Giúp nhau cùng phát triển

26/10/2016 | 08:58 GMT+7

Với tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, những năm qua, phong trào giúp nhau làm kinh tế của các chi, tổ hội nông dân ở huyện Phụng Hiệp ngày một phát triển. Qua đó, giúp nhiều nông hộ có điều kiện phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhờ phong trào giúp nhau trong sản xuất mà nhiều nông dân ở huyện Phụng Hiệp xây dựng được mô hình làm ăn hiệu quả.

Là một nông dân sản xuất giỏi, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Thạnh Mỹ C, xã Bình Thành, ông Lê Văn Hùng luôn xác định vai trò của mình trong tập hợp nông dân, cùng nhau liên kết tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2012, ông Hùng vận động người dân trong ấp thành lập Tổ hợp tác bơm nước với 13 thành viên, đến năm 2014 nâng lên thành hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với 21 thành viên, do ông làm chủ nhiệm. HTX ngoài dịch vụ bơm nước còn cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống chất lượng cao cho người dân trong ấp với giá thấp hơn thị trường từ 300-500 đồng/kg. Hoạt động của HTX đã góp phần giúp các xã viên tiết giảm chi phí sản xuất lúa từ 15-20%. Ông Hùng cho biết: “Sản xuất hiện nay rất khó khăn, chi phí luôn ở mức cao đã làm cho thu nhập của người dân ngày một ít đi. Vì vậy, chỉ có liên kết lại, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới giúp nông dân khá giả được. Mặt khác, khi liên kết, anh em có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, canh tác hiệu quả hơn làm ăn riêng lẻ”.

Là một trong những thành viên được ông Hùng tích cực giúp đỡ những ngày đầu tham gia HTX, anh Phan Hoàng Phương, ở ấp Thạnh Mỹ B, xã Bình Thành, thấy được những lợi ích từ việc liên kết sản xuất. Anh chia sẻ: “Lúc trước, khi sản xuất một mình, lúa bệnh thì mua thuốc xịt, có khi hiệu quả nhưng cũng có khi không, dẫn đến lúa giảm năng suất. Từ khi tham gia HTX, hàng tháng, hàng quý đều có họp rút kinh nghiệm. Ở đó, anh em nào có phương pháp sản xuất tốt thường chia sẻ với nhau, qua đó giúp mình có thêm kiến thức. Mặt khác, ngoài việc chuyển giao khoa học kỹ thuật thì HTX còn liên hệ mua giống hay phân, thuốc cho xã viên nên từ đó chi phí luôn thấp hơn các hộ dân sản xuất bên ngoài”.

Không chỉ giúp nhau trong sản xuất lúa, hiện nay những mô hình lấy ngắn nuôi dài trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng được khuyến khích nhân rộng. Theo thống kê của Hội Nông dân huyện, từ khi huyện phát động phong trào chuyển đổi cây trồng đến nay, toàn huyện đã giúp vốn, cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 3.000 hộ xây dựng được mô hình sản xuất bền vững. Những mô hình này là nơi giúp hội viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm tăng năng suất cây trồng. Mô hình trồng cam xoàn xen chuối xiêm của ông Nguyễn Thành Vân, ở ấp Hưng Phú, thị trấn Cây Dương, là một ví dụ.

Hơn một năm trước, nhờ được tham quan mô hình sản xuất giỏi do Hội Nông dân thị trấn Cây Dương giới thiệu, ông đã mạnh dạn chuyển đổi gần 1ha vườn tạp sang trồng cam xoàn xen chuối xiêm. Ông Vân cho biết: Cây cam xoàn nói riêng và cây có múi nói chung là loại chỉ thích hợp với ánh sáng tản nhiệt, không chịu được ánh sáng chiếu trực tiếp. Chính vì thế, cây chuối xiêm là phù hợp với vai trò che mát cho cam. Về hiệu quả kinh tế, chuối xiêm sau khi trồng khoảng 7 tháng bắt đầu có thu hoạch. Với diện tích hơn 1ha cam xen chuối, mỗi tháng thu nhập của ông cũng đạt hơn 10 triệu đồng. “Hiện nay, cam tuy chưa cho thu hoạch nhưng chuối xiêm thì cho hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập từ chuối xiêm sẽ giúp gia đình có điều kiện đầu tư, chăm sóc cho cây cam xoàn tốt hơn”, ông Vân cho biết.

Ông Trần Văn Nghiêm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: Hội viên nông dân của huyện hiện nay có trên 27.000, chiếm 14% dân số toàn huyện. Đây là lực lượng nòng cốt trong quá trình phát triển kinh tế ở một huyện nông nghiệp như Phụng Hiệp. Xác định được điều đó, thời gian qua, hoạt động của hội chủ yếu hướng về cơ sở, trong đó chú trọng nâng chất phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; thông qua việc chọn những mô hình điểm, có tính ứng dụng cao sẽ tổ chức cho các chi hội nông dân tham quan, chia sẻ kinh nghiệm để về cùng thực hiện.

Từ cách làm này, thời gian qua, nhiều hội viên đã xây dựng được mô hình làm ăn hiệu quả. Tính đến nay, toàn huyện đã công nhận trên 13.600 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có trên 1.000 hộ làm ăn cho thu nhập từ 100- 500 triệu đồng/năm”.

“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh củng cố, nâng chất các chương trình hành động gắn với các phong trào, nhiệm vụ lớn như: “Nông dân đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, góp phần cùng chính quyền địa phương tạo nên một diện mạo mới cho vùng quê nghèo Phụng Hiệp”, ông Nghiêm cho biết thêm.

Bài, ảnh: THANH DUY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>