Hứa hẹn với nguồn giống cá rô phi đực hóa

27/10/2016 | 07:26 GMT+7

Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ đực hóa cá rô phi bằng phương pháp ngâm trong nước có pha hormone 17alpha - Methyltestosterone” do kỹ sư Lê Đào Minh Tâm, Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang làm chủ nhiệm, đã khẳng định hiệu quả bước đầu, đồng thời hứa hẹn bước tiến đầy tiềm năng cho mô hình thả nuôi loài cá này.

Kỹ sư Lê Đào Minh Tâm, Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang bên bể bố trí nuôi cá bố mẹ và cá giống rô phi đực hóa.

Hiện nay, bên cạnh việc thu hẹp “đường bơi” của một số loại cá xuất khẩu chủ lực trong nước nói chung và Hậu Giang nói riêng như: cá tra, cá thát lát thì vấn đề sản xuất con giống lươn đồng, cá rô phi, chạch lấu... đang là hướng đi mới, góp phần vực dậy ngành thủy sản tỉnh nhà. Xuất phát từ thực tế đó, kỹ sư Lê Đào Minh Tâm thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật từ Quảng Ninh về việc xử lý đực hóa cá rô phi bằng phương pháp mới nhằm tạo ra con giống vượt trội, phục vụ tốt cho vùng nuôi cá nguyên liệu trong và ngoài tỉnh.

Kỹ sư Tâm cho biết: “Để thực hiện thành công, từ tháng 10-2015, tôi đã phải bố trí khoảng 500 con cá bố mẹ, trong đó có khoảng 200 con cá rô phi đực, rồi sau đó tiến hành cho sinh sản tự nhiên trong ao đất, thu bột đưa lên bể trong nước có pha hormone 17alpha - Methyltestosterone với thời gian nhất định (nhiệt độ trong nước đảm bảo từ 290C trở lên). Nhờ vậy, tỷ lệ đực hóa cá rô phi hiệu quả đạt trên 92%”. Tuy nhiên, cá rô phi là loài cá có quá trình động dục nhanh, thời gian từ 10-15 ngày là bắt đầu mang trứng và cho sinh sản. Chưa kể, quá trình sinh sản cá rô phi chỉ xảy ra khi sống trong môi trường có nguồn nước mới.

Cũng theo bà Tâm, việc đực hóa cá rô phi bằng cách ngâm thuốc đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế lẫn xã hội khá cao. Bởi hiện tại, các thương lái cân cá rô phi không dưới 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, việc xử lý đực hóa cá rô phi có giá thành sản xuất khoảng 71,86 đồng/con, giảm từ 19-24 đồng/con so với cá được đực hóa bằng phương pháp trộn thuốc vào thức ăn. Ngoài ra, sức sống cá tốt, phát triển nhanh hơn cá rô phi cái. Nhất là rút ngắn thời gian nuôi khoảng 5 tháng là có thể xuất bán cá thương phẩm.

Mặt khác, đầu cá nhỏ, thịt cá dày, tỷ lệ phi lê cao nên khả năng cạnh tranh trên thị trường lớn. Đặc biệt, đàn cá có khả năng thích nghi với biên độ mặn của nước khoảng 12‰, giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình nuôi lồng bè trên sông. Trong khi đó, phương pháp này vừa rút ngắn thời gian ương giống, vừa không phải trực tiếp sử dụng hóa chất, an toàn cho người tham gia sản xuất. Điều quan trọng là thời gian cho cá ăn không dài, tiết giảm được nguồn thức ăn dư thừa, hạn chế gây ô nhiễm đến môi trường nước mặt.

“Sau khi bố trí sản xuất cá giống thử nghiệm xong, tôi có để lại tại trung tâm 20.000 con cá giống, cũng như xuất bán cho người dân ở Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) khoảng 20.000 con để tiến hành nuôi cá thịt. Sau 5 tháng nuôi tiếp theo, tôi sẽ đánh giá cụ thể hơn về kết quả năng suất mà đàn cá rô phi mang lại. Trên cơ sở các địa phương khác nuôi thương phẩm thì năng suất cá rô phi đực hóa đạt cao”, kỹ sư Tâm thông tin thêm.

Thế nhưng, giải pháp đực hóa cá rô phi bằng phương pháp ngâm thuốc đòi hỏi nhiều kỹ thuật nghiêm ngặt, trong đó khâu quan trọng nhất là thu bột, ương cá giống, vì không cẩn thận, tỷ lệ hao hụt rất nhiều. Song giải pháp này cũng dễ áp dụng đại trà tại ao đất, hay bể nuôi, thậm chí có thể điều khiển được thời gian ương giống nhằm phục vụ cho những hộ dân có nhu cầu nuôi thương phẩm, phát triển kinh tế gia đình.

Cho nên tới đây, kỹ sư Tâm sẽ chuẩn bị và bố trí thêm 2 bể nuôi cố định, với đàn cá bố mẹ hơn 400 con để tiếp tục cho sản xuất con giống cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bởi khi đó, sản lượng ước tính không dưới 100 triệu con giống cá rô phi/năm.

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>