Vực dậy vùng đất bạc màu

26/09/2016 | 08:22 GMT+7

Thông qua các mô hình khuyến lâm, nông dân nhiều nơi trong tỉnh đã biến những vùng đất bạc màu, cằn cỗi trở thành mảng xanh của rừng, góp phần mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.

Vận chuyển tràm giống đến hỗ trợ cho bà con nông dân.

Ở các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, nhiều người dân đang tận dụng diện tích đất bạc màu, cằn cỗi để trồng các loại cây lấy gỗ như tràm bông vàng, tràm Úc, keo lai để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Thống kê của ngành chuyên môn huyện Phụng Hiệp, từ đầu năm đến nay, có 636 hộ với 546ha, tham gia các mô hình khuyến lâm tại địa phương, tăng 140ha/138 hộ so với năm 2015. Loại cây được trồng phổ biến nhất là tràm cừ, tràm bông vàng, bạch đàn…

Ông Lê Trung Chánh, Phó Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp, nhận định: “Các mô hình khuyến lâm trong thời gian gần đây được người dân hưởng ứng khá đông. Nguyên nhân là do các mô hình trồng tràm chi phí đầu tư thấp và mang lại lợi nhuận hấp dẫn. Mặt khác, nhu cầu sử dụng gỗ trong xây dựng và trang trí nội thất khá nhiều nên chuyển diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây lâm nghiệp làm cho diện tích tăng lên theo từng năm”.

Thông tin từ Hạt kiểm lâm Long Mỹ (phụ trách địa bàn huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ), mô hình trồng tràm bông vàng đã được triển khai năm 2013. Tổng số cây tràm bông vàng được hỗ trợ cho hai địa phương huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ từ năm 2013 đến nay là 870.564 cây. Ngoài ra, 4 xã Xà Phiên, Lương Tâm, Lương Nghĩa và Vĩnh Viễn A của huyện Long Mỹ còn được hỗ trợ 564.000 cây tràm Úc. Do tràm bông vàng và tràm Úc là những loài cây thích nghi tốt với những vùng đất bị nhiễm phèn, chịu mặn khá, nên khi triển khai mô hình đã nhận được sự hưởng ứng cao từ người dân.

Ông Huỳnh Văn Hồng, ở ấp 10, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tâm sự: “Tôi có phần đất độ chừng 1 công, nằm ngoài vùng đê bao. Trước giờ không trồng gì được do không đủ chất dinh dưỡng, gieo cây gì xuống cũng không phát triển. Thấy vậy, tôi đi nhổ tràm rừng mọc hoang dại về trồng thử, không ngờ nó thích nghi tốt nên tôi dự định sẽ mua cây giống về trồng. May mắn là vào đúng dịp Hạt Kiểm lâm Long Mỹ phổ biến các mô hình trồng tràm Úc ven tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, tôi đăng ký tham gia và được hỗ trợ cây giống. Vừa khỏi mất tiền mua, vừa được nguồn cây giống thuần chủng, nghe nói chỉ trồng khoảng 4 năm là thu hoạch được”.

Tại những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi phèn, mặn, việc chọn lựa cây trồng cho phù hợp với thổ nhưỡng là điều nông dân quan tâm nhất. Trong đó, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ đang có xu hướng trồng luân canh cây tràm bông vàng sau khi kết thúc vụ khóm. Theo nhận định của ngành chuyên môn, cách làm này vừa giúp cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Ông Huỳnh Thế Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Long Mỹ, nhận định: “Đặc tính của cây tràm bông vàng là cố định đạm rất tốt. Sau khi nông dân trồng tràm bông vàng khoảng 4 năm cho khai thác, và tiếp tục trồng lại khóm thì năng suất sẽ khá. Bởi quá trình trồng tràm bông vàng, lượng đạm đã được giữ lại trong đất. Vì thế, hiện nay trên địa bàn xã Vĩnh Viễn A nhiều người dân đang thử nghiệm chuyển diện tích đất trồng khóm lâu năm sang trồng cây tràm bông vàng”.

Với các mô hình khuyến lâm như: trồng tràm bông vàng, keo lai, tràm Úc…, ngành kiểm lâm Hậu Giang đã và đang nỗ lực cùng với nông dân vực dậy những vùng đất canh tác kém hiệu quả thành những mảng xanh của rừng, góp phần cải thiện nguồn thu nhập cho nhiều nông hộ.

Bài, ảnh: NGUYỄN HẰNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>