Cải thiện thu nhập nhờ trồng rau, màu

27/10/2016 | 08:11 GMT+7

Trong những năm gần đây, tổng giá trị ngành trồng trọt ở huyện Châu Thành A có chiều hướng gia tăng, đáng kể là việc sản xuất rau, màu các loại. Điều này không chỉ giúp người dân cải thiện thu nhập, mà còn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp địa phương.

Bà Nguyễn Thị Vui, ở ấp Xáng Mới, xã Thạnh Xuân, đang cắt đọt bầu, xử lý cho trái đợt tiếp theo.

Theo ông Ngô Xuân Hiền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, từ đầu năm đến nay, giá các loại rau, màu như đậu que, bí đao, khổ qua, dưa leo… được các tiểu thương thu mua với giá cao và ổn định nên đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân ở các địa phương trong huyện. Điều đáng ghi nhận là tạo ra số lượng hàng hóa thực phẩm phong phú và đa dạng cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh quanh năm.

Bà Nguyễn Thị Vui, ở ấp Xáng Mới, xã Thạnh Xuân, chia sẻ: “Nhờ trồng rau, màu kết hợp với làm hơn 5 công ruộng mà gia đình tôi nuôi 2 con ăn học thành tài. Bởi nhiều năm qua, tôi luôn duy trì mô hình trồng chuyên canh rau, màu trên đất liếp vườn để thường xuyên có đồng vô đồng ra, chứ cái gì cũng trông chờ vào lúa thì kinh tế eo hẹp lắm!”. Vì lẽ đó, gia đình bà Vui trồng màu quanh năm, có khi còn tận dụng cả phần lề đất trống của tuyến Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) để trồng thêm quế, bầu, bí các loại. Cho nên cuộc sống gia đình bà giờ đã khấm khá hơn trước rất nhiều.

Bà Vui cho rằng, nếu như những năm trước, qua một đợt trồng màu, với diện tích trên 1.000m2 sau khi trừ đi chi phí sản xuất thì gia đình thu lãi hơn 8 triệu đồng. Song năm nay, bà ước tính phần thu nhập sẽ tăng lên nhờ giá rau, màu bán ở mức cao. Cụ thể, cứ cách vài ba hôm, giàn bầu gần 1 công đất có thể hái hơn 50 trái, bán giá 10.000 đồng/trái; quế mỗi lần cắt từ 7-10kg, cân cho tiểu thương khoảng 20.000 đồng/kg. Do đó, tính từ đầu vụ thu hoạch đến giờ đã hơn 1 tháng, với tổng nguồn thu hơn 10 triệu đồng và sẽ còn thu hoạch kéo dài nhiều ngày nữa.

Tương tự, ông Nguyễn Văn A, ở ấp 2A, xã Tân Hòa, cũng thừa nhận rằng hiện giờ, hộ dân nào trồng rau, màu với diện tích nhiều là trúng lớn, vì thị trường bán rất chạy. Theo đó, 1 công dưa leo của ông sau mỗi đợt thu hoạch trên 100kg nên không đủ cung cho các tiểu thương. Mặc dù, tại thời điểm này, dưa leo cân với giá khoảng 7.000 đồng/kg, tăng hơn 3.000 đồng/kg so với vài tháng trước nhưng ông vẫn thấy tiếc. Với giá bán hấp dẫn, ông A ước tính sau khi trừ đi các khoản chi phí, vụ dưa này sẽ cho lợi nhuận hơn chục triệu đồng.

“Trong đợt Tết Nguyên đán năm nay, gia đình tôi sẽ mạnh dạn lên liếp 1 công đất còn lại trồng rau, màu để góp phần phát triển kinh tế gia đình. Dù cân 5.000 đồng/kg dưa leo, khổ qua nhưng cũng sống khỏe hơn làm lúa”, ông A dự tính. Tuy nhiên, trồng rau, màu đòi hỏi người dân phải chăm sóc kỹ, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật. Một mặt để giữ vững năng suất và sản lượng ổn định, hạ thấp giá thành sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Mặt khác, hạn chế tình trạng bị thất thu do chuột cắn phá, hay dịch bệnh xảy ra khi gặp thời tiết bất lợi.

Ông Ngô Xuân Hiền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, đánh giá: Bên cạnh hiệu quả tích cực mang lại thì việc sản xuất rau, màu của người dân trong huyện cũng gặp một số khó khăn nhất định. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân trồng không tập trung, manh mún, nhỏ lẻ, cho nên chưa có sản phẩm rau, màu mang tính đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, không có công ty, doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm nên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá cả, thị trường thường hay biến động.

“Trước mắt, ngành sẽ rà soát lại tình hình trồng rau, màu để cùng với các xã, thị trấn xây dựng lại vùng chuyên canh sản xuất, tạo thuận lợi trong việc cung cấp và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động và thành lập các tổ hợp tác, câu lạc bộ trồng rau, màu, cũng như hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm tạo tiền đề cho việc mời gọi và thu hút các doanh nghiệp đến ký hợp đồng thu mua và bao tiêu sản phẩm, góp phần tạo đầu ra ổn định cho người dân”, ông Hiền nhấn mạnh.

Từ đầu năm đến nay, ước tổng diện tích trồng rau, màu của huyện Châu Thành A đạt trên 3.000ha (tăng hơn 49ha), năng suất bình quân đạt 14,23 tấn/ha (tăng hơn 3 tấn/ha) so với cùng kỳ năm rồi.

 

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>