Hệ lụy sau những vụ ly hôn

28/10/2016 | 07:41 GMT+7

Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2016, huyện Phụng Hiệp có 342 trường hợp ly hôn, tăng gần 100 vụ so với cùng kỳ. Mấy ai nghĩ rằng, đằng sau những cuộc chia tay ấy là bao hệ lụy cho con trẻ phải lặng nhìn gánh lấy...

Sau ly hôn, những đứa trẻ sẽ có một tương lai bất định ? Ảnh: NGỌC ANH

Ly hôn ở huyện Phụng Hiệp hiện đang có xu hướng trẻ hóa. Trong số các vụ ly hôn trên thì độ tuổi từ 20-33 chiếm 95%, và nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn cũng ngày một… đơn giản hơn.

Ông Bùi Đức Thắng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Nhiều trường hợp các cặp vợ chồng đến với nhau do mai mối, chưa tìm hiểu kỹ nên khi về chung sống dễ nảy sinh bất hòa. Và khi mâu thuẫn phát sinh, người vợ thường bỏ về gia đình cha mẹ ruột dẫn đến ly thân thời gian dài. Trong số vụ ly hôn mà tòa thụ lý những tháng đầu năm, người vợ luôn chủ động nộp đơn ly hôn, tỷ lệ khoảng 80%”.

Trong số những vụ ly hôn xảy ra ở huyện 9 tháng qua, có đến 95% vụ do bất đồng quan điểm, hay người chồng, người vợ không chí thú làm ăn.

Chị B., ở ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, sau khi ly hôn đã gởi lại con cho bà ngoại nuôi dưỡng. Bà ngoại đứa bé cho biết: “Vợ chồng nó trước khi đến với nhau đã có thời gian yêu thương, nhưng khi về sống chung chưa đầy một năm thì bắt đầu xảy ra mâu thuẫn. Chồng nó vì còn trẻ, ham vui nên không chí thú làm ăn, suốt ngày ăn chơi lêu lổng. Sự việc đến đỉnh điểm khi cả hai cùng nhau ra tòa, lúc ly hôn, cháu tôi chưa đầy 6 tháng tuổi. Mặc dù gia đình hai bên có khuyên nhủ nhằm giúp hai vợ chồng hàn gắn vết thương lòng để cùng xây dựng gia đình, lo cho con nhưng không thành. Giờ để có tiền nuôi con, nó phải đi làm ăn xa rồi gởi tiền về”.

Một thực tế là khi cha mẹ ly hôn, trẻ thường phải sống với mẹ, cha hoặc nhờ ông bà nuôi nấng. Do sống trong sự thiếu hụt về tình cảm nên các trẻ dễ rơi vào chán nản, suy sụp tinh thần, bỏ học; không ít những trường hợp rơi vào phạm tội ở tuổi vị thành niên.

Được sự giới thiệu của cán bộ ấp, chúng tôi tìm đến hoàn cảnh của chị Phạm Thị Thu N., ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng. Vợ chồng chị cũng ly hôn vì những bất đồng trong cuộc sống gia đình.

Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Phạm Thị B., mẹ ruột chị N., cho biết: “N. là con gái lớn trong gia đình, kết hôn khi vừa tròn 18 tuổi. 11 năm chung sống với chồng, có với nhau 2 đứa con, nhưng vợ chồng nó thường xuyên lục đục. Hai năm trước, do không có đất đai canh tác nên vợ chồng kéo nhau lên Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Tưởng có việc làm ổn định thì cuộc sống sẽ thoải mái hơn, nhưng do con rể mê cờ bạc, đá gà lại hay ghen tuông dẫn đến mâu thuẫn, cự cãi thường xuyên. Cuộc sống ngày càng đi vào bế tắc nên con tôi quyết định nộp đơn ra tòa yêu cầu ly hôn và giành quyền nuôi hai con”.

Để cuộc sống 3 mẹ con ổn định, sau ly hôn, chị N. gởi lại con cho bà ngoại nuôi dưỡng rồi tiếp tục lên thành phố tìm việc mưu sinh. Đứa con trai lớn của chị N. đang học lớp 5, nhưng khi cha mẹ chia tay thì học hành trở nên sa sút. Nhìn hai cháu mà bà B. không cầm được nước mắt…

“Lúc cha mẹ nó còn chung sống với nhau, gia đình hòa thuận, cháu lớn học rất giỏi, nhưng khi cha mẹ chia tay, nó buồn lắm, ít nói hẳn đi. Học hành thì ngày một xuống dốc, có khi còn bỏ học. Cha của nó thì giờ đã tìm được hạnh phúc mới, còn mẹ nó thì vẫn bươn chải lo cuộc sống hàng ngày. Với tình trạng như thế không biết tương lai của hai cháu sẽ như thế nào?”, bà B. buồn bã nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Thời gian qua, hội cũng đã nhận thấy vấn đề này nên qua các cuộc họp chi hội, tổ nhóm ở địa phương cũng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các chị để có hướng giúp đỡ. Thông qua những chương trình được triển khai như Mái ấm tình thương hay giúp vay vốn phát triển kinh tế, chúng tôi mong chị em được thụ hưởng ở lại địa phương vừa nuôi dạy con trẻ, vừa phát triển kinh tế gia đình ổn định hơn.

Cũng theo bà Loan, để kéo giảm tình trạng ly hôn trong giới trẻ hiện nay, thời gian qua, hội cũng đã phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội xây dựng mô hình “Gia đình hạnh phúc” hay  tổ chức nhiều buổi tọa đàm về hôn nhân - gia đình. Ở những lần sinh hoạt mô hình hay tọa đàm, chị em được tư vấn về hôn nhân - gia đình, cách giải quyết những bất hòa trong cuộc sống, cách thức nuôi dạy con trẻ… Qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng ly hôn đang có xu hướng gia tăng như hiện nay.

THANH TRÚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>