Băn khoăn hàng Việt

27/10/2016 | 07:29 GMT+7

Nếu như những ngày đầu triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt chỉ được biết đến nhiều ở khu vực thành thị thì đến nay đã lan tỏa về các vùng quê. Tuy vậy, để hàng Việt luôn là lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng cũng còn lắm khó khăn.

Sản phẩm khô (hàng Việt) bày bán tại Hội chợ Công thương (MDEC - Hậu Giang 2016).

Các ngả đường hàng Việt

Đã qua rồi cái thời người tiêu dùng mua chiếc áo, một cái thau “Made in Trung Quốc” vì lý do duy nhất giá rẻ, mã đẹp trong khi hàng trong nước không có. “Tôi còn nhớ rất rõ, khoảng chừng chưa đầy chục năm về trước, tôi xách giỏ đi chợ tìm mua con dao gọt trái cây. Nhìn trên quầy thì thấy toàn hàng Thái hoặc hàng Tàu, bởi có lẽ khi đó mình chưa sản xuất được con dao inox dù giá chỉ 10.000 đồng. Thế mà, giờ bỏ ra 5.000-10.000 đồng, tôi có thể mua đúng con dao ấy nhưng do người Việt mình sản xuất. Điều hay là không phải hàng đổ ngoài “chợ trời” mà ngay cả siêu thị cũng có bán”, bà Lê Thị Câu, người dân ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho biết.

Ngay tại thành phố Vị Thanh hay thị xã Ngã Bảy, nơi đang hình thành rất nhiều cửa hàng, cửa hiệu quần áo, thời gian gần đây liên tục xuất hiện các hãng thời trang thiết kế của doanh nghiệp trong nước luôn được khách hàng ưa chuộng. Chị Trần Hải Ngọc Lý, chủ một cửa hàng kinh doanh sản phẩm may mặc tại thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh mặt hàng quần áo vài năm nay, chủ yếu là quần áo công sở, quần áo gia đình. Hàng Việt Nam trong cửa hàng tôi đã chiếm hơn một nửa”. Cũng theo chị Lý, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt sản xuất sản phẩm may mặc với giá cả hợp lý. Người tiêu dùng hiện nay có một bộ phận lớn thường xem nhãn mác là hàng của ta hay của Trung Quốc rồi mới mua và có xu hướng ưu tiên cho hàng trong nước. 

Theo Sở Công thương Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, dù không được Bộ Công thương hỗ trợ thực hiện các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, nhưng tỉnh vẫn vận động các doanh nghiệp, đại diện là hệ thống siêu thị Co.opMart tổ chức các chuyến bán hàng lưu động cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa. Còn tại các chợ, nếu như trước đây, hàng Việt chỉ chiếm một phần khá khiêm tốn thì đến thời điểm này, trên các hệ thống phân phối hàng hóa ở hầu hết các tỉnh, thành, lượng hàng Việt đã chiếm đến 80-90%.

Theo Hội Nông dân tỉnh, điều đáng mừng là doanh nghiệp đã chú trọng hơn với thị trường nông thôn, nơi nhiều người dân có thu nhập thấp nhưng nhu cầu mua sắm hàng Việt cao. Đấy chính là cơ sở để đánh giá cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có hiệu ứng tốt.

Còn nhiều trăn trở

Băn khoăn lớn nhất của người tiêu dùng lẫn tiểu thương là làm cách nào để phân biệt đâu là hàng Việt chất lượng, đâu là hàng kém chất lượng, hàng gian, hàng giả tràn ngập như hiện nay. Điều mà người tiêu dùng mong mỏi là các nhà sản xuất phải làm ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng, giá cả hợp lý, hệ thống phân phối thuận tiện, quan tâm đến chế độ hậu mãi cho người dùng. Bên cạnh đó, người sản xuất phải thành thực, sản xuất ra những mặt hàng chất lượng, đúng tiêu chuẩn. Những cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng. Chứ người tiêu dùng có thông minh đến mấy cũng không thể tự bảo vệ mình trong thời điểm hàng hóa kém chất lượng nhiều như hiện nay.

Ông Huỳnh Hữu Kế, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cho rằng sau nhiều năm triển khai, cuộc vận động đã bước đầu đạt được nhiều thành quả. Cuộc vận động trở thành cơ hội để doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường nội địa, người tiêu dùng dần nâng cao ý thức khi chọn lựa và tin dùng sản phẩm hàng Việt uy tín, chất lượng... Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý thích hàng ngoại, cho rằng hàng ngoại chất lượng cao hơn hàng sản xuất trong nước. Tuy vậy, đây vẫn là quyền của người dân, nhưng để người Việt thật sự ưu tiên dùng hàng Việt thì điều quan trọng nhất phải là chất lượng sản phẩm, từ đó mới nâng cao sức cạnh tranh của mình.

Còn theo Hội Nông dân tỉnh, nếu cùng một chủng loại, cùng một loại hàng nhưng hàng trong nước sản xuất ra chất lượng kém hơn, giá bằng hoặc cao hơn, dịch vụ, phục vụ phiền hà hơn trong khi hàng ngoại ưu thế hơn thì làm sao vận động được người dân ưu tiên dùng hàng Việt. Gốc gác vấn đề vẫn là nâng cao được trình độ của nhà sản xuất, ít nhất là bằng so với bên ngoài. Có như thế hàng hóa Việt Nam mới cạnh tranh được với hàng ngoại nhập và khi đó mới vận động được người Việt dùng hàng Việt.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp thông tin, giới thiệu những sản phẩm đúng chất lượng đến với người tiêu dùng còn ít. Đây cũng là một phần nguyên nhân làm cho tình trạng hàng nhập lậu giá rẻ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn khá phổ biến, gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho biết: Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cần thực hiện bền vững, lâu dài hơn nữa, đồng thời doanh nghiệp và địa phương cũng phải tạo lập được kênh phân phối hàng hóa vững chắc để đưa hàng Việt về với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ở góc độ Sở Công thương, đơn vị tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ kinh phí xây dựng các chương trình bán hàng Việt đến người dân. Bởi, không chỉ tuyên truyền vận động ý thức người dân mà phải để hàng Việt thật sự “cắm rễ” ở thị trường nội địa.

Bên cạnh việc rà soát các cơ chế, chính sách, tổ chức kênh bán hàng linh hoạt, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của các ngành, đơn vị, người tiêu dùng về ý nghĩa, biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, góp phần phát triển nền kinh tế ổn định, bền vững.

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>