Thu nhập tăng nhờ chuyển đổi cây trồng

25/10/2016 | 08:59 GMT+7

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, phát triển khá mạnh, từng bước tạo nên những vườn cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho các nhà vườn.

Nhiều nhà vườn ở xã Long Thạnh đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cam sành.

Khoảng 3 năm về trước, đất canh tác nông nghiệp ở xã Long Thạnh có khoảng 2.399ha, chủ yếu là cây lúa và mía. Thế nhưng, quá trình sản xuất cả 2 loại cây trồng đó thường gặp bấp bênh về giá cả, thị trường, đầu ra không ổn định. Từ đó địa phương đã mạnh dạn vận động người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như cam, quýt, bưởi, mít Thái.

Ông Phan Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết: Do cây lúa, cây mía đã gắn bó với vùng đất này bao đời nay nên thời gian đầu, công tác vận động người dân chuyển đổi gặp nhiều khó khăn. Vì thế, chúng tôi chỉ đạo cho các đoàn thể xuống tận cơ sở vận động người dân, cũng như chọn ra những mô hình hay, hiệu quả rồi tổ chức cho họ tham quan học hỏi. Nhờ vậy mà từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm đối với nhiều nông hộ.

Như trường hợp của hộ ông Võ Văn Đương, ở ấp Trường Khánh 2, xã Long Thạnh, với nhiều năm gắn bó với cây lúa, song cuộc sống không mấy khấm khá hơn. Từ đó, vào năm 2013, sau khi được chính quyền địa phương vận động, ông đã mạnh dạn chuyển 2 công lúa của gia đình sang trồng chanh không hạt. Vụ vừa rồi chỉ thu hoạch lứa trái chiếng nhưng đã mang về cho gia đình số tiền lời hơn 50 triệu đồng. Vườn chanh của ông Đương đang cho thu hoạch vụ thứ 2, với giá bán khá cao, khoảng 22.000-23.000 đồng/kg. Dự kiến năm nay, gia đình ông có thể thu về khoản lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Ông Đương chia sẻ: “Tôi chọn chanh không hạt vì đây là loại cây cho trái nhanh, sức đề kháng tốt với dịch bệnh, nhất là bệnh vàng lá gân xanh đang bùng phát mạnh trên những vườn cây có múi khác. Cụ thể, thời gian từ trồng đến thu hoạch khoảng 18 tháng, còn trái thì xử lý rải vụ quanh năm. Trung bình từ 10-15 ngày thu hoạch một lần nên người trồng chanh thường xuyên có được đồng vô đồng ra”.

Cách vườn chanh không hạt của ông Đương không xa là vườn cam sành gần 2ha đang trĩu quả được ông Phan Văn Thảo chăm chút cẩn thận. Ông Thảo cho biết: Vùng đất Long Thạnh này phù hợp với những loại cây có múi, đặc biệt là cây cam sành nên hiện tại người dân ở đây chuyển đổi sang loại cây trồng này rất nhiều. Bình quân 1 công cam cho năng suất khoảng 3 tấn/công, chỉ cần giá ổn định khoảng 20.000 đồng/kg như thời điểm hiện nay thì người trồng cam có thể thu về lợi nhuận trên 40 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng mía.

Ông Phan Minh Trí cho biết thêm: Chỉ tính riêng năm 2015, toàn xã có hơn 253ha đất sản xuất kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Với diện tích cây ăn trái tăng mạnh như hiện nay nên địa phương đang tiến hành quy hoạch xây dựng vùng trái cây đặc sản, phù hợp với từng khu vực trên địa bàn xã. Mặt khác, để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản thế mạnh trong thời gian tới, địa phương rất mong ngành nông nghiệp huyện thường xuyên quan tâm công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhà vườn.

Sau 3 năm thực hiện công tác chuyển đổi, hiện nay diện tích trồng cây ăn trái của xã Long Thạnh khoảng 753ha, trong đó có 92 mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Chính nhờ hiệu quả của công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại đã góp phần nâng thu nhập cho người dân của xã đạt 24,4 triệu đồng/người/năm, tăng 3,4 triệu đồng so với năm trước.

 

Bài, ảnh: THANH DUY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>