Luật sư kiến nghị xử lý nghiêm vụ công an hành hung phóng viên

27/09/2016 | 15:21 GMT+7

Đã xảy ra nhiều vụ người thi hành công vụ là công an hành hung phóng viên, người dân. Tuy nhiên sự việc đã không được xử lý nghiêm dẫn đến “nhờn luật”

Theo thông tin truyền thông, ngày 3/9, một số phóng viên đến cầu Nhật Tân, Hà Nội để tìm hiểu về một vụ chết người, họ đang tác nghiệp bằng cách quay phim, chụp ảnh thì bị một số chiến sĩ công an huyện Đông Anh bảo vệ hiện trường ngăn cản không cho phóng viên tác nghiệp mặc dù họ đã xuất trình những giấy tờ hợp pháp chứng minh họ là nhà báo tuy nhiên một vài người trong số công an đang làm nhiệm vụ đã có những lời nói thô tục, có hành vi lao đến giật máy ảnh, hành hung đánh đập phóng viên đến chảy máu miệng, và còn dọa đánh tiếp nếu phóng viên không rời khỏi hiện trường.

Phóng viên Quang Thế (áo trắng) bị hành hung khi tác nghiệp tại khu vực cầu Nhật Tân.

Hiện trường vụ án không có biển cấm quay phim chụp ảnh hoặc biển yêu cầu nhà báo chưa được tác nghiệp, hành vi của một số chiến sĩ công an huyện Đông Anh đã phạm luật báo chí: cản trở phóng viên tác nghiệp hợp pháp, ảnh hưởng đến hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân vốn có truyền thống tốt đẹp.

Hành vi của cán bộ công an hành hung nhà báo, đánh nhà báo đến chảy máu miệng và đập máy ảnh là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, cùng lúc xâm phạm đến hai quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, đó là:

Quan hệ về tính mạng và sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người

Quan hệ sở hữu

Nếu người phóng viên đang thi hành nhiệm vụ bị hành hung mà sau khi giám định thương tật đến 11% thì người hành hung phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 104 BLHS.

Nếu máy ảnh của phóng viên bị đập hỏng có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì người cố tình đập hỏng cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại điều 143 BLHS. Ngoài ra họ còn vi phạm Luật Báo chí, đó là cản trở phóng viên tác nghiệp hợp pháp.

Trong thời gian vừa qua đã có nhiều vụ việc người thi hành công vụ là công an hành hung nhà báo, người dân, dư luận đã lên án mạnh mẽ nhưng vẫn xảy ra nhiều, nguyên nhân là do việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật còn nể nang, nương nhẹ. Có những vụ việc rõ ràng người thực thi công vụ vi phạm pháp luật hình sự nhưng không xử lý về hình sự mà xử lý bằng hình thức nhẹ hơn đó là xử lý hành chính nội bộ. Chính vì sự xử lý chưa nghiêm này dẫn đến tình trạng nhờn luật, theo đó dẫn đến những suy nghĩ cực đoan rằng “có vi phạm cũng không sao”!

Thiết nghĩ đã đến lúc cần phải siết chặt kỷ cương phép nước ở mọi cấp, mọi nơi có như vậy người dân mới an tâm, tin tưởng ở pháp luật./.

Theo Luật sư Nguyễn Đăng Quang (Văn phòng Luật sư Đăng Quang & Cộng sự)/vov.vn

 

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>