đã đến lúc không còn đặt nặng việc trồng lúa, bởi hiệu quả mang lại ngày càng giảm...

Hàng ngàn héc-ta đất lúa ở ĐBSCL được chuyển sang trồng rau màu, có thu nhập cao.

Cây lúa kém sức cạnh tranh

Do sống ở vùng nông thôn, lại không có ngành nghề gì khác nên nhiều năm qua vợ chồng chị Lâm Thị Chín, ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, bám vào cây lúa. Chị Chín kể: “Hàng năm, vùng này làm 3 vụ lúa và năm 2016 này gia đình tôi cũng canh tác như vậy. Tuy nhiên, vụ lúa Thu đông mới vừa thu hoạch thì năng suất chỉ đạt khoảng 700 kg/công (giảm 100 kg/công so với năm trước) do chuột cắn phá và sâu bệnh nhiều. Cùng với năng suất giảm thì giá lúa Thu đông cũng giảm theo, lúa tươi loại thường chỉ bán được 4.000 đồng/kg; lúa tươi hạt dài chỉ 4.200-4.400 đồng/kg; giá này nông dân lãi không bao nhiêu, nếu ai thuê đất sẽ lỗ vốn”. Ông Đoàn Ngọc Anh, ở xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: “Nghe dự báo năm nay lũ nhỏ nên nhiều hộ vùng đầu nguồn này tranh thủ làm lúa vụ 3 (lúa Thu đông), thế nhưng đến khi thu hoạch thì lúa thất quá chừng. Bởi 5 năm liền lũ không về nên không có phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, rồi bệnh xuất hiện nhiều khiến nông dân phải tốn chi phí phun xịt; vậy mà giá lúa bán ra lại giảm khiến nông dân không thu được lợi nhuận”.

Theo Bộ NN&PTNT, kế hoạch sản xuất vụ Thu đông năm 2016 ở ĐBSCL khoảng 867.000ha, tăng hơn nhiều so vụ Thu đông năm trước. Nguyên nhân khuyến khích tăng diện tích lúa Thu đông là nhằm bù đắp lại sự thất mùa của vụ Đông xuân và Hè thu do ảnh hưởng hạn, mặn gây ra. Song, do thời tiết không thuận lợi nên năng suất lúa Thu đông không cao.

Trong lúc giá lúa thấp thì giá cả các loại nông sản khác như trái cây, rau màu, thủy sản… dao động ở mức cao giúp nông dân lời nhiều. Theo Phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, trong mùa lũ này nông dân ở huyện trồng hơn 1.000ha rau màu các loại (nhiều nhất là hành lá và củ cải trắng). Hiện giá hành lá khoảng 15.000 đồng/kg, củ cải trắng khoảng 6.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với thời điểm chính vụ. Riêng cải xanh trồng trong nhà lưới có giá từ 6.000-7.000 đồng/kg, tính ra nông dân lãi từ 35-50 triệu đồng/ha, cao hơn làm lúa. Ông Lê Văn Trung, Giám đốc HTX Rau an toàn Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Hàng năm, cứ vào mùa lũ là giá rau màu thường tăng cao do nhiều nơi không trồng được. Ưu điểm của Bình Tân là nằm gần sông Hậu nên mực nước rút nhanh, cộng với vùng này có đê bao khép kín nên bà con canh tác rau màu như hành lá, bắp cải, khổ qua, khoai lang… cho thu nhập trung bình từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/ha; hiệu quả kinh tế khá cao…”.

Giảm lúa, tăng trái cây, rau màu và thủy sản

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt 3,76 triệu tấn, giá trị đạt 1,69 tỉ USD, giảm 16,4% về lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Do xuất khẩu giảm đã kéo giá lúa ở thị trường nội địa giảm theo, từ đó lợi nhuận của nông dân cũng bị tác động.

Trong khi xuất khẩu gạo giảm thì xuất khẩu rau, củ, quả lại tăng trưởng một cách ấn tượng. Tính đến hết tháng 9-2016, kim ngạch xuất khẩu rau, củ, quả đã đạt 1,8 tỉ USD, tăng trên 130% so với cùng kỳ năm ngoái và lần đầu tiên đã vượt kim ngạch xuất khẩu gạo. Với hàng loạt đơn hàng từ nay đến cuối năm, xuất khẩu rau, củ, quả của nước ta hoàn toàn có thể hướng tới mốc 2,5 tỉ USD. Đây là sự tăng tốc ngoạn mục. Theo ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, gần đây diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, nước mặn sẽ tiếp tục lấn sâu vào đất liền và cây lúa bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngoài ra, giá lúa hiện đang đi xuống trong khi giá trái cây lại tăng mạnh và xuất khẩu trái cây rất ấn tượng. Hiện tại, những nông dân trồng bưởi da xanh ở Sóc Trăng có lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần cây lúa; giá 1kg tôm cũng cao hơn nhiều so với 1kg lúa… Vì vậy, Sóc Trăng không yêu cầu nông dân trồng lúa bằng mọi giá, mà nên tính toán chuyển đổi cơ cấu hợp lý theo điều kiện từng nơi và nhu cầu thị trường. Chủ trương là giảm lúa, tăng cây ăn trái, nuôi thủy sản…”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, do giá trị kinh tế của cây lúa không cao nên tới đây cây lúa sẽ phải “lùi lại”. Cây ăn trái, nuôi thủy sản… rất triển vọng và có thể giúp nông dân làm giàu, vì vậy ngành nông nghiệp cần tập trung phát triển các sản phẩm này nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ nhu cầu xuất khẩu, tăng hiệu quả cho nông dân…

Cũng theo Bộ NN&PTNT, trong 3 năm gần đây, các tỉnh ĐBSCL đã chuyển khoảng 78.375ha đất lúa sang trồng rau màu và cây ăn trái. Nhiều diện tích chuyển đổi tăng hiệu quả kinh tế từ 20-30% so với trồng lúa, riêng trồng bắp ở An Giang và Đồng Tháp lợi nhuận cao gấp 1,5-1,8 lần trồng lúa…

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>