Nan giải bài toán thoát nước đô thị: Bài 3: Bao giờ hết ngập ?

26/09/2016 | 08:23 GMT+7

Trong khi hệ thống thoát nước đã cũ kỹ, không bắt kịp với tốc độ phát triển đô thị nên đã khiến cho trung tâm thành phố Vị Thanh ngập úng nhiều nơi mỗi khi có mưa lớn kéo dài. Vậy, tình trạng này bao giờ mới được giải quyết dứt điểm ?

Nhân viên Công ty Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang đang tiến hành hút bùn các hố ga ở Khu hành chính UBND tỉnh.

Từ những trận mưa lớn trong thời gian gần đây đã chỉ ra cho thành phố Vị Thanh những bất cập trong công tác quy hoạch hệ thống tiêu, thoát nước. Lãnh đạo địa phương cũng đã thẳng thắn thừa nhận rằng công tác xóa, giảm ngập nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Nhiều nguyên nhân sâu xa

Ông Võ Minh Tâm, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, thừa nhận: “Tốc độ đô thị hóa nhanh, không đồng bộ với hệ thống thoát nước đã khiến cho nhiều khu vực trung tâm thành phố bị ngập nặng. Song song đó, nền đường tại nhiều nơi không đồng nhất, khu vực xây dựng sau hay cao hơn vị trí trước, thậm chí nhiều tuyến đường mới nền hạ thường cao hơn nhà dân, gây ngập cục bộ. Trong khi hệ thống thoát nước lạc hậu, đường ống nhỏ, khả năng tiêu thoát hạn chế, lâu ngày bị bồi lắng nhưng không có kinh phí khắc phục, nâng cấp kịp thời nên thời gian qua, tình trạng ngập úng vẫn còn tái diễn, gây bức xúc cho người dân”.

Trên thực tế, thời gian qua, thành phố Vị Thanh đã được quy hoạch theo hướng mở rộng không gian đô thị với việc hình thành Khu hành chính UBND tỉnh. Thế nhưng, khi vào mùa mưa bão, khu vực này cũng rơi vào tình trạng ngập úng cục bộ. Lý giải nguyên nhân này, đại diện một số cơ quan chuyên môn, cho rằng: Hiện khu hành chính có 3 cống xả được chia thành 3 lưu vực thoát nước chính. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế thì nguyên nhân gây ra ngập úng thời gian qua là do phần lớn các hố ga và các tuyến cống thoát nước đều bị bùn cát lấp nên làm giảm khả năng thoát nước.

Nhất là các tuyến cống bị lún, hạ thấp hơn so với miệng cống cửa xả phía kênh Xà No khoảng 0,3m nên lượng nước thải còn lại trong cống thường rất lớn. Mặt khác, một số miệng hố ga bị hư, có khả năng sụp lún không đảm bảo thu nước liên tục, cũng như việc thoát nước ở một số khu vực vẫn dựa trên hệ thống tưới tiêu nông nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, kết quả khảo sát thực tế của ngành chức năng còn phát hiện một số đoạn đường kính của cống không đồng bộ, bị sai khác so với thiết kế ban đầu, thay đổi tiết diện ống, làm thu hẹp dòng chảy. Từ đó khiến cho hệ thống thoát nước của Khu hành chính UBND tỉnh thường hay bị ngập và không tiêu thoát nước tốt được.

Cần giải pháp đồng bộ

Trước thực trạng hệ thống thoát nước thải đô thị sau nhiều năm đưa vào sử dụng có nhiều đoạn bị hư hỏng, gây ra ngập úng cục bộ mỗi khi mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình đi lại, kinh doanh và sinh hoạt thường ngày của người dân, thành phố Vị Thanh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước thải đô thị hiện hữu. Ông Võ Minh Tâm, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, thông tin: Từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ phấn đấu trở thành đô thị loại II. Chính vì thế, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện giải pháp xã hội hóa, tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương và địa phương để đầu tư các công trình giao thông nội thị.

Theo dự kiến, các tuyến đường bị ngập ở khu vực trung tâm thành phố sẽ được đưa vào danh mục các công trình vốn trung hạn. Sau khi được phân bổ vốn, địa phương sẽ ưu tiên những tuyến đường thật sự bức xúc để đầu tư, từng bước giải quyết tình trạng ngập úng cho đô thị trung tâm của tỉnh. Riêng, công tác khắc phục tình trạng ngập úng cho Khu hành chính UBND tỉnh đã cho thấy tín hiệu tích cực bước đầu. Khi mà mới đây, các đơn vị liên quan của tỉnh cùng đơn vị tư vấn đã tiến hành cuộc họp thông qua phương án thiết kế công trình cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước các trục đường trong Khu hành chính UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn chủ trì.

Tại đây, ông Nguyễn Văn Tuấn đã thống nhất phương án tập trung nạo vét, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các trục đường chính ở Khu hành chính UBND tỉnh với kinh phí thực hiện 3,8 tỉ đồng. Trong quá trình nạo vét cần phải kết hợp với kiểm tra để phát hiện những đoạn cống bị sụp lún, đứt gãy để đề xuất phương án khắc phục kịp thời, giải quyết được tình trạng ngập úng trong Khu hành chính UBND tỉnh như hiện nay. “Giải pháp đưa ra là phải khắc phục nhanh tình trạng ngập úng. Nếu phương án không khả thi thì các đơn vị có liên quan phải chịu trách nhiệm trong vấn đề trên”, ông Tuấn khẳng định.

So với các thành phố lớn trên cả nước thì ngập úng ở Vị Thanh chỉ xảy ra hiện tượng ngập cục bộ ở một số khu vực trung tâm. Thế nhưng, trong khi chờ giải pháp của các ngành chức năng trong việc khắc phục tình trạng trên thì trước mắt phải nâng cao ý thức chủ động ứng phó với ngập trong mùa mưa bão.

Triển khai xây dựng hệ thống thoát và xử lý nước thải

Ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, cho biết: Để đảm bảo thoát nước cho khu vực nội ô thành phố, ngay từ đầu mùa mưa, công ty đã thực hiện các giải pháp như: tập trung kiểm tra, nạo vét hệ thống cống thoát nước khu hành chính, xây dựng các cống xả tạm thời để bảo đảm tiêu thoát nước ngay khi có mưa lớn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, UBND tỉnh cũng đã thống nhất phương án tập trung nạo vét, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các trục đường chính ở khu hành chính, sau khi có văn bản chính thức thì công ty sẽ tiến hành thực hiện ngay.

Đặc biệt là đến nay, công ty đã được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án “Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại Vị Thanh” sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Đan Mạch tài trợ, có tổng mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục xây dựng mới các tuyến cống để hình thành hai hệ thống thu nước thải sinh hoạt và hệ thống thu nước mưa riêng biệt. Theo đó, dự án sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp tuyến cống hiện hữu để tận dụng những công trình đã có; xây dựng một số rãnh thu nước tại các hẻm để thu hết nước thải các gia đình về hệ thống cống chung; xây dựng mới các trạm bơm chuyển bậc để tăng độ dốc lòng cống nhằm giảm cặn lắng; xây dựng trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn nước thải loại B trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>