Tổng thống Philippines thăm Trung Quốc

Dư luận trái chiều

21/10/2016 | 05:43 GMT+7

Chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhằm tìm giải pháp để cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia sau nhiều năm căng thẳng. Tuy nhiên, đây cũng là chuyến thăm gây ra nhiều dư luận trái chiều cả trong nước và quốc tế về chính sách đối ngoại của vị Tổng thống này.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Nguồn: EPA/TTXVN

Ngoài các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc là nước đầu tiên Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến thăm kể từ khi ông lên cầm quyền hồi tháng 6 vừa qua. Chuyến thăm của Tổng thống Duterte diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Trung Quốc - Philippines xấu đi sau vụ kiện giữa Manila đối với Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, với kết quả Tòa Trọng tài phán quyết Philippines thắng kiện. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc của một nhà lãnh đạo Philippines kể từ năm 2011. Theo kế hoạch, Tổng thống Duterte sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang. Tổng thống Duterte cho biết ông dự kiến sẽ trao đổi quan điểm về vấn đề cải thiện quan hệ song phương, thúc đẩy thương mại và đầu tư, xác định những lĩnh vực hợp tác giữa hai nước. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh đây là chuyến thăm “lịch sử” và sẽ trở thành “điểm khởi đầu mới” để quan hệ ngoại giao song phương quay trở lại lộ trình đối thoại.

Trước đó, hãng Reuters đưa tin, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố, ông sẽ đề cập tới phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) về Biển Đông với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà, đồng thời cam kết sẽ không từ bỏ bất kỳ chủ quyền nào hay đi chệch hướng khỏi phán quyết hồi tháng 7 vừa qua. Ông nhấn mạnh phán quyết cũng như những giới hạn của phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ được thảo luận, nhưng sẽ không có “đòi hỏi quá đáng” trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này.

Tuy nhiên, cả trong nước và quốc tế đều có những dư luận trái chiều nhau về chuyến thăm này. Ông Justice Antonio Carpio, một thành viên của Tòa án Tối cao Philippines, cảnh báo Tổng thống Duterte có thể bị luận tội nếu không bảo vệ được lãnh thổ Philippines khỏi sự xâm lấn của Trung Quốc, đặc biệt là ở Bãi Scarborough trên Biển Đông. Bởi lẽ như vậy là vi phạm Hiến pháp và có thể bị phế truất.

Tờ Defense One (Mỹ) cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với hy vọng đạt được các khoản viện trợ và những hợp đồng thương mại lớn. Nếu ông Duterte bất chấp thắng lợi tại Tòa Trọng tài khi từ chối nêu vấn đề bãi Scarborough tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Philippines coi như đã giao bãi Scarborough cho Trung Quốc để Bắc Kinh hoàn tất chiến lược lấn chiếm Biển Đông của mình. Mạng tin “National Interest”  cho rằng, Trung Quốc và Philippines đang hướng tới một thỏa hiệp có thể tạo ra rạn nứt lớn trong chính sách tái cân bằng của Mỹ đối với Đông Á. Trong đó, Philippines là cơ sở để Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là vũ khí kinh tế để Mỹ đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á.

Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, ông Duterte đã chỉ trích Mỹ “keo kiệt”, và nói “chỉ Trung Quốc mới có thể giúp được Philippines”. Đồng thời ông muốn Trung Quốc xây dựng một tuyến đường sắt nối thủ đô Manila với quê của ông là tỉnh Mindanao. Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã mạnh miệng gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hiệp Quốc là “ngu ngốc”, đồng thời cảnh báo sẽ làm bẽ mặt họ nếu chấp nhận lời mời tới Philippines điều tra về cuộc chiến chống ma túy tại quốc gia này.

Giới quan sát cho rằng thật khó đoán được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn gì trong quan hệ đối ngoại với Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên theo ông Andrew Shearer, chuyên gia kỳ cựu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS): “Nếu Trung Quốc thành công trong việc tách Philippines khỏi Mỹ, đây sẽ là một chiến thắng quan trọng trong chiến dịch lâu nay của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu các liên minh của Mỹ tại khu vực này”. Điều này đồng nghĩa với việc tái cân bằng ở Biển Đông theo kế hoạch của Mỹ bị phá vỡ hoàn toàn và nguy cơ Trung Quốc mở rộng lấn chiếm trái phép trên vùng biển này sẽ tiếp tục diễn ra.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>