Đừng sợ... học trung cấp !

28/10/2016 | 07:53 GMT+7

Đổi mới cách học bằng việc theo dõi, nghiên cứu kiến thức thực tế từ doanh nghiệp và liên kết với doanh nghiệp để tổ chức hội thi kiểm tra kiến thức học viên, đã giúp người học trung cấp vững vàng hơn khi ra trường. Trường Trung cấp nghề tỉnh tiên phong thực hiện hoạt động này.

Sau thực tập, học viên có báo cáo trước doanh nghiệp và nhà trường về đề tài của mình.

Ghi chép lại tỉ mỉ từng lượng thức ăn, nêu cụ thể được ưu điểm, nhược điểm của sản phẩm úm heo cai sữa S080… đã giúp bài báo cáo của Đào Quốc Toàn, học viên lớp thú y K7B-8A được đánh giá cao. Toàn có 2 tháng thực tập tại trại heo ở tỉnh Tiền Giang và thực hiện Đề tài Hiệu quả của heo cai sữa khi sử dụng sản phẩm S080 của Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp SINGA một cách thực tế chứ không phải trên giấy. Toàn chia sẻ: “Sản phẩm úm heo cai sữa S080 được sử dụng cho heo con khi bắt đầu tách mẹ. Tác dụng chính của sản phẩm là tăng cường sức đề kháng, sưởi ấm cho heo con khi bắt đầu tách khỏi mẹ để cai sữa. Nếu điều kiện đủ ấm, sản phẩm sẽ chuyển thành năng lượng tăng trưởng để cung cấp cho heo. Qua thời gian trực tiếp nuôi heo tại trang trại, để tìm hiểu quá trình phát triển của heo khi sử dụng sản phẩm dinh dưỡng, em học được rất nhiều. Cụ thể như cách tính tỷ lệ thức ăn cho heo sao cho hợp lý, cách tính hiệu quả kinh tế, cách nhận biết một số bệnh thường gặp…”. Không chỉ với Toàn, các học viên đến với nghề thú y đặc biệt là học viên sắp ra trường, cách học này rất có ý nghĩa. Vì từ quá trình thực tập đã giúp người học xác định được khả năng của mình, định hướng xin làm việc ở đâu khi ra trường.

Học viên đi thực tập sẽ được hỗ trợ sản phẩm chăn nuôi, đến tiếp cận với trang trại chăn nuôi và được làm một người chăn nuôi thực thụ. Khi nghiên cứu Đề tài Nâng cao hiệu quả tạo sữa - chống run chân trên heo nái, nuôi con bằng chế phẩm S200, Đặng Hoài Thương, lớp thú y K7B-8A, nói: “Sản phẩm em nghiên cứu chủ yếu dành cho heo mẹ với công dụng chính là giúp heo mẹ tạo sữa và giúp cho heo con lớn nhanh. Trước giờ ở trường em chỉ được học kiến thức lý thuyết và thực hành tại trường thôi. Khi đi nghiên cứu tại trại heo, ngoài học được kiến thức chăn nuôi trực tiếp, em còn có cơ hội tìm hiểu sâu về các loại thức ăn, thực phẩm dinh dưỡng cần thiết ở mỗi giai đoạn sinh trưởng của vật nuôi, đặc biệt là heo”.

Là doanh nghiệp trực tiếp giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ nhà trường cho học viên đi thực tập, ông Phạm Công Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp SINGA, chia sẻ: “Sau thời gian làm việc và tiếp xúc với trường, chúng tôi nhận thấy học viên ở đây còn thiếu một số yếu tố cần thiết đối với ngành học. Trong khi đó, những yếu tố trên phía công ty có thể hỗ trợ được. Vì vậy, chúng tôi quyết định chọn trường để liên kết tài trợ, nhằm giúp các em ở đây được thực tập, trải nghiệm và vận dụng những kiến thức đã học vào đời sống. Cũng như qua đây, chúng tôi mong muốn các em có thể phát huy được tinh thần tự học và tự đánh giá chính mình. Vừa rồi, ngoài giới thiệu sản phẩm của công ty để các em tìm hiểu hiệu quả sử dụng thực hiện báo cáo, chúng tôi còn hỗ trợ nhà trường thành lập khu thực nghiệm nuôi gà. Theo đó, chúng tôi hỗ trợ chi phí để mua 200 con gà giống và hỗ trợ thêm các loại thuốc, sản phẩm dinh dưỡng… do công ty sản xuất. Học viên của trường chỉ bỏ công chăm sóc để từ đó học hỏi được kiến thức thực tiễn thôi”.

Được biết, qua 4 tháng nghiên cứu tại trang trại chăn nuôi của doanh nghiệp, đã tạo cơ hội cho học viên của Trường Trung cấp nghề tỉnh, có nhiều cơ hội cọ xát trực tiếp ngành học hơn. Đánh giá về kết quả này, ông Triệu Văn Tám, Phó Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết: “Đây là lần đầu tiên nhà trường và doanh nghiệp tổ chức liên kết theo hình thức cho các em trải nghiệm thực tế và đúc kết kinh nghiệm qua làm báo cáo từ hội thi báo cáo nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi. Không chỉ tạo được cơ sở vững chắc cho học viên khi ra trường mà còn giúp các em có điều kiện tiếp cận nghề mình được học nhiều hơn”.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>