“Sức hút” nhà đầu tư

25/10/2016 | 07:33 GMT+7

Hậu Giang có vị trí địa lý thuận lợi, có các tuyến giao thông thủy, bộ quan trọng của tiểu vùng Tây Nam sông Hậu đi qua, đặc biệt với nhiều chính sách thông thoáng sẽ là vùng đất đầy tiềm năng để thu hút đầu tư.

Đã có nhiều nhà đầu tư đến Hậu Giang và hoạt động hiệu quả. Ảnh: K.ĐIỀU

Theo số liệu thống kê từ ngành chức năng, từ khi chia tách tỉnh đến nay, Hậu Giang thu hút trên 3.700 doanh nghiệp với tổng số vốn hơn 43.000 tỉ đồng, bình quân hàng năm có khoảng 310 doanh nghiệp đăng ký mới, trong đó doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng…

Về đầu tư trong nước, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 470 dự án, với tổng số vốn trên 121.500 tỉ đồng, gấp 7,4 lần so với năm 2004. Bình quân hàng năm cấp giấy chứng nhận đầu tư khoảng 60 dự án, với số vốn bình quân tăng hàng năm trên 8.000 tỉ đồng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong những năm qua, đã thu hút được 27 dự án, với tổng số vốn trên 807 triệu USD. Trong đó, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài là 15 doanh nghiệp, tổng vốn trên 642 triệu USD và 12 doanh nghiệp liên doanh, với tổng vốn trên 165 triệu USD. Số lượng và chất lượng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh và tính chuyên nghiệp cao. Môi trường đầu tư của Hậu Giang những năm qua không ngừng được cải thiện. Cụ thể, vào năm 2006, CPI của Hậu Giang nằm trong nhóm trung bình của cả nước thì hiện nay vươn lên nằm trong nhóm khá so với cả nước.

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, cho rằng: Những kết quả đã đạt được trong những năm qua trên thực tế chưa thật sự tương xứng với lợi thế và tiềm năng của tỉnh. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư (ngoài khu, cụm công nghiệp), xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp hoàn chỉnh. Phát triển nguồn lao động có tay nghề cho doanh nghiệp; phát triển nhân lực chuyên môn cao. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho người lao động tại doanh nghiệp, lực lượng lao động tại địa phương, đảm bảo theo yêu cầu lao động của các doanh nghiệp. Công khai minh bạch trình tự, quy trình thủ tục đầu tư, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh… kể cả công khai trên Cổng thông tin điện tử Hậu Giang và các sở, ngành liên quan. Tăng cường, chỉ đạo kịp thời công tác cải cách thủ tục hành chính, từng bước giảm hồ sơ trong thủ tục đầu tư nói chung.

Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên cập nhật và ban hành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư những lĩnh vực tiềm năng chưa khai thác. Đặc biệt là các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, tiềm năng phát triển, như: nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch. Vận dụng linh hoạt các chính sách của bộ, ngành, Trung ương trên cơ sở vừa phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đáp ứng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết nhanh chóng các kiến nghị của nhà đầu tư qua việc phân cấp và tập trung đầu mối cho các cơ quan chuyên ngành. Tăng cường công tác đối thoại và luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Khẩn trương thiết lập đường dây nóng, thư điện tử... công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận và giải đáp yêu cầu của doanh nghiệp. Tổ chức và nâng cao khả năng của hệ thống thông tin, dự báo và xử lý thông tin về thị trường, tăng cường công tác thị trường nước ngoài. Tiếp tục và tăng cường thực hiện đúng, đủ chính sách miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế suất, nhập khẩu để tạo tài sản cố định, hỗ trợ chi phí quảng cáo, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật…

Theo Sở Công thương Hậu Giang, thời gian qua tỉnh đã xây dựng ban hành nhiều cơ chế, chính sách, khuyến khích, ưu đãi kêu gọi đầu tư; thực hiện cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cùng với những thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh không ngừng phát triển, mở rộng về quy mô, lĩnh vực hoạt động. Hệ thống các cơ sở thương mại - dịch vụ cơ bản hình thành và phát triển, trong đó các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế quan tâm hơn và mạnh dạn đầu tư vào Hậu Giang. Đặc biệt đã thu hút được nhiều dự án phù hợp với nguồn lực của địa phương và hiện đã đi vào hoạt động tại các địa phương và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

Đại diện Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, nhận định: Hậu Giang là tỉnh được ưu tiên của Chính phủ trong đầu tư, vì vậy nhiều năm qua các hạ tầng được xây dựng khá tốt phục vụ cho quá trình phát triển. Các chính sách dành cho doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư tại Hậu Giang hầu như được ưu tiên mọi mặt. Đặc biệt, Hậu Giang được đánh giá cao nhất cả nước về chi phí gia nhập thị trường, các chỉ số về chi phí thời gian, cải cách thủ tục hành chính, thiết chế pháp lý… đều được đánh giá cao. Nổi bật là lãnh đạo tỉnh luôn được doanh nghiệp nhìn nhận năng động trong giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, đã và đang tạo dựng lòng tin cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ngoài ra, Hậu Giang là địa phương cách trung tâm thành phố Cần Thơ 40km nhưng lại có chi phí mặt bằng và lao động thấp nên rất thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng sản xuất, nhưng sinh hoạt và giao dịch tại Cần Thơ. Môi trường sống trong lành đang là một lợi thế và điều kiện tốt để doanh nghiệp đầu tư tại Hậu Giang phát triển các ngành công nghệ xanh, công nghiệp không khói như du lịch, công nghệ thông tin, các dịch vụ hậu cần… 

Trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng như hiện nay, việc tham gia thị trường thương mại hay thu hút đầu tư cần phải tính tới quy mô và những lợi thế, không chỉ dựa trên lợi thế so sánh, vốn hiện hữu, mà còn tính tới những lợi thế chiến lược địa chính trị từ các hiệp định mang lại. Do vậy, Hậu Giang được xem là những địa điểm có sức hút lớn cho doanh nghiệp khi tận dụng cơ hội phát triển mới.

H.THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>