Bất lợi khi xuống giống lúa Đông xuân sớm

26/10/2016 | 09:01 GMT+7

Lúa mới gieo sạ bị vùi dập trong đất, hoặc nước ngập nhiều ngày gây chết giống hàng loạt do ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi trong thời gian gần đây, là tình cảnh mà không ít nhà nông trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt ngay ở giai đoạn đầu xuống giống vụ lúa Đông xuân 2016-2017.

Nông dân ở nhiều nơi đang tích cực bơm thoát nước cứu lúa Đông xuân mới sạ do ảnh hưởng mưa dầm.

Theo kế hoạch ban đầu của ngành nông nghiệp tỉnh, trong tháng 10 này, nông dân trên địa bàn Hậu Giang phấn đấu xuống giống khoảng 30.000ha lúa Đông xuân sớm nhằm tránh hạn, mặn vào cuối vụ. Tuy nhiên, trước tình hình mưa dầm trong những ngày qua nên ngoài việc khó đạt chỉ tiêu kế hoạch thì công tác xuống giống sớm còn gây không ít thiệt hại cho bà con nông dân.

Nhiều diện tích lúa “chết yểu”

Sau trận mưa lớn kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ vào đầu giờ chiều ngày 24-10 vừa qua, không chỉ làm ngập nhiều đoạn đường tại thành phố Vị Thanh mà còn nhấn chìm hàng ngàn héc-ta lúa Đông xuân của nông dân mới gieo sạ ở các địa phương trong tỉnh. Điển hình là cuối giờ chiều cùng ngày, trên cánh đồng lúa ở khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, nhiều tiếng máy dầu đang đồng loạt chạy ầm ĩ do hoạt động hết công suất nhằm nhanh chóng bơm thoát nước từ ruộng ra ngoài, kịp thời “giải cứu” hơn 180ha lúa được gieo sạ hơn 8 ngày của bà con nơi đây.

Gặp chúng tôi với vẻ mặt rầu lo khi đang trực máy bơm nước, ông Nguyễn Văn Tơ chỉ tay về phía 1ha ruộng của gia đình mình toàn là nước, xa xa phất phơ vài đọt lúa non yếu ớt, than: “Bà con khu vực này tính sạ sớm hơn mọi năm khoảng nửa tháng theo lịch thời vụ nhằm né hạn, mặn như dự báo của ngành chức năng, nhưng ai dè từ ngày đưa hạt giống xuống ruộng tới giờ thì gặp trời mưa liên tục, làm cho lúa chết hàng loạt nên tới đây chắc nặng công giặm lắm!”.

Theo nhẩm tính sơ bộ của ông Tơ, trong hơn 10 ngày qua, bà con cả cánh đồng nơi đây đã tốn gần 500 lít dầu để bơm nước cứu lúa. Tuy nhiên, do trời cứ mưa liên tục, cộng với việc ốc bươu vàng tấn công nên lúa bị chết loang lổ rất nhiều. “Hiện, ruộng của tôi thiệt hại khoảng 30%. Mặc dù máy dầu túc trực bơm liên tục trong nhiều ngày qua nhưng có ruộng của bà con xung quanh bị chết hơn 50%. Nếu tình trạng mưa lớn cứ tiếp tục kéo dài thế này thì mức độ thiệt hại sẽ còn nặng hơn nữa”, ông Tơ chia sẻ thêm.     

Cách cánh đồng lúa của ông Tơ không xa, nhiều bà con ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Cho nên họ đang đứng ngồi không yên vì lúa mới sạ đã chết khá nhiều, song tình hình trời mưa vẫn chưa dứt. Hiện có không ít bà con đã tranh thủ sạ lại nhằm nhẹ công giặm sau này. Đang sạ lúa lần hai cho 8 công ruộng của gia đình, anh Đỗ Văn Quý cho hay: “Lúa sạ 4 đêm rồi mà không thấy lên được bao nhiêu nên tôi ngâm thêm giống sạ lại đợt 2. Hy vọng mưa sẽ giảm trong những ngày tới, chứ mưa kiểu này thì có sạ thêm bao nhiêu lần cũng vô nghĩa. Mới đầu vụ mà gặp tình cảnh thế này nên năm nay, hộ nào sạ sớm chắc chắn chi phí sẽ đội lên ít nhất 2-3 triệu đồng/ha vì tiền mua lúa giống và xăng, dầu”.

Tiến độ xuống giống chậm trễ

Cũng do ảnh hưởng bởi mưa dầm nên tiến độ xuống giống lúa Đông xuân của người dân trong tỉnh có phần chậm trễ so với yêu cầu, đồng nghĩa với khả năng khó đạt khoảng 30.000ha theo kế hoạch ban đầu đề ra. Bởi đến nay, toàn tỉnh chỉ mới gieo sạ được hơn 4.000ha. Mặt khác, ở một số nơi, nông dân đã chuẩn bị đất, ngâm sẵn lúa giống, thậm chí có hộ lúa giống đã quá 3-4 ngày nhưng vẫn phải neo lại chưa dám gieo sạ xuống ruộng vào thời điểm này.

Ông Ngô Văn Hảo, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho hay: “Bà con xung quanh đã sạ gần hết nhưng tôi còn phân vân chưa dám xuống giống vì trời cứ mưa hoài, sợ đưa xuống ruộng rồi lỡ bị chết thì không còn lúa giống sạ lại. Bởi vụ này, tôi chỉ chuẩn bị lượng giống vừa đủ sạ cho 8 công ruộng của gia đình. Chính vì thế, tôi cố gắng đợi một hai bữa nữa xem sao. Hiện giờ, giống cũng mới đúng ngày sạ nên có thể neo lại vài hôm”.

Còn ông Đặng Hữu Tình, đang sạ 1,8ha lúa của gia đình nằm cặp ruộng ông Hảo, bộc bạch: “Do lúa giống đã quá ngày sạ 4 hôm rồi, mộng và rễ cũng ra dài nên buộc lòng phải xuống giống chứ không thể kéo dài hơn được nữa. Với tình hình mưa dầm, mực nước thì đang dâng cao như hiện nay, nhiều cánh đồng xung quanh đây chưa ai dám sạ, chỉ riêng khu vực này, với diện tích khoảng 50ha có đê bao tương đối kiên cố nên bà con mạnh dạn làm liều để thu hoạch trước Tết Nguyên đán”.

Nhằm ứng phó với tình hình mưa dầm, nhiều hộ dân quyết định xuống giống vào thời điểm này đã chọn giải pháp là sạ dày nhằm trừ hao phần lúa bị chết. Theo đó, người dân sạ bình quân từ 25-30kg giống/công (1.300m2), tăng 5-10 kg/công so với cách sạ trong điều kiện bình thường. Ngoài tăng lượng giống, một số hộ còn áp dụng biện pháp sạ ngầm để hạt giống khỏi bị mưa dập, lúa lên đều hơn.

Ông Lê Văn Thi, một trong những hộ sử dụng biện pháp sạ ngầm ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Sạ ngầm lúa ít bị chết khi gặp mưa dầm vì lượng giống nằm sâu trong nước. Sau 3-4 ngày sạ, tiến hành rút nước ra, khi đó lúa đã lớn nên không còn sợ trời mưa. Tuy nhiên, áp dụng biện pháp này thì bà con cần phải diệt ốc bươu vàng thật kỹ nếu không chúng sẽ ăn hết mộng lúa”.

Dù áp dụng biện pháp gieo sạ gì, nhưng trước tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay, việc xuống giống của nông dân vào thời điểm này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Văn Đời cho biết: Ngành đang khuyến cáo bà con chậm xuống giống nhằm hạn chế thiệt hại, chờ khi trời nắng trở lại sẽ đẩy nhanh tiến độ gieo sạ. Cho nên, giai đoạn xuống giống cao điểm có khả năng tập trung vào những ngày đầu tháng 11 tới. Riêng hộ nào đã lỡ ngâm giống thì tranh thủ lúc trời nắng gieo sạ, đồng thời thực hiện tốt việc đánh rãnh thoát nước trên đồng ruộng, cũng như đặt máy bơm trực sẵn sàng bơm thoát nước khi có mưa…

Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể của ngành chức năng, nhưng theo phản ánh của người dân và qua ghi nhận tình hình thực tế của chúng tôi, hiện có nhiều diện tích lúa Đông xuân xuống giống sớm ở giai đoạn từ 1-7 ngày tuổi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại từ 10-20% do mưa dầm, có ruộng hơn 50%, thậm chí có không ít hộ mất trắng phải gieo sạ lại.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>