Nhiều chính sách mới từ MeKong – Cane

28/10/2016 | 08:01 GMT+7

Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) vừa thành lập Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp MeKong (MeKong - Cane) nhằm tiến tới xây dựng vùng mía nguyên liệu ổn định, đảm bảo cung ứng sản phẩm cho 3 nhà máy đường của Casuco hoạt động có hiệu quả. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang xoay quanh phương thức hoạt động của công ty, ông Võ Quân Vũ (ảnh), Phó Giám đốc MeKong - Cane, cho biết:

- Mục đích của việc thành lập MeKong - Cane là Casuco muốn thực hiện đầu tư trực tiếp tại vùng mía nguyên liệu của công ty thông qua các hình thức hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật canh tác và triển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người trồng mía để có năng suất và chữ đường tốt nhất trước khi đưa sản phẩm về nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, MeKong - Cane sẽ phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ trồng mía; đồng thời trực tiếp thu mua mía nguyên liệu tại rẫy và nhà máy.

Trước hết là nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho 3 nhà máy đường của Casuco hoạt động là Xí nghiệp đường Vị Thanh, Nhà máy đường Phụng Hiệp và Nhà máy đường Cà Mau, với tổng công suất ép từ 7.500-8.500 tấn mía cây/ngày. Ngoài ra, tới đây MeKong - Cane còn tổ chức xây dựng vùng mía nguyên liệu rải vụ và điều phối nhịp nhàng trong khâu thu hoạch mía để 3 nhà máy đường kể trên của Casuco đủ mía ép trong vụ sản xuất, giảm thiểu trường hợp phải ngừng sản xuất do thiếu mía, đảm bảo duy trì sản xuất liên tục từ 180-200 ngày/năm.

Khi MeKong - Cane thành lập thì người trồng mía sẽ được thụ hưởng những quyền lợi gì so với trước đây, thưa ông ?

- Sau khi được thành lập, MeKong - Cane sẽ thay mặt Casuco đứng ra thu mua trực tiếp mía nguyên liệu khi bà con hoặc thương lái chở đến nhà máy. Trường hợp người dân không có điều kiện chở mía đến nhà máy, thì MeKong - Cane sẽ hỗ trợ ghe đến thu mua mía tại rẫy nhằm giảm chi phí trung gian và tăng lợi nhuận cho gia đình họ. Mặt khác, MeKong - Cane sẽ chịu trách nhiệm về việc đo chữ đường với Casuco. Cho nên người dân không phải chờ đợi giao mía và lo sợ chữ đường khi bán mía tại các nhà máy của Casuco như trước đây.

Ngoài ra, để góp phần hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng mía và có thể gắn bó lâu dài với Casuco, tới đây, cán bộ kỹ thuật của MeKong - Cane sẽ triển khai việc hướng dẫn nông dân quy trình canh tác mía khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới, từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Qua đó, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân công lao động như hiện nay, cũng như đầu tư giống mía và phân bón tốt cho bà con.

Xin ông cho biết cụ thể hơn về hình thức mà MeKong - Cane sẽ đầu tư cho người dân ở niên vụ mía 2017-2018 tới ?

- Khi bước vào niên vụ mía 2017-2018 tới, người dân sẽ được MeKong - Cane đầu tư gồm: giống mía, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, với giá trị tối đa 30 triệu đồng/ha. Trong đó, giống mía người dân tự mua, MeKong - Cane chỉ nghiệm thu và thanh toán tiền không vượt định mức 12 triệu đồng/ha; về phân bón, MeKong - Cane sẽ mua phân bón chính hãng tại một số công ty, hoặc nhà máy và cung cấp lại cho nông dân theo số lượng, chủng loại đã đăng ký, nhưng không vượt định mức 15,6 triệu đồng/ha; về thuốc bảo vệ thực vật, cũng do người nhận đầu tư tự mua, MeKong - Cane chỉ nghiệm thu và thanh toán tiền, nhưng không vượt định mức 2,4 triệu đồng/ha.

Tới đây, cán bộ kỹ thuật của MeKong - Cane sẽ góp phần cùng bộ phận khuyến nông của Casuco chuyển giao tiến bộ khoa học đến người trồng mía.       

Còn về hình thức thu hồi vốn được MeKong - Cane thực hiện ra sao, thưa ông ?

- MeKong - Cane sẽ thu hồi chi phí đầu tư bằng sản phẩm mía thu hoạch vào cuối vụ, đồng thời người dân phải đảm bảo bán mía cho MeKong - Cane ít nhất 50 tấn/ha, số lượng còn lại nông dân có thể bán cho người khác. Thế nhưng, MeKong - Cane luôn mong muốn bà con bán hết mía cho công ty. Về hình thức bán, người dân vận chuyển mía ra các nhà máy đường thuộc Casuco để bán cho MeKong - Cane theo chữ đường. Còn giá được áp dụng theo thông báo của các nhà máy tại thời điểm bán. Trường hợp người dân không có phương tiện vận chuyển thì MeKong - Cane sẽ hỗ trợ phương tiện cho bà con đưa mía ra nhà máy.

Thưa ông, những đối tượng và vùng mía ở địa phương nào sẽ được MeKong - Cane đầu tư trong vụ mía tới ?

- Đối tượng là nông dân thuộc các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã trồng mía, nông dân sản xuất mía giỏi, uy tín và có tâm huyết gắn bó với cây mía. Trong đó đặc biệt ưu tiên đối với các thành viên của câu lạc bộ trồng mía đạt năng suất 200 tấn/ha/năm do Casuco sáng lập. Về địa điểm đầu tư, sẽ được thực hiện tại các vùng mía nguyên liệu của Casuco như: huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh (Hậu Giang), huyện Gò Quao và U Minh Thượng (Kiên Giang), huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

Theo phân tích của lãnh đạo công ty, MeKong là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), còn Cane là cây mía. Sở dĩ đơn vị lấy tên là MeKong - Cane nhằm thể hiện mong muốn rằng tới đây, công ty không chỉ đầu tư phát triển cho cây mía ở Hậu Giang, mà cho cả vùng ĐBSCL. 

 

Xin cảm ơn ông !

HỮU PHƯỚC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>